Quảng Trị: “Những câu chuyện về sự thay đổi” trong chăm sóc giáo dục trẻ thơ
Cuộc thi là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Làm cha mẹ có trách nhiệm giới trong chăm sóc phát triển trẻ thơ toàn diện tại tỉnh Quảng Trị”.
Sau 10 ngày triển khai, cuộc thi đã thu hút nhiều tác giả tham gia, nhiều bài hay, có ý nghĩa sâu sắc, có cảm xúc, hình ảnh đẹp gắn kết với câu chuyện, như bài viết của tác giả: Hồ Thị Đa, tình nguyện viên xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hoá đã đạt Giải Đặc biệt tại Cuộc thi. Bài viết của chị đầy cảm xúc về ước mơ của bé Hồ Thị Diễm Ny, là con của người đồng bào dân tộc thiểu số Bru Vân Kiều, sống tại xã Hướng Lộc, Hướng Hoá, Quảng Trị: “Gia đình cháu có 2 anh em, cuộc sống chủ yếu là làm nương rẫy, bố mẹ cháu làm quần quật quanh năm mà vẫn không đủ ăn vất vả. Bố, mẹ cháu là thành viên của nhóm U10 cũng được hơn 1 năm nên buổi tối bố thường ngồi bên nhắc cháu học bài, vì lý do đó mà việc học tập của cháu có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn. Ước mơ của cháu sau này sẽ làm cô giáo, muốn trở thành hiện thực nên cháu rất chăm chú học dù đau lưng, mỏi cổ mỗi khi nằm giữa sàn nhà để học với bóng điện thắp ban đêm của nhà cháu nhìn không rõ chữ để học nhưng cháu vẫn duy trì tình trạng đó qua hết học kì I cháu rất ước mơ có được cái bàn mà ngồi học cho đỡ mõi cổ. Bước sang học kì II thật may mắn khi bố mẹ cháu nhận được bộ bàn ghế và cái đèn bàn xinh xắn, đó là món quà rất có ý nghĩa nhất đối với cháu vậy cháu nghĩ ước mơ đã đến và trở thành hiện thực. Cháu rất vui và biết ơn tổ chức Plan đã đồng hành trên mọi chặng đường khó khăn của cuộc sống bản làng người đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô để giúp các cháu có những món quà đầy ý nghĩa, đi tìm những ước mơ tươi sáng trong tương lai…”.
Anh Hồ Văn Choóc, tình nguyện viên xã A Bung, huyện Đakrông viết câu chuyện về “Gia đình nguồn cảm hứng hướng đến tương lai” dựa trên cuộc sống hàng ngày của những ông bố trong làng. “Trước đây khi chưa biết đến nhóm U10 Bình đẳng giới, thời gian phần hơn của tất cả các ông bố đều dành lướt máy mỗi khi đi làm về, ít chơi với con cái, công việc nội trợ trong gia đình đều phó thác cho người vợ, mỗi khi con ốm, việc đón con, chăm con học, vui đùa, chơi cùng con đều mình vợ lo hết, nam giới suốt ngày rượu chè, ít làm ăn kiếm tiền lo cho gia đình, không quan tâm đến sự hạnh phúc gia đình, thiếu đi vai trò của người làm cha, chưa thấu hiểu đến cảm xúc của con. Từ khi thành lập nhóm U10 – Bình đẳng giới, được thành lập vào tháng 11 năm 2023, tôi đã tình nguyện tham gia nhóm, với mong muốn cùng nhau học hỏi, cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong cách nuôi dạy con, để làm sao thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho trẻ, gia đình hòa thuận, an vui và hạnh phúc. Tôi cùng với các tình nguyện viên khác cố gắng gặp gỡ nói chuyện, tuyên truyền và vận động những ông bố đang tự mình đánh mất niềm vui, niềm hạnh phúc từ gia đình mang lại”, theo câu chuyện của anh Choóc.
Bài viết của tác giả Hồ Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Rụt, huyện Đakrông với chủ đề “Câu chuyện thành công ông bố tích cực tham gia chai sẻ việc nhà và chăm sóc con” đề cấp đến ông bố Hồ Văn Nghĩa, sinh năm 1988 là thành viên nhóm cha mẹ có con 0-10 tuổi thôn Tà Rụt 3, xã Tà Rụt. “Anh Nghĩa lập gia đình năm 2010, vợ chồng anh có con gái đầu lòng năm 2011 và đứa thứ hai sinh năm 2014. Trước đây, anh Nghĩa suy nghĩ lạc hậu, ít tham gia các cuộc tổ chức tuyền thông hay là việc chăm sóc con vì anh nghĩ việc chăm sóc con là của phụ nữ, chỉ cần anh kiếm tiền cho con đủ ăn no bụng là đủ, chưa biết về chăm sóc con cái phát triển tốt như thế nào và anh chưa có kinh nghiệm kiến thức nuôi dạy con hay giúp vợ làm việc nhà vì anh cho rằng việc nhà, chăm sóc con là việc của vợ, anh chỉ cần kiếm tiền nuôi vợ con là đủ, không quan tâm con học như thế nào, ra sao… Năm 2022, Dự án Plan và Hội LHPN tỉnh hỗ trợ xây dựng Nhóm U10 về chăm sóc và phát triển trẻ thơ, hai vợ chồng anh Nghĩa đã được hai chị tình nguyện viên (TNV) vận động tham gia nhóm. Hàng tháng hai vợ chồng thay nhau tham gia sinh hoạt nhóm và được TNV thôn hướng dẫn, chia sẻ về trách nhiệm của cha mẹ chăm sóc nuôi con, nam giới tham gia chia sẻ việc nhà, hỗ trợ con học tập tốt... Từ đó anh cùng thành viên trong nhóm và tình nguyện viên mang kiến thức chia sẻ với các ông bố bà mẹ ở thôn việc lợi ích khi tham gia vào nhóm cha mẹ, có được kiến thức bình đẳng chia sẻ việc nhà, chăm sóc con, giúp con học tập tốt được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần”, theo câu chuyện của tác giả Hồ Thị Hoa.
Một buổi sinh hoạt “Nhóm U 10- Bình đẳng giới” thôn A Bung, xã A Bung huyện Đakrông - Ảnh: Hồ Văn Choóc
Bài viết của tác giả Rơ Châm Áo, chi hội trưởng phụ nữ thôn Xa Lăng, xã Đakrông, huyện ĐaKrông đạt giải Nhì với chủ đề “ Vì tương lai tươi sáng”: “Chị Hồ Thị M, 28 tuổi, có 2 đứa con, tuy chị M đã lập gia đình cũng được 10 năm mà chị chưa tham gia vào mô hình hoặc hoạt động nào tại thôn, chị M cũng vừa mới tham gia nhóm cha mẹ được 3 năm nay. Chị M đi lấy chồng cũng vừ đủ 18 tuổi, bản tính của chị M thì rụt rè, ít nói, không dám tiếp xúc với chị em phụ nữ trong thôn… TNV đã đến nhà chị M nói chuyện, trao đổi và được nghe chị chia sẻ về cuộc sống hôn nhân, gia đình, từ đó đã động viên và vận động chị tham gia nhóm U10, giải thích cho chị hiểu về quyền lợi cho con cái gia đình cũng như bản thân chị. Từ ngày tham gia nhóm U10, chị mạnh dạn giao tiếp với tất cả chị em trong nhóm, chia sẻ về bản thân, con cái, gia đình. Chị lắng nghe, học hỏi và luôn thay đổi từng ngày, tích cực tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi dê, nuôi gà… để phát triển kinh tế, tham gia lớp bồi dưỡng nấu ăn chế độ dinh dưỡng cho con. Chị còn tham gia hoạt động nhóm TK&VVTB tại thôn… Sau một thời gian chị tham gia nhóm, được sự hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh phối hợp với Plan chị cũng được hỗ trợ nuôi ngan, nuôi gà bản, không chỉ vậy mà chị M cũng được hỗ trợ bàn, đèn học để con chị M có góc học tập riêng. Chị mạnh dạn, tự tin chia sẻ lại kinh nghiệm của bản thân mình cho các mẹ khác”.
17 tác giả tham gia dự thi đã thể hiện những câu chuyện, nội dung, cung bậc cảm xúc khác nhau. Tác giả Hồ Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Rụt, huyện Đakrông đã đạt Giải Nhất cuộc thi. Tác giả Rơ Châm Áo, chi hội trưởng phụ nữ thôn Xa Lăng, xã Đakrông, huyện ĐaKrông; Hồ Thị Thùa, tình nguyện viên thôn Kỳ Tăng, xã Lìa, huyện Hướng Hóa; Hồ Thị Diệp, tình nguyện viên xã A Ngo, huyện Đakrông; Nguyễn Thị Như Thúy, hội viên phụ nữ Nhóm U10, chi hội Thiện Tây, xã Hải Định, huyện Hải Lăng đã đạt Giải Nhì cuộc thi. Tác giả Hồ Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Húc, Hướng Hóa; Trần Thị Thu Nguyệt, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Húc, huyện Hướng Hóa; Nguyễn Thị Tuyết Linh, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Thuận, huyện Hướng Hóa đã đạt Giải Ba cuộc thi; Giải Khuyến khích được trao cho 7 tác giả cuộc thi.
Cuộc thi “Viết câu chuyện về sự thay đổi” được đăng tải trên các trang mạng xã hội của Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN huyện ĐaKrông, Hướng Hóa… đã tạo sự lan toả rộng rãi trong cộng đồng; huy động được sự tham gia tích cực của các nhóm cha mẹ trong và ngoài vùng dự án, cha mẹ tích cực tham gia các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em; nâng cao kỹ năng, kiến thức về viết câu chuyện, về ứng dụng CNTT trong hoạt động Hội.