Quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

15/09/2023
Quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngày 24/6/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghị định có hiệu lực từ ngày 16/8/2019 và thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Tại các Điều 5, 9, 10, 13 của Nghị định số 55/2019/NĐ-CP quy định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm hai nhóm hoạt động sau:

1. Về nhóm hoạt động xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về pháp luật

a) Về xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật

Tại Điều 5 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP quy định: Việc xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ về cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; việc xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về điều ước quốc tế liên quan đến thương mại mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên được thực hiện theo Luật Điều ước quốc tế và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật Điều ước quốc tế.

b) Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý

Tại Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP quy định: Cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý bao gồm: Các bản án, quyết định của tòa án; phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp có hiệu lực thi hành và được phép công khai hoặc kết nối với cổng thông tin điện tử công khai các văn bản này; các văn bản trả lời của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình áp dụng pháp luật  và các văn bản tư vấn pháp luật của mạng lưới tư vấn viên pháp luật đối với các vụ việc, vướng mắc pháp lý theo yêu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2. Về nhóm hoạt động xây dựng và tổ chức thực hiện các Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (sau đây gọi tăt là Chương trình)

a) Về căn cứ xây dựng Chương trình

Tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP quy định: Căn cứ xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm: Nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong từng thời kỳ, ngành, lĩnh vực, địa phương; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và kế hoạch ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh; và nguồn lực của bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp.

b) Về các hoạt động của Chương trình

Tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP quy định các hoạt động của Chương trình gồm: Hoạt động cung cấp thông tin, bao gồm thông tin pháp luật trong nước, thông tin pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế, cảnh báo rủi ro pháp lý và chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa (nếu có); hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật, bao gồm bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho mạng lưới tư vấn viên pháp luật và hoạt động tư vấn pháp luật, bao gồm đối thoại, giải quyết các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp và các hoạt động tư vấn pháp luật khác phù hợp với các quy định của pháp luật trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa và nguồn lực.

c) Về thời hạn thực hiện Chương trình:

Tại Điều 11 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP quy định: Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có thời hạn tối đa 05 năm kể từ ngày được phê duyệt.

d) Về xây dựng và phê duyệt chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại trong phạm vi địa phương.

Tại Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP quy định: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, tổ chức khác và cá nhân có liên quan xây dựng và đề xuất chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi địa phương trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

e) Về hỗ trợ kinh phí triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tại Điểm a Khoản 3 Điều 13 quy định: Căn cứ vào nội dung, nguồn lực của chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định, bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí nhưng tối đa không quá 50% kinh phí thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do tổ chức đại diện cho doanh nghiệp đề xuất từ nguồn kinh phí thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định. Kinh phí còn lại do tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tự chi trả hoặc từ nguồn xã hội hóa, huy động từ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp để thực hiện.

* Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video