Sóc Trăng: Hội LHPN huyện Cù Lao Dung nâng cao vai trò các cấp Hội Phụ nữ trong công tác quy hoạch cán bộ nữ
Về mặt thuận lợi, công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, sử dụng nguồn cán bộ nữ luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của huyện; đội ngũ cán bộ nữ của huyện từng bước tăng lên về số lượng và chất lượng; phụ nữ ngày càng được tạo điều kiện, tôn trọng, bình đẳng trong gia đình và xã hội; phụ nữ tham gia cấp ủy, tham gia đại biểu HĐND các cấp, lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ngày càng tăng. Từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ, các cấp ủy đảng đã thực hiện nhiều giải pháp trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ; tỷ lệ nữ giữ các chức danh lãnh đạo ở các cấp ngày càng tăng. Cụ thể:
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025: có 5 nữ/38 Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, chiếm 13,15% (có 1 nữ/11 Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy là nữ, tỷ lệ 9,09%), cấp cơ sở chiếm 31 nữ/120 UV.BCH đạt 26%. Cán bộ nữ giữ các chức danh chủ chốt cấp huyện 21 nữ/124 tổng số, chiếm 17%; cấp cơ sở 5 nữ/49 tổng số, chiếm 10,20%. Hiện toàn huyện có 925 đảng viên nữ/2752 TS đảng viên, chiếm 36,61%.
Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 có 5/30 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện đạt 16,67%; 56/202 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã đạt 28%. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hội các cấp, xây dựng đội ngũ cán bộ hội đảm bảo tiêu chuẩn theo từng chức danh; 100% cán bộ Hội và Chủ tịch hội cơ sở đạt chuẩn chức danh theo quy định.
Việc quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm được các ngành, các cấp thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch và đúng quy trình, trong đó chú trọng quan tâm đến phát triển, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ vào các vị trí chủ chốt. Đến nay, đa số cán bộ, công chức, viên chức nói chung và cán bộ nữ nói riêng sau khi được đào tạo, bồi dưỡng được bố trí vào các vị trí việc làm phù hợp đã phát huy được năng lực, sở trường cá nhân.
Đạt được kết quả nêu trên là do các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị kịp thời quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận, quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, huyện về công tác cán bộ nói chung, công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ nói riêng. Xác định rõ trách nhiệm công tác công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ là của cấp ủy, trước hết là bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; kịp thời cụ thể hóa và ban hành đồng bộ các văn bản về công tác cán bộ để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phù hợp ở các cấp.
Đáng kể nhất là coi trọng thực hiện tốt việc rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ, quan tâm quy hoạch cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Căn cứ quy hoạch cán bộ, nhu cầu công tác, đánh giá đội ngũ cán bộ, xây dựng kế hoạch, xác định rõ lộ trình, địa bàn, chức danh luân chuyển, vừa coi trọng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác, vừa coi trọng mục đích bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận.
Song song đó, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng bám sát yêu cầu nhiệm vụ, gắn với tiêu chuẩn, chức danh đã được quy hoạch, đảm bảo tính đồng bộ, kế thừa và phát triển; chấn chỉnh việc đào tạo trùng lắp, không theo quy hoạch. Đào tạo, bồi dưỡng phải gắn liền với bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ vừa “hồng” vừa “chuyên”. Cần rà soát, đánh giá trình độ đội ngũ cán bộ, xác định nhu cầu đào tạo, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Việc bố trí, sử dụng cán bộ trẻ sau đào tạo phải phù hợp với chuyên môn nhằm tạo động lực và cơ hội để cán bộ trẻ phát huy năng lực và kiến thức vào thực tiễn; khắc phục tình trạng bố trí không đúng ngành nghề đào tạo; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chế độ chính sách cho cán bộ nữ, cán bộ trẻ, thường xuyên tạo điều kiện để cán bộ phát huy năng lực, sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm, hoàn thiện cơ chế, thu hút, tạo nguồn, tuyển dụng, trọng dụng cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có triển vọng.
Bên cạnh đó, cần giao nhiệm vụ, thử thách, rèn luyện đội ngũ cán bộ kế cận. Có chế độ, chính sách động viên, khuyến khích kịp thời đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị về thực hiện công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ, kịp thời hướng dẫn, xử lý các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn.
Trước những đòi hỏi của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, để phụ nữ có điều kiện phát huy năng lực, tự tin tham gia và thực hiện tốt vai trò quan trọng của mình trên tất cả các lĩnh vực, công tác cán bộ nữ cần đổi mới và đột phá hơn nữa. Người Phụ nữ hiện đại khi nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cùng với những nỗ lực của bản thân sẽ có cơ hội đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển đất nước, khẳng định hình ảnh, phẩm chất đạo đức cao quý “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.