Sóc Trăng: Phối hợp tổ chức thành công 02 “Hội nghị tư vấn pháp luật phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”, tại huyện Thạnh Trị và thị xã Vĩnh Châu

25/06/2024
Trong 02 ngày 15 - 16/6, trên địa bàn huyện Thạnh Trị và thị xã Vĩnh Châu, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp tổ chức “Hội nghị tư vấn pháp luật phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em”.
Quang cảnh phiên tòa giả định tại huyện Thạnh Trị

Hội nghị được tổ chức nhằm phối hợp đẩy mạnh đổi mới phương pháp tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trên các lĩnh vực đời sống xã hội có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ, nhất là tuyên truyền phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em dưới mọi hình thức với bất kỳ hành vi gây nguy hại đến an toàn tính mạng, nhân phẩm…, thông qua việc truyền tải thông tin được cụ thể hóa từ những tình huống đã xảy ra trong thực tế, chỉ ra những nguyên nhân, hậu quả và phương pháp xử lý phù hợp tình hình thực tiễn, cách thức phối hợp thực hiện việc áp dụng một số quy định về xử lý hành chính, các chế tài của pháp luật hiện hành có hiệu lực pháp lý để giáo dục, răn đe cao đối với các đối tượng có dấu hiệu, biểu hiện hành vi vi phạm bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, góp phần nâng cao nhận thức, tăng khả năng vận dụng kiến thức pháp luật của hội viên, phụ nữ, cộng đồng ngày càng hiệu quả hơn. 

Tại hội nghị, các đại biểu nắm rõ được nhiều thông tin hữu ích qua các hình thức tuyên truyền trực tiếp, sinh động từ việc lồng ghép nhiều nội dung truyền thông với nhau nên tăng hiệu ứng tương tác cao. Bên cạnh đó, không khí diễn biến hội nghị không kém phần sôi nổi với hoạt động giao lưu tư vấn trợ giúp pháp luật liên quan đến chủ đề đề ra đã thu hút đông đảo các chị em hội viên, phụ nữ quan tâm theo dõi và đặt ra trên 10 ý kiến trao đổi là các vấn đề nóng, cấp thiết đang được đa số phụ nữ quan tâm nhiều liên quan đến các vụ việc bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, các dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật hôn nhân gia đình, mua bán người… nảy sinh trong đời sống hàng ngày tại hộ gia đình, cộng đồng; đề nghị nêu rõ các chính sách hỗ trợ các trường hợp bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em…

Các đại biểu tham dự hội nghị

Với sự chia sẻ, thông tin hướng dẫn tận tình của các diễn giả có nhiều kinh nghiệm thực tiễn đã kịp thời hỗ trợ cung cấp thông tin hữu ích phù hợp nhóm đối tượng đích mong muốn hướng tới. Trong đó, tập trung nêu rõ sự cần thiết từng hội viên, phụ nữ phải quan tâm dành thời gian học tập nâng cao nhận thức để nắm rõ các quyền phụ nữ, quyền trẻ em từ tự học nghiên cứu và qua công tác tuyên truyền của các cấp Hội trong tỉnh triển khai; tư vấn, trợ giúp pháp luật, tham vấn pháp lý cho các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, chỉ ra những điểm có khả năng vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình, chính sách dân số cần tránh và các chính sách hỗ trợ, địa chỉ các điểm tiếp nhận nạn nhân bị bạo lực, xâm hại (Ngôi nhà Bình yên tại Trung tâm phát triển Phụ nữ ĐBSCL, Tp. Cần Thơ, Hà Nội và các điểm nhà tạm lánh trong tỉnh…), nên đã thu hút mạnh chị em hội viên, phụ nữ theo dõi hưởng ứng tham gia tương tác nhiệt tình và có trách nhiệm.

Hội nghị đã đáp ứng được mong đợi nhu cầu học tập, trợ giúp pháp luật liên quan đến bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em ngay trên địa bàn đã xảy ra nhiều vụ việc phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại trong thời gian gần đây. Đây cũng là hoạt động đầu tiên có tính trọng yếu đặc biệt liên quan công tác bảo đảm an toàn trong chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em và chị em phụ nữ được tổ chức tại tỉnh trong năm 2024, định hướng hoạt động rõ nét trong hỗ trợ phụ nữ linh hoạt chủ động ứng phó với vấn nạn bạo lực, xâm hại. Đồng thời, góp phần hỗ trợ đội ngũ tuyên truyền viên, hội viên nòng cốt của các cấp Hội xác định rõ hơn vị trí, vai trò của mình trong tham gia hỗ trợ giúp đỡ chị em phụ nữ, trẻ em ứng phó bạo lực, xâm hại bằng nhiều phương pháp hữu hiệu như: phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác phòng, chống xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; quan tâm tạo điều kiện phát huy vai trò các thành viên địa chỉ tin cậy, tạo điều kiện thuận lợi nâng khả năng tiếp cận sự hỗ trợ của Hội, địa phương dễ dàng nhất; thường xuyên coi trọng nắm bắt, phản ánh tình hình tư tưởng, nguyện vọng của chị em; kịp thời phối hợp hỗ trợ đưa các nạn nhân bị bạo lực, xâm hại đến các trung tâm tư vấn, nhà tạm lánh của Hội, địa phương…

Nguyễn Thanh Phương

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video