Tây Ninh: Quan tâm phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, tuyên truyền viên nòng cốt của Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh
Phát biểu định hướng công tác tuyên truyền pháp luật, bà Kim Thị Minh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhấn mạnh: “Các chị, các cô là cán bộ, hội viên, tuyên truyền viên pháp luật nòng cốt, sâu sát nhất với phụ nữ ở địa phương, đặc biệt là ở các vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số, vậy nên thông qua buổi bồi dưỡng kiến thức pháp luật hôm nay, các báo cáo viên sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản nhất liên quan đến công tác tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở... Qua đó, hỗ trợ các chị, các cô có đầy đủ kiến thức pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ”.
Tại hội nghị, cán bộ, hội viên, tuyên truyền viên pháp luật nòng cốt đã được nghe báo cáo chuyên đề “Tăng cường hiểu biết pháp luật để nâng cao vị thế và quyền làm chủ của người phụ nữ trong gia đình và xã hội trong điều kiện hiện nay”; truyền thông công tác trợ giúp pháp lý và kỹ năng tư vấn pháp luật; kỹ năng tuyên truyền miệng về pháp luật và Công tác hòa giải ở cơ sở.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã tích cực, hăng hái, nhiệt tình tham gia phần thi trắc nghiệm tìm hiểu pháp luật với 10 câu hỏi kiến thức liên quan đến các nội dung: trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới; kỹ năng giải quyết tình trạng bị thừa giờ khi tuyên truyền pháp luật, xử lý tình huống khi người nghe đặt câu hỏi nhưng tuyên truyền viên không trả lời được; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017…
Thông qua hội nghị đã tạo chuyển biến mạnh mẽ đối với chị em trong nhận thức, ý thức tuân thủ, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo môi trường an toàn, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em; phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em. Bên cạnh đó, thông qua đội ngũ nòng cốt sẽ thực hiện tốt công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho phụ nữ; giúp phụ nữ tự chủ động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, đặc biệt ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc.