Thêm kiến thức phòng, chống mua bán người trên không gian mạng cho phụ nữ và thanh niên

16/08/2024
Các thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi; trẻ em là đối tượng có nguy cơ bị bạo lực gấp đôi người lớn khi bị mua bán, bị ép buộc lao động, buôn bán nội tạng hay mại dâm… - đó là những thông tin đáng lưu ý tại “Diễn đàn truyền thông phòng, chống mua bán người”.
Các đại biểu tham dự hào hứng tham gia trả lời câu hỏi tại chương trình

Ngày 15/8, tại tỉnh Tây Ninh, Hội LHPN Việt Nam tổ chức chương trình "Diễn đàn truyền thông phòng, chống mua bán người". Chương trình nhằm hưởng ứng Ngày Quốc tế và Ngày Toàn dân phòng chống mua bán người (30/7). Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, tham dự chương trình.

Chương trình thu hút đông đảo học sinh, sinh viên, hội viên phụ nữ, người dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tham gia.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, phát biểu tại chương trình

Phát biểu tại chương trình, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho biết: Trong bối cảnh tội phạm mua bán người với những phương thức, thủ đoạn phức tạp trên không gian mạng hiện nay, Hội LHPN Việt Nam đã và đang tăng cường sử dụng công nghệ và mạng xã hội để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người. Các chiến dịch truyền thông trên mạng - xã hội về phòng, chống mua bán người với các hình thức mới mẻ, nội dung hấp dẫn cũng được triển khai, đã thu hút được hàng triệu lượt tiếp cận từ công chúng trên khắp cả nước…

"Tại sự kiện truyền thông hôm nay, thông qua hình thức "Sân khấu diễn đàn" và "Tọa đàm đối thoại", chúng tôi mong muốn cung cấp thêm kiến thức về phòng, chống mua bán người, nhận biết những phương thức, thủ đoạn và hậu quả nghiêm trọng của tội phạm mua bán người trên không gian mạng. Qua đó giúp các em học sinh và người dân nêu cao tinh thần cảnh giác để tự phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện ra các hành vi phạm tội mua bán người", bà Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh.

Câu chuyện từ chính nạn nhân

Em N.T.M.L (sinh năm 2009, trú tại Châu Thành, Tây Ninh) là một trong những khách mời đặc biệt tại "Diễn đàn truyền thông phòng, chống mua bán người". Em L. từng là nạn nhân của một đường dây mua bán người và đã được cứu thoát.

Chia sẻ với phóng viên, em L. cho biết, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em nghỉ học từ rất sớm. Đầu năm 2023, trong một lần lướt facebook, em thấy người quen đăng tuyển tìm người làm ở xưởng may tại Bình Dương. Em L. đã chủ động liên hệ để đăng ký đi làm. Các đối tượng mua bán người đã cho xe tới tận nhà để đón em đi. Tuy nhiên, sau khi lên xe, em L. được chở đi qua nhiều địa điểm và chở sang Campuchia để làm việc.

Chương trình “Diễn đàn truyền thông phòng, chống mua bán người” thu hút hơn 300 học sinh, sinh viên, hội viên phụ nữ, người dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tham gia.

Em L. rưng rưng kể lại: "Người ta đưa em vào một công ty bên Campuchia, ở đó bảo vệ gay gắt lắm, họ cầm súng đi qua đi lại rất ghê. Ban đầu, họ tập luyện cho em gõ máy tính, sau đó bắt em tham gia đường dây lừa đảo do họ hướng dẫn. Mỗi ngày họ cho ăn 2 lần thôi. Họ cho em dùng một cái app, bắt em lên đó đóng vai tình nhân để lừa đảo tiền người khác. Nếu đối tượng là nam thì em đóng vai là nữ, còn đối tượng là nữ thì em đóng vai nam. Em chủ yếu nhắn tin trò chuyện để đối phương tưởng là thật, còn lúc gọi điện thoại hay gửi các video nhạy cảm thì có một người khác chuẩn bị sẵn để gửi và đối phương phải nộp tiền vào app. 

Càng ngày, chủ đưa ra chỉ tiêu cao, số tiền nhiều hơn nên em không làm được. Ổng cột em lại và đánh bằng roi điện, trói đứng hoài không cho ngủ luôn. Có một bạn cũng bị bán sang đó, trong lúc chạy trốn mà nhảy lầu nên tử vong. Còn em chạy chui vào xe rác để đi ra khỏi cổng. Khi thoát khỏi, em hỏi người dân và chỉ đường qua cửa khẩu. Em đã tìm cách liên hệ với gia đình và được đón về nhà sau hơn 4 tháng bị bán sang đó".

"Từ bài học của mình, em hy vọng các bạn nhỏ đừng bị lừa giống em, đừng dễ tin người lạ. Làm việc ở Việt Nam vẫn sướng hơn", em L. gửi gắm.

Không chỉ riêng em L. mà còn rất nhiều nạn nhân khác bị bán sang nước ngoài, chịu nhiều tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ và trẻ em mà còn là nam giới và trẻ sơ sinh, bị lấy nội tạng, cưỡng ép kết hôn, đẻ thuê, bóc lột lao động và tình dục...

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, 6 tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 98 vụ án mua bán người, 234 đối tượng liên quan đến hành vi mua bán người. Số vụ mua bán người được phát hiện, khởi tố mới tăng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng tại tỉnh Tây Ninh, trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh đã phát hiện và khởi tố 3 vụ với 12 đối tượng và giải cứu 24 nạn nhân, đang thụ lý điều tra 2 vụ án mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi với 17 bị can.

Tiểu phẩm “Nhà không lối thoát” với nội dung phòng, chống mua bán người tại "Sân khấu diễn đàn".

Hiện nay, các thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi và phức tạp. Các đối tượng tội phạm mua bán người còn lợi dụng những lỗ hổng thông tin trên không gian mạng cũng như nhu cầu việc làm tăng cao, đặc biệt trong tầng lớp thanh niên, để thực hiện hành vi phạm tội.

Đặc biệt, tình trạng nạn nhân của tội phạm mua bán người là trẻ em chiếm số lượng lớn (trên tổng số vụ). Bên cạnh đó, trẻ em là đối tượng có nguy cơ bị bạo lực gấp đôi người lớn khi bị mua bán, đồng thời, cũng là đối tượng phải đối mặt với tình trạng bị lạm dụng cho nhiều mục đích như ép buộc lao động, buôn bán nội tạng hay mại dâm.

Vậy nên, "Diễn đàn truyền thông phòng, chống mua bán người" được Hội LHPN Việt Nam tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống mua bán người cho học sinh và người dân, góp phần làm giảm các nguy cơ tội phạm liên quan đến mua bán người và thúc đẩy di cư an toàn.

Tại chương trình, các kiến thức về phòng, chống mua bán người; kỹ năng tiếp cận, can thiệp hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân… được BTC chuyển tải một cách sinh động và dễ hiểu, dễ nhớ qua hình thức hình thức sân khấu diễn đàn. Ở đó, các khách mời, hội viên, phụ nữ, học sinh, người dân vừa được theo dõi vở kịch về chủ đề mua bán người, vừa được tham gia trực tiếp vào vở kịch để nói lên suy nghĩ và dùng hành động can thiệp vào diễn biến, tình tiết để thay đổi kết cục của nhân vật trong câu chuyện.

Các em học sinh tham gia tương tác với ban tổ chức chương trình.

Ngoài ra, chương trình tổ chức tọa đàm với các khách mời là đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đại diện Công an tỉnh Tây Ninh, đại diện Bộ đội Biên Phòng tỉnh, đại diện Hội LHPN và 1 nạn nhân từng bị bán sang Campuchia, để họ cùng nói lên tiếng nói của mình, mang đến cho người nghe nhiều kiến thức thực tế.

Em Huỳnh Thanh Nga, sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh, chia sẻ: "Nhờ chương trình mà em càng hiểu được, không ai có thể cứu mình bằng chính mình. Mỗi người cần phải có kiến thức, có hiểu biết vững vàng để bước vào cuộc sống. Hành vi mua bán người để lại nhiều nỗi đau thể xác và tinh thần, vậy nên cần phải nâng cao nhận thức để không ai bị lừa gạt dễ dàng".

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video