Đà Nẵng: Những căn nhà khiến ta... phải khóc!

07/07/2008
126 căn nhà sẽ được trao cho phụ nữ nghèo, bất hạnh, không nhà cửa, không người thân hoặc đang chìm đắm trong đắng cay khổ cực "phận liễu".

Đó là món quà chắt chiu nghĩa tình mà Hội Bảo trợ Phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh và lãnh đạo TP Đà Nẵng với sự hảo tâm của các doanh nghiệp, cá nhân đem đến cho các chị em. 38 căn nhà đã được trao, 38 lần người ta chứng kiến những hàng nước mắt lăn dài trên gò má các mẹ, các chị. Nước mắt của niềm vui!


* “Hoa héo” bên sông Hàn

Sinh ra trong một gia đình theo nghề “xướng ca” ở Quảng Ngãi, chị Nguyễn Thị Ngọc Loan (45 tuổi) nay đây mai đó với những đồng tiền lẻ nhàu nát của khách. Cuối của chặng hành trình gian khó, bố chị chọn Đà Nẵng làm điểm dừng chân. Đất khách, quê người, nỗi khốn khó càng lúc càng tăng gấp bội, gia đình chị hàng chục năm sống cảnh “thuê nhà trọ” triền miên ở thành phố hoa lệ bên sông Hàn.

Ước mơ kiếm cho mình một căn nhà nho nhỏ nương thân của chị và gia đình đã tan biến theo những đổi thay của thời cuộc, khi mà các phương tiện nghe nhìn hiện đại đang dần dần thay thế cho những buổi biểu diễn ca nhạc đơn sơ, “cây nhà lá vườn”.

Gánh hát “chết” dần vì mất đất sống, cuộc đời của gia đình chị cũng lao dốc không phanh. Lấy chồng cùng gánh hát, được một đứa con thì chị và chồng chia tay vì không hợp nhau. Vật lộn mưu sinh trong tủi nhục rồi chị cũng có người đàn ông khác thương nhớ. Họ thành vợ chồng chẳng được bao lâu, khi chị đang có thai tháng thứ 3 thì người đàn ông này cũng ngã bệnh ra đi nốt.

“Làm đủ nghề, nhưng số tui đen đủi thế nào ấy, cuối cùng chẳng ra trò trống gì cả”- chị than thân trách phận! Rồi chị lấy nghề bán rau ở chợ để sống qua ngày.

Ai chứng kiến gia cảnh của chị Loan trào nước mắt: Gánh hàng rau nuôi ông bố 80 tuổi bị cụt chân già yếu, bà chị gái trên 50 tuổi đau ốm triền miên, 2 đứa con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học. 5 con người già có, trẻ có nheo nhóc sống trong căn nhà thuê xập xệ, xuống cấp chừng 15m2, với giá mỗi tháng 400 ngàn đồng…

Gia cảnh chị Lê Thị Thương (56 tuổi) cũng thê lương không kém. Bản thân chị là người tật nguyền, nhưng “cà nhắc vẫn làm được việc” chị sống nhờ vào nghề may thuê và nuôi tới 3 miệng ăn.

Trong căn trọ tồi tàn của chị còn có người em gái Lê Thị Hết bị liệt người, lê lết trên sàn nhà suốt đời. Trước đây, nghĩ cảnh già hiu quạnh không người thân thích, chị Thương đã liều “xin” đứa con để nuôi, nay cháu đã 10 tuổi.

Với mức tiền may thuê, vá mướn 600 - 700 ngàn đồng/tháng mà lo ăn uống cho 3 con người ở TP, lại phải mất một khoản để trả cho việc thuê nhà nữa thì chuyện bữa no, bữa đói, thậm chí là “đứt bữa” là không thể tránh được.

Chị buồn buồn tâm sự: Nhiều phụ nữ khác ở trong nhóm các chị cũng vậy, có nhiều người tuổi đã sắp 80 nhưng 2/3 chặng đời ở thuê, làm mướn. Đa phần họ đều mưu sinh bằng những nghề khốn khổ như lượm ve chai, may thuê, gánh nước thuê, giúp việc v.v... Tiền ít, kiếp ở thuê cứ thế lại… dài dài!


* Phố nghèo ngày tươi sáng

Từng chứng kiến nhiều lễ trao nhận nhà nhưng có lẽ đây là lần xúc động nhất với tôi. Khi nhận xong quyết định nhận nhà, cả sân khấu giữa cái nắng oi nồng mùa hạ lại vỡ òa tiếng khóc của bà già, con nít, của chị em không nơi nương tựa. Họ khóc vì… quá vui.

Từ khi biết sẽ được nhận nhà đến lúc được nhận nhà, hầu hết chị em đều chẳng ngủ được đầy giấc. Nhiều chị kể rằng, họ không dám tin cho đến khi cầm được cái chìa khoá căn nhà trong tay - vật mà cả cuộc đời sương gió của họ có bảo mơ cũng chẳng dám.

Cầm tờ quyết định nhận nhà trên tay, chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (36 tuổi, 2 đứa con, chồng chết) òa khóc mà không ngần ngại xung quanh mình có hàng trăm người khác. Chị Nguyệt chắp tay hướng về người quá vãng, lẩm nhẩm: “Ba má ơi, con đã hết cảnh phải ở nhà thuê xập xệ rồi”.

Đối tượng được nhận nhà đợt này gồm có các tiêu chuẩn: Phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ, đang ở nhà thuê, có hộ khẩu Đà Nẵng, thuộc diện hộ nghèo... Hầu hết với chị em có được căn nhà rộng 70 m2 (khoảng 45 triệu) khang trang nằm trong một dãy phố ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) thì quả thật “mơ cũng không có được”.

Các hộ ở đây sẽ sống trong những căn nhà liền kề, có hệ thống điện nước, vệ sinh… dành riêng cho khu phố này. Họ đã qua thời “nay đây mai đó”, lúc chủ vui thì cho ở, lúc chủ buồn thì chửi mắng, đuổi đi…

Ông Nguyễn Công Lang, Giám đốc Ban Quản lý nhà Đà Nẵng cho biết: Các hộ gia đình được nhận nhà chỉ phải trả một khoản phí nhỏ hàng tháng để bảo dưỡng, sửa chữa những lúc hư hỏng…

Còn bà Nguyễn Thị Vân Lan - Chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng thì nghẹn ngào: “Niềm mơ ước của các bà, các chị đã đạt được. Họ về đây sum vầy, sẻ chia để cùng nhau tạo nên một khu phố nghĩa tình”.

giadinh.net

TÂM ĐIỂM

Video