Đề xuất thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đông lao động nữ

23/11/2016
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, thu hút nhiều lao động nữ vào dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ  2, Quốc hội khóa XIV, ngày 22/11, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 97% trong tổng số 610.000 doanh nghiệp trên cả nước, đóng góp trên 50% GDP và tạo 62% việc làm cho người lao động.

Đại biểu Trần Kim Yến, đoàn ĐBQH TPHCM, kiến nghị: Về tiêu chí xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ (Điều 4), cần “bổ sung tiêu chí có sử dụng đông lao động nữ”. Có thêm chính sách cho doanh nghiệp có đông lao động nữ là thỏa đáng. Mặt khác, hiện nay tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi lao động khá cao, nhưng do đặc thù về tâm sinh lý, nếu có nhiều thêm nữa chính sách ưu đãi của Nhà nước sẽ có tác động và khuyến khích đến doanh nghiệp thu hút lao động nữ làm việc. 

Đồng quan điểm, theo đại biểu Lê Văn Sỹ, đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, hiện nay tỷ lệ phụ nữ làm chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khoảng 25% trong tổng số các doanh nghiệp. Do đó, cần phải có chính sách hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và những doanh nghiệp thu hút nhiều lao động nữ.

Theo đại biểu Sỹ, để có cơ sở hỗ trợ, dự thảo luật cần quy định cụ thể khái niệm về doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ khởi nghiệp, tiếp cận chính sách, tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực tiếp cận thông tin, xây dựng mạng lưới kinh doanh và tiếp xúc thương mại cũng như quy định về tỷ lệ thu hút phụ nữ lao động là bao nhiêu.

 Ảnh minh họa

 Nếu có chính sách ưu đãi, sẽ khuyến khích doanh nghiệp thu hút nhiều lao động nữ 


Giải trình trước Quốc hội, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết thực trạng doanh nghiệp đang rất khó khăn tiếp cận vốn, công nghệ, thị trường, thông tin… Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ hiện nay “đều rời rạc, chung chung, thiếu tính khả thi nên không đi vào cuộc sống. Nếu không luật hóa, không thể thực hiện được”.

Về tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, ông Dũng lý giải: Quy định không cứng nhắc, mà khuyến khích các ngân hàng thương mại xây dựng các gói hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất, thời hạn vay ưu đãi, thủ tục dễ tiếp cận.

Theo dự thảo luật, các doanh nghiệp được hỗ trợ từ vốn vay, giảm thuế doanh nghiệp, thuế sử dụng đất, vốn tiếp cận công nghệ, chi phí dịch vụ, đào tạo, tư vấn, truyền thông, kết nối khởi nghiệp, kết nối mạng, hỗ trợ mua sắm công và phát triển nguồn lực…

Theo: Hải Hòa, http://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video