Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN Việt Nam dự hội thảo “Nhóm nữ nghị sĩ và vấn đề bình đẳng giới”

07/10/2008
Trong 2 ngày 30/9 và 1/10 năm 2008, Uỷ Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã phối hợp với Nhóm nữ nghị sĩ Việt Nam tổ chức hội thảo về “Nhóm nữ nghị sĩ và vấn đề bình đẳng giới” tại Thành phố Đà Nẵng. Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam đã tham dự hội thảo.

Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực cho các cơ quan đại diện ở Việt Nam” do Tổ chức phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tài trợ với sự tham gia của các nữ đại biểu Quốc hội, các thành viên Nhóm nữ nghị sĩ của Việt Nam, đại diện Uỷ ban TW Mặt trận Tổ quốc, Trung ương Hội LHPN Việt Nam; đại diện Nhóm nữ nghị sĩ Quốc hội Lào, Campuchia, Australia...

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Trương Thị Mai, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nữ nghị sĩ Việt Nam nhấn mạnh: Hiện nay, tỷ lệ nữ đại biểu trong Quốc hội Việt Nam dù tương đối cao, chiếm 25,8% số đại biểu, nhưng để những hoạt động thực sự có hiệu quả, các nữ đại biểu cần được trang bị những kỹ năng cần thiết. Vì vậy, các nữ đại biểu đều mong muốn có một diễn đàn để có tiếng nói chung trong các vấn đề có liên quan đến các hoạt động của Quốc hội, để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau về kiến thức, kỹ năng trong hoạt động đại biểu và hỗ trợ để đại biểu hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn, tự tin hơn.

Hội thảo đã dành nhiều thời gian để các đại biểu toạ đàm, trao đổi về các chủ đề như Nhóm nữ nghị sĩ, sự thành lập, cơ cấu và tổ chức; hoạt động của các Nhóm nghị sĩ, các thành tựu ban đầu; Nhóm nữ nghị sĩ và vấn đề lồng ghép giới trong hoạt động lập pháp, hướng đến một cơ chế hiệu quả giữa các nhóm nữ nghị sĩ trong khu vực; Tiến tới việc tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhóm nữ nghị sĩ trong khu vực...

Bà Thongphanh Chanthalanone, Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc, Chủ tịch nhóm nữ nghị sĩ Lào cho biết, được thành lập năm 2007, Nhóm nữ nghị sĩ Quốc hội Lào là tổ chức nằm trong Quốc hội để huy động sự đoàn kết và xây dựng năng lực cho những nữ nghị sĩ. Hoạt động của 29 thành viên trong Nhóm đã hỗ trợ tích cực cho Quốc hội trong việc nghiên cứu và thực thi chiến lược tăng cường năng lực cho phụ nữ, hỗ trợ hoạt động lồng ghép giới, theo dõi việc thực thi Hiến pháp, pháp luật và những quy định để bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Nhóm đã tích cực nghiên cứu, tham vấn, góp phần đảm bảo những quyền lợi hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em trong các luật như Luật gia đình, Luật di sản, Luật về tố tụng… Một trong những tác động lớn nhất của Nhóm là tham mưu cho Quốc hội quyết định trong quá trình sửa đổi Luật Lao động về việc cho phép phụ nữ được quyền lựa chọn về hưu ở tuổi 55 hay 60.

Bà Tioulong Saumura, đại biểu Quốc hội Phnompenh Campuchia chia sẻ: Nhóm nữ nghị sĩ Campuchia được thành lập vào tháng 5/2006 trước tiên là tại Quốc hội, sau đó là tại Thượng viện. 02 nhóm đều bao gồm các nữ nghị sĩ đến từ 3 đảng chính trị đại diện tại Quốc hội và do 01 nữ Chủ nhiệm Uỷ ban lãnh đạo. Tuy cả 2 nhóm đều không có ngân sách hoạt động riêng nhưng các nhóm đã tích cực khai thác các nguồn lực để tổ chức các hoạt động. Các hoạt động của Nhóm như học tập, tham quan nước ngoài; các chương trình đào tạo; các cuộc gặp tại cơ sở; các cơ hội hợp tác với các nhóm nữ nghị sĩ nước khác đều do tổ chức hỗ trợ phát triển quốc tế Canađa (CIDA) tài trợ. Thông qua các hoạt động đó, kỹ năng và sự tự tin của các thành viên trong nhóm đã được nâng lên rất nhiều.

Được thành lập vào tháng 5 năm 2008, Nhóm nữ nghị sĩ Việt Nam đã thu hút sự tham gia của trên 100 nữ đại biểu Quốc hội. Đây là diễn đàn để nữ đại biểu giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, kiến thức, kỹ năng để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đại biểu, tham gia nhiều hơn, có hiệu quả hơn trong hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều thành viên trong nhóm đã tham gia cùng Thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội giám sát việc triển khai thi hành Luật bình đẳng giới và giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, tham gia các hội nghị, hội thảo, toạ đàm về bình đẳng giới, lồng ghép giới trong quy trình lập pháp... Nhóm đã xây dựng chương trình hành động 6 tháng cuối năm 2008 và định hướng hoạt động của nhóm đến hết nhiệm kỳ, tăng cường tham gia các diễn đàn đa phương và song phương về những vấn đề nóng bỏng mang tính toàn cầu hiện nay như phòng, chống tệ nạn buôn bán người, bạo lực đối với phụ nữ; trao đổi kinh nghiệm hoạt động của nữ nghị sĩ, đưa vấn đề bình đẳng giới (lồng ghép giới) vào chính sách, pháp luật.

Bà Lynnette Allison Nguyên thượng nghị sĩ bang Victoria ( Australia) đã bày tỏ sự khâm phục trước những thành tựu và những đóng góp tích cực của các Nhóm nữ nghị sĩ trong khu vực, nhất là đối với Việt Nam. Ở Australia, phụ nữ không được hưởng lương khi nghỉ chế độ thai sản để chăm sóc con cái. Khi sinh con, phụ nữ được thưởng, được hưởng trợ cấp và được giảm nhiều loại thuế khác nhau của gia đình. Tuy chưa có Nhóm nữ nghị sĩ nhưng việc lồng ghép giới trong hoạt động lập pháp đã được áp dụng rộng rãi; hệ thống y tế, giáo dục, chính sách an sinh cho người già, người khuyết tật, người thất nghiệp rất được quan tâm và thực hiện tốt. Hiện nay, Australia đã ban hành Luật cấm phân biệt chống lại phụ nữ...

Cùng với ý kiến tham luận, thảo luận của các đại biểu quốc tế, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh đã khẳng định, làm rõ thêm vai trò của nữ đại biểu, của Nhóm nghị sĩ Việt Nam trong Quốc hội; bày tỏ mong muốn mối quan hệ, sự hợp tác giữa Trung ương Hội LHPN Việt Nam với Nhóm nữ nghị sĩ ngày càng sâu sắc và toàn diện hơn; đồng chí cũng mong rằng trong thời gian tới Nhóm nữ nghị sĩ việt Nam sẽ có nhiều diễn đàn để các nữ đại biểu có tiếng nói chung trong các vấn đề giới và bình đẳng giới, phấn đấu vì mục tiêu “bình đẳng, hoà bình và phát triển” cho phụ nữ trong thế kỷ XXI.

Hội thảo “Nhóm nữ nghị sĩ và vấn đề bình đẳng giới” đã kết thúc với nhiều thông tin bổ ích và thiết thực, giúp các đại biểu, nhất là các nữ đại biểu có thêm kỹ năng để tham gia tích cực hơn vào công việc của Quốc hội nói chung cũng như các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới nói riêng. Cùng với việc gia nhập ASEAN, WTO và APEC… Việt Nam đã trở thành một thành viên của cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh của hội nhập, hoạt động này của Nhóm nữ nghị sĩ Việt Nam sẽ góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị với các quốc gia trong khu vực, đóng góp có hiệu quả vào sự phát triển chung của đất nước, tạo tiền đề cho việc hội nhập sâu, rộng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nguyễn Thị Tuyết Mai - Văn phòng TW Hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video