Đưa quản trị viên về thực tế tại địa phương - Một chương trình để thấu hiểu cộng đồng của Unilever

10/12/2012
Từ ngày 15/11 đến 15/12, 20 gia đình hội viên phụ nữ đón các nhà lãnh đạo tương lai của Công ty Unilever Việt Nam về thực tế, sống và làm việc. Đây là một hoạt động đầy ý nghĩa của Hội LHPN Việt Nam và Quỹ Unilever Việt Nam nhằm thấu hiểu cộng đồng, từ đó có những đóng góp cho cuộc sống người Việt ngày càng tốt đẹp hơn.

Thực hiện chương trình, mỗi gia đình hội viên tỉnh Quảng Ninh và Hà Nam sẽ đón một nhà lãnh đạo tương lai – là các quản trị viên tập sự về sống và sinh hoạt cùng gia đình, cùng sinh hoạt với chi hội phụ nữ địa phương. Trong thời gian 1 tháng thực tế sống tại nhà hội viên phụ nữ, các em sẽ tìm hiểu thói quen và cách sống của người dân địa phương; tham gia hỗ trợ Hội LHPN các tỉnh và tổ chức các sự kiện của tháng như hội thảo dinh dưỡng, hội thi nấu ăn, xây và trao nhà tình nghĩa; tham gia các buổi sinh hoạt hàng tháng tại các chi hội & hỗ trợ triển khai truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm.

 Ảnh minh họa

Quản trị viên Ngô Tú Linh tham gia phong trào đào mương do xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam phát động

“Khi sống tại gia đình hội viên, em được coi như một thành viên của gia đình và hòa nhập với lối sống của người dân nơi đây: em được làm vườn, cày ruộng, chăn bò, học cách làm ăn, làm quen với phong cách sinh hoạt của người dân tại địa phương…”, em Trần Minh Huyền, đội trưởng đội quản trị viên về tỉnh Hà Nam chia sẻ. Huyền cho biết thêm: “thông qua những hoạt động này, chúng em có thể tận mắt chứng kiến sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị, cả về đời sống cũng như tình cảm, tâm tư của bà con, để từ đó thấu hiểu và có những chương trình hoạt động phù hợp, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Bên cạnh đó, nhóm chúng em còn cùng các hội viên và Hội LHPN tỉnh Hà Nam tổ chức Hội thi cơm nhà ngon hơn với Knorr, tới thăm, giao lưu và tặng quà cho các em nhỏ tại trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi”. Là một thành viên trong đội của Huyền, Vũ Lê Bảo Anh cũng rất vui mừng và hòa nhập rất nhanh với cuộc sống gia đình chị Đinh Thị Ngân xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Hàng ngày, em phụ giúp việc đi chợ, nấu cơm, làm vườn với gia đình chị Ngân, buổi tối thì trò chuyện và giúp Lan Anh - con gái chị Ngân học bài. Bảo Anh cũng khoe là từ ngày thứ 2 đến nhà, em đã xuống bếp nấu những món miền Nam mời gia đình thưởng thức. Sắp tới, em được chị Ngân cho tham gia sinh hoạt cùng với hội viên chi hội phụ nữ thôn. Em sẽ lên kế hoạch chương trình, cùng hội viên phụ nữ thảo luận trò chuyện về dinh dưỡng và bữa cơm gia đình.

 Ảnh minh họa

Các quản trị viên vui chơi cùng các em nhỏ tại Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi huyện Kim Bảng

Gia đình chị Mai Thị Hạnh ở xóm 14, thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam có 3 thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà. Chồng chị làm nghề kiểm lâm của tỉnh Hà Nam, chị ở nhà trồng trọt, chăn nuôi, ông bà đã già yếu, tuy kinh tế gia đình không khá giả gì nhưng mọi người sống rất tình cảm và yêu thương lẫn nhau. Đón quản trị viên Lê Đặng Phương Thảo về ở cùng, các thành viên trong gia đình đều rất quan tâm và tạo mọi điều kiện để em được tham gia các hoạt động ở hội làng, lễ cưới hỏi ở địa phương để được quen biết thêm các bậc ông bà, cô chú trong làng và học hỏi thêm các phong tục tập quán tại địa phương. Chị Hạnh tâm sự: “mọi người xem Thảo như con cái trong nhà, trò chuyện, chỉ bảo và giới thiệu các nét đặc sắc văn hóa của người miền Bắc, cũng như quan tâm, lo lắng cho sức khỏe của Thảo, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho Thảo hòa nhập với cuộc sống mới và hoàn thành công việc được giao”. Gia đình chị cũng học hỏi được nhiều những kinh nghiệm về nấu ăn, dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm từ Thảo. Là Chi trưởng Hội phụ nữ thôn Đanh Xá, chị Hạnh cũng sẽ cố gắng để Thảo được tham gia sinh hoạt cùng hội viên phụ nữ và trao đổi và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em phụ nữ. Chị rất sẵn sàng và mong muốn được tham gia chương trình đón quản trị viên về nông thôn trong những năm sau. Còn Thảo, từ một cô gái trẻ vừa ra trường, được chiều chuộng, sau thời gian ngắn bỡ ngỡ, bây giờ, em đã thành thạo các công việc gia đình như như nấu cơm, rửa bát, dọn dẹp và trông nom nhà cửa… Ngoài ra, tại các cuộc họp xã, họp thôn, Thảo cũng có dịp hiểu thêm về mô hình quản lý các hoạt động tại nông thôn cũng như văn hóa nơi đây.

 Ảnh minh họa

Các quản trị viên chụp ảnh lưu niệm cùng các gia đình hội viên tỉnh Hà Nam

Được biết, Chương trình đưa quản trị viên tập sự về thực tế tại địa phương là một hoạt động thuộc dự án “Vì 1 triệu bà mẹ xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc” mà Unilever phối hợp với Hội LHPN VIệt Nam thực hiện. Dự án nhằm cung cấpcho 1 triệu bà mẹ kiến thức để chăm sóc trẻ em dưới 16 tuổi một cách toàn diện cả về mặt thể chất và tinh thần, hỗ trợ Hội LHPN đa dạng hóa các hoạt động thông qua việc tổ chức các khóa huấn luyện nâng cao kỹ năng, hội thi và đóng góp vào các hoạt động tình nghĩa, đồng thời có thêm kinh phí cho các hoạt động. Cùng với Chương trình này, trong năm 2012, Dự án còn triển khai các chương trình sinh hoạt, hội thảo dinh dưỡng, hội thi nấu ăn, trao và xây nhà tình thương cho hội viên nghèo nhưng vượt khó, tham gia tích cực hoạt động của Hội.

Phạm Hồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video