“Đòn bẩy” giúp hội viên phụ nữ Sóc Trăng thoát nghèo

11/01/2020
Hỗ trợ vốn vay, xây dựng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, tăng cường chính sách xã hội, đào tạo nghề… là những giải pháp hữu hiệu hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của các cấp Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng
Nhờ vốn vay từ NHCSXH, chị Huỳnh Thị Truyền có điều kiện phát triển mô hình nuôi cá lóc trong vèo hiệu quả.

Hỗ trợ vốn vay, xây dựng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả

Phụ nữ Phường 3 có nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của hội viên phụ nữ nhờ được vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH). Theo đó, khi được tiếp cận nguồn vốn vay, nhiều chị em phụ nữ đã mạnh dạn, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu.

Thực tế hoạt động cho thấy, từ nguồn vốn vay, nhiều hội viên phụ nữ có điều kiện phát triển mô hình đa cây, đa con như: trồng năn kết hợp nuôi cá đồng, cây ăn trái, vịt đẻ, nuôi lươn, gà thả vườn và mua bán.

Đến thăm mô hình nuôi cá lóc trong vèo của chị Huỳnh Thị Truyền ở khóm Vĩnh Mỹ, chúng tôi mới cảm nhận hết niềm vui của gia đình chị khi được hội tạo điều kiện để vay vốn từ NHCSXH. Hoàn cảnh gia đình chị Truyền khó khăn vì chồng chị hay bị bệnh nên sức lao động giảm sút, vì vậy chị là lao động chính trong gia đình. Trước đây do không có vốn nên chị Truyền phải đi làm thuê cho quán ăn với nguồn thu nhập bấp bênh, không đủ trang trải cuộc sống. Hơn nữa các con ngày càng lớn, đang trong độ tuổi ăn học vì thế gánh nặng cơm, áo cứ đè nặng lên vai chị.

Đang trong lúc khó khăn, thông qua Hội LHPN Phường 3, chị Truyền đã được tiếp cận nguồn vốn vay 30 triệu đồng của NHCSXH từ chương trình cho vay hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Với ý chí vươn lên, khi có vốn chị đã đầu tư phát triển, mở rộng mô hình nuôi cá lóc trong vèo và lươn không bùn. Nhờ ham học hỏi, chịu khó làm ăn, đến nay mô hình của gia đình chị cũng được đánh giá tương đối hiệu quả, với mức thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm. Nhờ vậy, kinh tế gia đình chị ngày càng được cải thiện, ổn định hơn trước. Chị Truyền tâm sự: “Nguồn vốn vay từ NHCSXH không chỉ giúp gia đình tôi giải quyết được khó khăn trong cuộc sống mà còn là động lực để tôi nỗ lực, cố gắng vươn lên phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống”.

Chủ tịch Hội LHPN phường 3 Trương Thị Liễu cho biết: “Trước đây, có rất nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn còn gặp khó khăn trong cuộc sống. Nhiều hội viên không có công ăn việc làm ổn định, sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và buôn bán nhỏ lẻ. Từ thực tế đó, thông qua các buổi sinh hoạt tổ, hội đã lồng ghép tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách tín dụng ưu đãi; đồng thời hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho các chị làm ăn. Qua đó, nhiều chị phụ nữ khó khăn rất phấn khởi vì được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống”. Hội LHPN Phường 3 hiện đang quản lý 10 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 428 thành viên vay vốn (trong đó có 257 hội viên phụ nữ được vay vốn), với tổng nguồn vốn trên 11,4 tỉ đồng.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt nội dung ủy thác công việc với NHCSXH, vì đây là điều kiện để hội tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động của hội thực chất và hiệu quả hơn, thu hút được nhiều hội viên tham gia sinh hoạt hội hơn. Qua đó, hội có điều kiện để thực hiện tốt hơn việc lồng ghép các chương trình công tác hội, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Những chị em nào chí thú làm ăn, có điều kiện sản xuất thì chúng tôi tiếp tục tạo điều kiện cho vay vốn từ NHCSXH để chị em có vốn phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Nhờ nguồn vốn vay, năm vừa rồi đã có 26 hội viên phụ nữ thoát nghèo, đến nay hội chỉ còn 44 hội viên nghèo, đời sống chị em hội viên được cải thiện rất nhiều so với trước đây” - đồng chí Trương Thị Liễu phấn khởi cho biết thêm.

Có thể nói, nhờ nguồn vốn từ NHCSXH hỗ trợ kịp thời mà nhiều chị em phụ nữ khó khăn có điều kiện phát triển sản xuất, chịu khó làm ăn, phát huy có hiệu quả nguồn vốn, cải thiện cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.

Tăng cường các chính sách xã hội cho phụ nữ

Bà Nguyễn Thị Mỹ Loan - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, nhìn chung, các chính sách của Nhà nước ban hành đều được các ngành, đoàn thể tổ chức triển khai kịp thời để giúp cho người dân biết và thụ hưởng. Từ đó, góp phần cho người dân nói chung, trong đó có HVPN, tiếp tục tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước và an tâm, tích cực học tập, lao động sản xuất, kinh doanh.

Tăng cường giới thiệu việc làm, nâng cao mức sống cho phụ nữ.

Các chính sách xã hội được các cấp hội thực hiện ở tất cả các lĩnh vực: giảm nghèo, y tế, giáo dục, môi trường, đền ơn đáp nghĩa… Đối với lĩnh vực việc làm và giảm nghèo, các cấp hội đã tiến hành rà soát hộ HVPN nghèo, hộ nghèo do nữ làm chủ hộ, từ đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 10.600 hộ hội viên nghèo; gần 12.000 hộ nghèo do nữ làm chủ, trong đó có gần 4.000 hộ hội viên nghèo là chủ hộ. Có trên 2.600 hộ hội viên đăng ký thoát nghèo.

Thông qua Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015”;  Đề án 938, 939; ngân hàng chính sách xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia... hội LHPN đã tổ chức nhiều hoạt động để hỗ trợ cho phụ nữ nghèo phát triển kinh tế gia đình. Cụ thể, huy động các nguồn vốn vay luân chuyển, vốn ngân hàng chính sách xã hội số tiền hàng trăm tỉ đồng giúp cho hàng trăm ngàn lượt cán bộ, HVPN vay vốn, phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập. Qua đó, ra mắt, duy trì hoạt động nhiều câu lạc bộ, tổ, nhóm phát triển kinh tế trong phụ nữ.

Phối hợp với trung tâm dạy nghề mở trên 910 lớp dạy nghề may công nghiệp, chăn nuôi, trồng màu, có hơn 19.600 học viên là con em phụ nữ nghèo tham gia. Giới thiệu việc làm, học nghề cho hơn 50.000 chị em, giới thiệu 475 chị em xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Malaysia, Úc..., có gần 18.700 chị có việc làm ổn định trong và ngoài nước. Bình quân hàng năm, mỗi cơ sở hỗ trợ 1 HVPN vươn lên thoát nghèo bằng các mô hình kinh tế cụ thể và có 90% hộ nghèo do nữ làm chủ được vay vốn hoặc giúp đỡ bằng nhiều hình thức, trong đó 100% hộ hội viên nghèo làm chủ được giúp.

Cũng trong thời gian qua, một trong những lĩnh vực mà các cấp hội LHPN quan tâm thực hiện đáng kể là môi trường, nước sạch. Qua đó, các cấp hội đã phát huy lực lượng cán bộ, HVPN để thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng. Vận động phụ nữ “Hạn chế sử dụng túi nilông”, “Phân loại rác thải tại nguồn”... Hàng năm, Tỉnh hội xây dựng kế hoạch và tổ chức các cuộc truyền thông với chủ đề “Vì sức khỏe của gia đình và cộng đồng”, nhằm trợ giúp chị em phụ nữ và hộ dân nhận thức được sự cần thiết của việc xây dựng hố xí hợp vệ sinh và thay đổi thói quen trong việc xử lý rác thải.

Đồng thời, còn kết nối với các tổ chức, đơn vị trong và ngoài tỉnh triển khai các hoạt động tập huấn, nói chuyện chuyên đề, truyền thông... với các nội dung: Quản lý tài nguyên nước; phụ nữ bảo vệ môi trường; quản trị tài nguyên nước; an toàn thực phẩm; xây dựng gia đình 5 không 3 sạch; tổ hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ và nhóm đồng đẳng; chia sẻ kinh nghiệm và kết hợp truyền thông diện rộng cộng đồng với chuyên đề “Vì sức khỏe của gia đình và cộng đồng hãy bảo vệ nguồn nước”... Đồng thời, còn vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu như: Tổ Phụ nữ trồng dưa hấu, trồng môn, trồng màu quanh bờ bao chân ruộng, nuôi vịt xiêm, nuôi dê, đan giỏ, may thảm... Tỉnh hội ra mắt trên 100 tổ, câu lạc bộ phụ nữ thu gom rác thải gây quỹ; biến rác thành tiền; nhà tôi xanh, sạch đẹp; tự quản rác vô cơ; nói không với núi nilông; vớt rác trên sông... với hơn 1.200 thành viên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ trong HVPN cũng còn không ít khó khăn, hạn chế. Cụ thể, công tác giảm nghèo cho người dân vẫn còn nhiều nan giải - vấn đề tạo việc làm và giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao; vệ sinh, an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ…

Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa các vấn đề này, Hội LHPN tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, HVPN tích cực thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI). Ðẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, trong đó chú trọng hỗ trợ giảm nghèo đối với HVPN dân tộc thiểu số, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Duy trì và nhân rộng tổ phụ nữ tiết kiệm mua bảo hiểm y tế; vận động cán bộ, HVPN mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện. Thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy cán bộ, HVPN tiếp cận bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản như: bảo đảm giáo dục tối thiểu, bảo đảm y tế tối thiểu, bảo đảm nhà ở tối thiểu, bảo đảm nước sạch, bảo đảm thông tin.

Hy vọng rằng, với những nỗ lực thực hiện cùng nhiều giải pháp cụ thể, các cấp hội LHPN sẽ góp phần đảm bảo mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương 5 đã đề ra: Từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video