“Bác Hồ còn sống mãi”

23/05/2006
Đó là tựa đề bài viết của tác giả Suprida Phanomiong về Bác Hồ ở Thái-lan.

Ông là con trai của cố Thủ tướng Pridi Phanomiong, người có quan hệ thân tình với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người có công giúp đỡ cách mạng Việt Nam trong thời kỳ chống Pháp cũng như góp phần rất lớn trong việc phát triển quan hệ giữa hai dân tộc Việt - Thái.

 

Trong giai đoạn ông hoàn thiện cuốn sách về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ ở Thái-lan, ông thường đến phân xã TTXVN tại Băng-cốc để trao đổi và xác định một số thông tin mà ông cần chỉnh sửa lại cho cuốn sách. Ông đã tâm sự những ý tưởng, tình cảm và dự định của mình về cuốn sách mà ông tâm đắc nhất và ông muốn dịch ra tiếng Anh và tiếng Việt cho đông đảo người đọc biết về Bác Hồ trong thời gian ở Thái-lan mà theo ông, người "Tây" đã viết không đúng về Bác.

 

Ông cũng tâm sự về những khó khăn khi viết về cuốn sách này, nhiều khi chỉ là những chi tiết nhỏ do khác biệt về ngôn ngữ và thói quen vùng miền đem lại: Những điều tưởng như là nhỏ nhặt ấy lại trở thành những kỷ niệm không thể nào quên của ông. Ông kể, một lần ông đến tòa soạn đưa đăng báo chương đầu. Ông đặt tựa đề cho bài viết là "Bác Hồ với người dân Thái-lan". Suy nghĩ một lát, người phụ trách tòa soạn nói rằng nên có một tên khác cho bài báo ấn tượng hơn và đúng với nội dung hơn. Tự nhiên lúc đó, ông có một ấn tượng mạnh mẽ về Bác, một vị lãnh tụ thiên tài của nhân dân Việt Nam, người bạn lớn của nhân dân Thái-lan. Một suy nghĩ trong một tâm trạng xúc động đã đưa ông đến quyết định đặt tên cho bài báo là "Bác Hồ còn sống mãi". Qua lời kể, tôi thấy ông gần gũi xiết bao, suy nghĩ của ông giống như suy nghĩ của hàng triệu người dân Việt Nam rằng Bác Hồ vẫn còn sống mãi. Một lần khác, ông đăng chương viết về thời kỳ Bác Hồ đi tìm đường cứu nước với cái tên anh Ba. Một người bạn có kiến thức về miền Nam Việt Nam, sau khi đọc bài báo đã gọi điện cho ông nói rằng nên xem lại tên của Bác vì ở Nam bộ, "anh Ba" có thể là người con thứ 2 trong gia đình chứ không phải là tên của Bác. Điều này làm ông băn khoăn và phải xem xét lại cẩn thận. Ông kể rằng ngay cái việc đọc tên Bác cũng là một vấn đề phải cẩn trọng bởi ông muốn người dân Thái-lan khi đọc tác phẩm của ông, họ phải hiểu được đó là Hồ Chủ tịch. Trong tiếng Thái không có phụ âm H ở cuối nên khi đọc tên người Việt sẽ không chính xác. Thí dụ tên Bác khi còn nhỏ là Nguyễn Tất Thành thì tiếng Thái đọc là Nguyễn Tất Thèng, Hồ Chí Minh thì đọc là Hồ Chí Ming... Chỉ một việc như vậy thôi cũng làm ông trăn trở bởi ông muốn một sự trọn vẹn đối với một con người mà ông kính trọng và tôn thờ.

 

Trong lúc tâm sự, ông nói: "Cha tôi, cố Thủ tướng Pridi Phanomjong đã có mối quan hệ rất tốt với Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, Việt Nam đã yêu cầu Thái-lan giúp đỡ vũ khí để tiến hành cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và cha tôi đã nhiệt tình giúp đỡ. Ông đã cung cấp cho Việt Nam các loại vũ khí mà Thái-lan nhận được từ quân đồng minh. Cảm động trước tình cảm chân thành và sự giúp đỡ quý báu của nhân dân Thái-lan, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư sang cảm ơn và xin phép cha tôi sử dụng các loại vũ khí đó trang bị cho hai tiểu đoàn được đặt tên là Tiểu đoàn Xạ Nhảm.

 

Đọc cuốn sách của ông viết về thời kỳ Bác Hồ ở Thái-lan, người đọc sẽ hiểu hơn về cuộc đời , sự nghiệp và tình cảm của Bác đối với người dân Thái-lan đồng thời thấy được Bác Hồ là người đã đặt nền móng cho quan hệ Việt - Thái, là người bắc nhịp cầu hữu nghị giữa hai dân tộc.

Theo báo Nhân dân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video