“Chị tôi” – Chương trình thân thương vì phụ nữ nghèo

13/01/2014
Hội LHPN Việt Nam phối hợp với nhãn hàng ENAT - Công ty Mega Wecare vừa tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình “Chị tôi”. Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương, đại diện Công ty cùng lãnh đạo 16 tỉnh thành triển khai Chương trình.

Với tên gọi thân thương - “Chị tôi” - là chương trình do Hội LHPN Việt Nam tổ chức với sự tài trợ của Nhãn hàng ENAT – Công ty Mega Wecare nhằm đem đến cơ hội cải thiện cuộc sống cho các phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn thông qua các lớp đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. Chương trình gồm 2 hoạt động chính là Đào tạo thực tế và Tư vấn o­nline nhằm hỗ trợ phụ nữ khó khăn được học nghề, tạo việc làm ổn định sau học nghề, giúp chị em phụ nữ tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo; góp phần nâng cao đời sống và địa vị của phụ nữ trong gia đình, hướng đến thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, thực hiện an sinh xã hội.

Hội nghị tổng kết nhằm đánh giá hiệu quả chương trình trong năm 2013, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phát hiện hạn chế, tìm ra nguyên nhân trong quá trình thực hiện, thảo luận để đưa ra đề xuất kiến nghị. Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo kết quả hoạt động năm 2013. Theo đó, năm 2012, chương trình đã được thực hiện thí điểm tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ với 200 hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được học các nghề kết cườm, chăm sóc gia đình, cắt tóc… Tiếp nối thành công của năm 2012, thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam cùng với nhãn hàng ENAT đã tiếp tục hỗ trợ, mở rộng chương trình tới 26 tỉnh, thành trong cả nước tổ chức các khóa đào tạo nghề ngắn hạn từ 2 đến 3 tháng cho nhiều chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Tại đây, chị em được tham gia các lớp học ngắn hạn miễn phí như nấu ăn, đan lát, thêu, may, làm tóc… góp phần biến ước mơ ổn định nghề nghiệp của họ trở thành hiện thực. Đến nay đã có 16/26 tỉnh hoàn thành chương trình với 18 lớp dạy nghề cho 548 hội viên, phụ nữ; hầu hết các học viên sau mỗi khóa học đều được giới thiệu việc làm, có thu nhập ổn định. Bên cạnh việc chăm lo cuộc sống cho chị em, chương trình “Chị tôi” còn mở thêm kênh thông tin tư vấn kỹ năng chăm sóc gia đình và những vấn đề khác liên quan đến sức khoẻ, làm đẹp cho phụ nữ tại địa chỉ www.vedeptunhien.com.vn và trang mạng xã hội www.facebook.com/Enat.Chitoi.

Tại hội nghị, đại diện Hội LHPN các tỉnh/thành triển khai chương trình cũng chia sẻ những kết quả dạy nghề, tạo việc làm thực hiện chương trình trong một năm qua; đồng thời thảo luận những thuận lợi, thách thức và bày tỏ mong muốn được tiếp tục hỗ trợ thực hiện duy trì và mở rộng chương trình. Phụ nữ các tỉnh thành trong cả nước đều khẳng định: Chương trình “Chị tôi” đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội to lớn; các lớp đào tạo nghề đã hỗ trợ, giúp đỡ cho nhiều phụ nữ nghèo có cơ hội được làm việc, có thu nhập ổn định, tự tin vươn lên, vui vẻ, cởi mở, chủ động tham gia vào hoạt động Hội và các hoạt động chung của cộng đồng.

Phát biểu tổng kết chương trình, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương đánh giá rất cao sự phối kết hợp giữa hai bên, đánh giá cao chương trình trách nhiệm xã hội, cộng đồng của công ty. Phó Chủ tịch Hội cho biết: “Chúng tôi thấy rằng đối tượng hướng tới mà công ty lựa chọn là phụ nữ nghèo, cận nghèo – những đối tượng dễ bị tổn thương để giúp họ có việc làm, tăng thu nhập, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, làm cho họ tự tin hơn, nâng cao vị thế của họ trong gia đình và trong xã hội. Vì thế, Hội LHPN Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút họ trở thành hội viên – không chỉ là hội viên bình thường mà là hội viên có kiến thức, văn hóa cao. Tác động của chương trình tác động làm cho tổ chức Hội chúng tôi thêm vững mạnh bởi tăng thêm hội viên, đồng thời góp phần ổn định xã hội, giữ gìn nghề truyền thống (chương trình đã tổ chức dạy nhiều nghề truyền thống như đan lát, chằm nón, thêu ren… nhiều nghề nếu không được phụ nữ duy trì thì có nguy cơ mai một rất cao). Chương trình đã giúp phụ nữ có thêm kinh nghiệm, kỹ năng sống và trách nhiệm đối với xã hội. Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác này. Chúng tôi thấy rằng, sự hợp tác của chúng ta có rất nhiều sự tương đồng với các hoạt động trọng tâm của Hội và mong ước của phụ nữ: xóa đói giảm nghèo và thực hiện các mục tiêu quốc gia. Với nguồn kinh phí không nhiều, địa bàn rộng, rải rác cả 3 miền đất nước, thời gian đầu tư ngắn, tuy nhiên, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp mà nếu không có sự nỗ lực, quyết tâm lớn thì chúng ta sẽ không đạt được”. Phó Chủ tịch cũng đánh giá cao một số tỉnh/ thành đã có nhiều sáng tạo lồng ghép các hoạt động và cuốn hút hội viên tham gia và được sự ủng hộ đồng tình của các cấp chính quyền; đánh giá cao sự quyết tâm của TW Hội LHPN, của Ban tổ chức – đơn vị đầu mối thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch gửi lời cảm ơn nhà tài trợ - nhãn hàng ENAT đã đồng hành cùng Hội LHPN Việt Nam thực hiện chương trình đầu tư mang lại hiệu quả.

Mong rằng, với phạm vi mở rộng và nhiều hoạt động thiết thực hơn dành cho phụ nữ khó khăn, chương trình sẽ có sức lan toả sâu rộng; tất cả mọi người có thể chung tay đóng góp, làm cho chương trình “Chị Tôi” ngày một lớn mạnh hơn, góp phần cùng chương trình hoàn thành tốt vai trò kết nối những tấm lòng lại với nhau, từng bước giúp “chị”, giúp“em” có nghề nghiệp vững vàng, tương lai tươi sáng.

Phạm Hồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video