“Lối sống” trên đời....

07/12/2011
Tôi gặp TTH ở Mái ấm tình thân, địa chỉ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em có HIV/AIDS (H), bị ảnh hưởng bởi H thuộc Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ phòng chống AIDS và chăm sóc SKSS (WARC), Hội LHPN Việt Nam. H cùng con gái, cháu ĐMT, 4 tuổi lên Hà Nội để lấy thuốc điều trị định kỳ và nhận món quà hỗ trợ đầy ý nghĩa nhân văn của Quỹ Unilever Việt Nam gửi tặng thông qua Mái ấm.

Người mẹ ấy tuổi đời còn rất trẻ. Năm nay H chỉ mới 25 tuổi nhưng nhìn cô, có lẽ ai cũng đoán phải ngoài 40. Gương mặt sạm đen, khắc khổ đầy u uẩn. H kể, mẹ con cô phải bắt ô tô khách từ 5 giờ sáng để kịp đến Mái ấm nhận quà và ra bệnh viện Nhi lấy thuốc rồi lại trở về nhà...

Sinh ra ở một làng quê nghèo của tỉnh Hà Tây cũ, TTH chỉ học hết lớp 6 rồi ở nhà đỡ bố mẹ làm ruộng. Cuộc sống khó khăn, vất vả, H xin phép bố mẹ vào Nam bán đĩa hát dạo kiếm tiền gửi về cho gia đình. 21 tuổi lấy chồng, chồng H là người cùng làng, hơn cô 5 tuổi. Cưới nhau xong, hai vợ chồng lại vào Nam làm ăn. Chồng H hiền lành, chịu thương, chịu khó. 1 năm sau họ sinh được bé gái đầu lòng xinh xắn, cả nhà trở về quê sinh sống.

Cuộc sống gia đình đang đầm ấm, hạnh phúc thì cuối năm chồng H lăn ra ốm. Chẳng phải là bệnh gì to tát, chỉ là sốt nhưng sao uống thuốc hoài không khỏi. Hai vợ chồng gửi con cho ông bà rồi dắt díu đưa nhau ra bệnh viện tỉnh điều trị. Nằm viện hơn 1 tháng trời vẫn không phát hiện ra chồng bị bệnh gì. Tiền hết, chồng H đòi về nhà nhưng H không chịu. Cô gặp bác sỹ xin tư vấn và được giới thiệu đưa chồng ra bệnh viện Bạch Mai khám ...

Trời đất như sụp đổ khi H được bác sỹ gọi vào phòng đưa kết quả xét nghiệm của chồng: dương tính với HIV. Tuy chẳng hiểu nhiều nhưng H cũng biết, HIV là căn bệnh kinh hoàng không phương cứu chữa. Đau đớn hơn khi cô cũng láng máng hiểu rằng, chồng cô có thể cũng đã truyền bệnh cho hai mẹ con cô!

Số phận nghiệt ngã đã chẳng mỉm cười với H. Trước khi kết hôn, chồng H có một thời gian theo bạn đi đào vàng trên rừng. Bị ngã nước, sốt rét nơi rừng thiêng nước độc. Chẳng có bác sỹ, chẳng có thuốc men, mấy anh thợ chỉ biết tự tiêm cho nhau thứ thuốc chống sốt rét mà dân đi đào vàng vẫn thường mang theo. Kim tiêm cũng chỉ có 1 cái, người nào ốm, sốt đều dùng chung cả. Và chẳng biết từ ai, chồng cô đã bị lây nhiễm virus HIV để rồi anh lại truyền cho vợ con mình những “quả cầu gai” chết chóc này...

Hơn 1 năm sau chồng cô vĩnh viễn ra đi, để lại mẹ con cô đối mặt với chồng chất khổ đau, khốn khó. Cuộc sống yên bình nơi làng quê chẳng thể dung chứa cho những kẻ mang trong mình “thứ quái vật” như mẹ con cô. Bà con, chòm xóm vốn ngày nào thân thương là thế nay bỗng trở thành ghẻ lạnh, xua đuổi. H nghẹn ngào nói trong nước mắt: ngày trước em đi bán rau ở chợ gần nhà, mỗi ngày cũng kiếm được vài ba chục đủ tiền nuôi con. Từ ngày chồng em mất đi, mọi người biết mẹ con em có H, chẳng ai còn dám mua rau của em nữa. Giờ em phải mang rau ra tận Hà Nội, cách nhà cả 60 km, chẳng ai biết mình mới bán được hàng. Em đi chợ xa thì con em khổ...

Tôi hỏi H: Vì sao em biết đến địa chỉ Mái ấm tình thân (MATT)?

Nét sáng thoáng bừng trên gương mặt đầy nước mắt, trông H như trẻ hơn.

H kể: “Một ngày cuối đông năm ngoái, khi đưa con lên bệnh viện Nhi Trung ương khám và lấy thuốc, em tình cờ gặp chị X (người NB, cả gia đình chị X cũng có H và là khách hàng quen thuộc của MA). Chị X kể cho em nghe về MA và đề nghị giúp đỡ, đưa em đến MA. Bán tín, bán nghi, em thầm nghĩ, thân mình kể như cũng đã chết rồi, đi theo chị ấy nếu bị lừa cũng chẳng có gì nuối tiếc. Thế là mẹ con em theo chị X về MA”...

H không dám tin, ở cuộc đời này H lại có thể gặp được một nơi có những tấm lòng nhân ái và sự chở che ấm áp đên thế. Ở đây, mẹ con H được bác sĩ của MA tư vấn, hỗ trợ về cách chăm sóc cho bản thân H và cho con; con H được hỗ trợ dinh dưỡng, được cấp những loại thuốc thông thường khi cháu ốm. Mẹ con H có một mái ấm an toàn để nghỉ lại qua đêm miễn phí mỗi lần lên Hà Nội lấy thuốc. Biết hoàn cảnh của H quá khó khăn, MA đã hỗ trợ cho H 4 triệu đồng. Với số tiền đó, H đã về quê đấu thầu được 1,2 sào ruộng trong 5 năm, giúp H có thêm nguồn thu nhập. Những khi con H ốm, chưa đến ngày lên Hà Nội lấy thuốc, H lại gọi điện nhờ bác sĩ Huệ của MA tư vấn và chỉ bảo cho cách chăm con... Cuộc sống của mẹ con H từ khi có MA dường như đã bớt khó khăn, cô độc đi rất nhiều.

Giờ đây, khi MA đang trong giai đoạn dự án tài trợ hết hạn nhưng mẹ con H và những khách hàng quen thuộc của MA vẫn thường cho con đến nghỉ đêm miễn phí mỗi lần lên Hà Nội. Xúc động hơn, với sự hỗ trợ nhân văn của Quỹ Unilever Việt Nam, H đã nhận được món quà Unilever tặng mẹ con cô thông qua MA. Khi bác sĩ Nguyễn Thị Hòa Bình, Giám đốc MA thay mặt Unilever trao quà cho cô, H không cầm được nước mắt.

Có lẽ, với mẹ con cô và nhiều phụ nữ, trẻ em đang phải gánh chịu cả nỗi đau của căn bệnh thế kỷ chưa tìm ra lối thoát, cả sự kỳ thị của cộng đồng thì MA đã, đang và mãi là mái nhà thứ hai chở che, nâng đỡ cho họ, tiếp sức cho họ có thêm nghị lực để vượt qua số phận, tìm ra một “lối sống” trên đời.

Vũ Hoa- TTTT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video