13/05/2006
 

Trò dối trá của ngành công nghiệp thuốc lá Mỹ 

Mới đây, Bộ Tư pháp Mỹ chính thức khởi tố vụ kiện buộc tội các Cty thuốc lá đã gian lận, lừa dối người tiêu dùng Mỹ trong suốt nửa thế kỷ qua và đòi các Cty này phải bồi thường số tiền khổng lồ 280 tỷ USD. "Đây là vụ án lừa đảo kéo dài hơn 50 năm nay với mục đích cố ý đánh lừa công chúng", Luật sư của Chính phủ Frank Marine nói. "Các bị đơn cho rằng họ chỉ có thể tồn tại dựa trên kế hoạch lừa dối này" - ông phát biểu trước thẩm phán Gladys Kessler, chủ toạ phiên toà.

Luật sư làm mọi người sửng sốt khi nói về tác hại của thuốc la.á ông đã dẫn ra một kết quả nghiên cứu khẳng định thuốc lá là nguyên nhân làm chết 500.000 người Mỹ mỗi năm. Từ năm 1940, các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu về tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ con người và báo cáo khoa học đầu tiên cũng khẳng định sự liên kết chặt chẽ giữa thuốc lá với ung thư phổi.

Tháng 12/1953, chủ tịch một số Cty thuốc lá và một Cty quan hệ công chúng đã họp tại khách sạn Plaza, thành phố New York để bàn kế hoạch bưng bít thông tin về tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ con người, nhằm giữ khách hàng và đảm bảo công việc kinh doanh của họ được thuận lợi.

Kết quả của cuộc họp này chính là bản "Tuyên bố Chân thật" của các Cty thuốc lá đăng trên 454 tờ báo toàn nước Mỹ vào tháng 1/1954 khẳng định ngành công nghiệp thuốc lá coi sức khoẻ của khách hàng là trên hết và cam kết tiến hành nghiên cứu mối quan hệ giữa thuốc lá và các loại bệnh. Bản tuyên bố này viết: "Chúng tôi tin rằng sản phẩm của chúng tôi không gây hại tới sức khoẻ con người". Luật sư Marine tuyên bố: "Vâng, đây chính là tuyên bố dối trá".

Cũng trong cuộc họp năm 1953, các Cty thuốc lá đồng ý thành lập Uỷ ban nghiên cứu thuốc lá để nghiên cứu tác động của thuốc lá với sức khoẻ con người và uỷ ban này có nhiệm vụ phổ biến thông tin về các sản phẩm của ngành. Luật sư Marine không cho rằng uỷ ban này đã nghiêm túc nghiên cứu ảnh hưởng của thuốc lá với sức khoẻ con người mà châm biếm rằng chức năng chính của nó là tung tin khiến người tiêu dùng bị lầm tưởng rằng thuốc lá không có mấy tác hại. Dẫn chứng rằng đây là một âm mưu lừa đảo, Luật sư Marine trích một tài liệu của Uỷ ban nghiên cứu thuốc lá nói rằng tất cả những ông trùm thuốc lá sẽ hợp tác với nhau. "Một hành động ảnh hưởng tới một Cty thì cũng sẽ ảnh hưởng tới tất cả các Cty khác" - tài liệu này viết. "Một ngành thuốc lá thống nhất sẽ là công cụ tuyên truyền hữu hiệu nhất". Chính sự hợp tác này đã trở thành một "kế hoạch lừa đảo cực lớn" - Sharon Eubanks, một trưởng lý của Chính phủ nói.

Bên ngoài toà án, các luật sư bào chữa khẳng định ngành thuốc lá đãÁ¤ thay đổi kể từ sau vụ kiện năm 1998. Khi đó, các nhà sản xuất thuốc lá đã chấp thuận bồi thường số tiền 246 tỷ USD trong vòng 25 nămcho chi phí y tế mà chính quyền 46 bang đã chi cho các bệnh do thuốc lá gây ra. Luật sư của hãng Philip Morris cũng khẳng định các Cty thuốc lá biết rõ chất nicotine có thể gây nghiện và gây ra bệnh tật.

Vấn đề tiếp thị thuốc lá nhằm vào trẻ em cũng trở thành trung tâm của vụ kiện. Luật sư Marine trích dẫn một biên bản năm 1973 của hai nhà sản xuất thuốc lá Kool và Lucky Strike trong đó khẳng định khách hàng chính của Cty nằm trong độ tuổi từ 16-25 và biên bản của nhà sản xuất thuốc lá Newport và Lorillard thì viết: "Đối tượng khách hàng chính của chúng tôi là học sinh trung học".

Vụ kiện mới bắt đầu xét xử và dự kiến sẽ kéo dài trong sáu tháng. Các Cty bị đơn bao gồm: Altria Group Inc.; Philip Morris USA Inc.; R.J. Reynolds Tobacco Co.; Brown & Williamson Tobacco Corp. British American Tobacco (Investments) Ltd.; Lorillard Tobacco Co.; the Liggett Group Inc.; Uỷ ban nghiên cứu thuốc lá Mỹ và Viện nghiên cứu thuốc lá.

Hà Trần

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video