19/05/2006
 

                                                    Ngừng hút thuốc để phòng bệnh

Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh ung thư ở người. Sự khẳng định này đã được y học chứng minh từ nhiều năm nay. Hút thuốc lá là thủ phạm của 30% trong tổng số các loại ung thư ở người.

Trong số này phải kể đến ung thư phế quản - phổi là loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Hút thuốc gây nên hơn 90% ung thư phế quản - phổi, kế đến là ung thư khoang miệng, thanh quản (80%) ung thư thực quản (75%), ung thư bàng quan (45%), ung thư tử cung, tuỵ tạng (30%) và ung thư dạ dày (20%). Các nhà khoa học đã chứng minh được thuốc lá gây nên hơn 25 bệnh khác nhau ở người. Tính chung trên toàn cầu năm 1995 có 3 triệu người chết do hứt thuốc lá trong đó 1/3 là ở các nước đang phát triển. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới trong giai đoạn từ 1950 - 2000 có 60 triệu trường hợp tử vong do hút thuốc lá. Xu hướng hút thuốc đặt biệt gia tăng ở các nước đang phát triển, dự tính tới năm 2030 trên thế giới sẽ có khoảng 10 triệu người chết mỗi năm do hút thuốc, trong đó có 7 triệu người ở các nước đang phát triển. Tỷ lệ tử vong của hai bệnh liên quan nhiều nhất tới thuốc lá là Ung thư và tim mạch chiếm tới 54% trong số các nguyên nhân gây tử vong ở người từ 15 tuổi trở lên. Hút thuốc càng nhiều, thời gian hứt thuốc càng lâu thì nguy cơ mắc một số bệnh ung thư và các bệnh khác liên quan tới hút thuốc càng cao.

Hút thuốc lào, thuốc lá cuộn nguy cơ mắc ung thư cao hơn hút thuốc có đầu lọc.

Đặt biệt hút thuốc có tác dụng cộng hưởng với uống rượu gây nên ung thư khoang miệng, hạ họng, thanh quản và thực quản. Bên cạnh đó có mối liên quan chặt chẽ giữa hút thuốc và uống rượu, những người hút thuốc có khả năng uống rượu gấp 16 lần so với người không hút thuốc. Sự kết hợp này càng làm tăng khả năng mắc các bệnh như viêm gan, xơ gan, ung thư gan, viêm loét dạ dày, cao huyết áp… thói quen nhai trầu thuốc ở Việt Nam cung là yếu tố nguy cơ gây ung thư khoang miệng.

Một nghiên cứu gần đây ở Bênh viện K trên 196 bệnh nhân ung thư phổi và các ung thư khác không liên quan tới thuốc lá cho thấy hút thuốc thường xuyên nghĩa là gần như ngày nào cũng hút, từ 6 tháng trở lên nguy cơ mắc ung thư phổi tăng lên 6,5 lần so với người không hút thuốc, trong đó đặc biệt phải kể đến vai trò của hút thuốc lào. Số năm hút thuốc cũng liên quan chặt chẽ với ung thư phổi, người hút thuốc từ 20 - 39 năm nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 4 lần so với người không hút thuốc, nếu số năm hút thuốc tăng lên 40 năm nguy cơ mắc bệnh này tăng lên 20 lần.

 Cũng tương tự như vậy đối với ung thư đường hô hấp trên bao gồm khoang miệng, hạ họng thanh quản, hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư ở khu vực này tăng lên 15,5 lần. Hút thuốc lên 5,5 lần trong đó hút thuốc lào và thuốc cuộn không những làm tăng nguy cơ mắc ung thư ở chính người hút mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ác tính này đối với người xung quanh, người sống hoặc làm việc chung với người hút thuốc (hút thuốc thụ động). Khói thuốc đi vào cơ thể người hút thuốc thụ động bao gồm dòng khói chính do người hút thuốc nhả ra và dòng khói phụ từ sự đốt cháy ở đầu điếu thuốc, dòng khói này có chứa nhiều chất ung thư hơn cả dòng khói chính. Đối với người đang nghiện mà bỏ hút thuốc sẽ giảm được nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan. Cần xác định hút thuốc chỉ là thói quen có thể từ bỏ được nếu có nghị lực, nhất là được sự giúp đỡ, động viên của người thân và cộng đồng.

 Hậu quả do các bệnh từ hút thuốc gây nên ngày càng đè nặng lên xã hội và cộng đồng. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới chi phí để khắc phục các hậu quả này lên tới 200 tỷ USD mỗi năm, gấp nhiều lần lợi nhuận thu được từ ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá. Loại bỏ thuốc lá có nghĩa là chúng ta đã phòng chống được 1/3 các bệnh ung thư. Phòng chống tác hại của thuốc là tiêu chí hàng đầu trong chương trình phòng chống ung thư ở các nước bao gồm: Phòng bệnh ban đầu, sàng lọc và phát hiện sớm, nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư. Để giảm thiểu tác hại của thuốc lá, mỗi nước cần có chính sách quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá, cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ và sự phối hợp giữa các bộ ngành liên quan đặt biệt là Bộ Y tế, Ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá, Bộ Nông nghiệp, Hải quan và Ngành giáo dục đào tạo. . .

Bộ Y Tế - Bệnh viện K

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video