“PHỤ NỮ VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SÁNG TẠO”

03/08/2012
Tiếp nối thành công của Hội nghị thượng đỉnh về Phụ nữ và Kinh tế lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 9/2011 tại Hoa Kỳ, do Ngoại trưởng Hillary Clinton chủ trì, Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế với chủ đề “Phụ nữ và Phát triển kinh tế sáng tạo”, đã được tổ chức từ ngày 28 – 30/6/2012 tại Xanh Pê-téc-bua, Liên bang Nga. Kết quả cuối cùng của 3 cuộc họp chính (Họp Nhóm Đối tác Chính sách APEC về vấn đề Phụ nữ và Kinh tế; Đối thoại công – tư về Phụ nữ và Kinh tế; Đối thoại cấp cao về Phụ nữ và Kinh tế) là bản Tuyên bố về Phụ nữ và Diễn đàn Kinh tế APEC 2012 kêu gọi chính phủ và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thúc đẩy các chính sách và hành động cụ thể để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế đã được nhất trí thông qua.

Tham dự Diễn đàn có đoàn đại biểu cấp cao của 21 nền kinh tế thành viên, đại diện từ khu vực nhà nước, tư nhân, tổ chức phi chính phủ, giới trí thức và các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Ngày 28 tháng 6 năm 2012 đã diễn ra Cuộc họp lần thứ hai của Nhóm Đối tác Chính sách APEC về Phụ nữ và Kinh tế (PPWE). Các nền kinh tế thành viên đã trình bày và thảo luận xung quanh Chương trình hành động về Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tập trung vào 4 vấn đề chính: I) Tiếp cận với nguồn vốn; II) Tiếp cận với thị trường; III) Xây dựng năng lực và kỹ năng; iv) Phụ nữ tham gia lãnh đạo. Những hoạt động của Nhóm Đối tác Chính sách APEC về Phụ nữ và Kinh tế (trước là Mạng lưới các đầu mối về giới và Mạng lưới các nhà lãnh đạo nữ trong APEC) trong thời gian qua bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực. Vấn đề giới đã được lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở cấp quốc gia và khu vực APEC. Nhờ các sáng kiến của PPWE, các chính sách liên quan đến phụ nữ và quan điểm lồng ghép giới đã được đưa vào các chương trình nghị sự của APEC. Đặc biệt, những nỗ lực của PPWE đã góp phần tăng tỷ lệ tham gia của phụ nữ trong các Ủy ban và Nhóm Công tác: từ năm 2005, Mạng lưới các đầu mối về giới có khuyến nghị yêu cầu tăng số lượng phụ nữ trong Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (là một trong những Hội đồng quan trọng của APEC) và kết quả là đã có thêm 01 phụ nữ tham gia Hội đồng này.

Trong ngày 29 tháng 6, Đối thoại công – tư về Phụ nữ và Kinh tế được chia làm các phiên thảo luận song song với 6 nội dung: Phụ nữ trong nền kinh tế sáng tạo; Đầu tư vào nguồn nhân lực; Phụ nữ và Doanh nghiệp; Cân bằng công việc – gia đình; Phụ nữ trong điều hành doanh nghiệp; Phụ nữ và Khoa học – công nghệ. Những hình ảnh rất cụ thể, những mẫu hình và bài học thành công của các doanh nghiệp và hiệp hội lao động, những góc nhìn đa chiều về người phụ nữ trong gia đình, xã hội và doanh nghiệp… được thể hiện sinh động, thuyết phục tại các phiên họp là một dấu ấn sâu sắc trong Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế năm 2012. Các báo cáo viên và đại biểu đã trình bày và thảo luận sôi nổi về nền kinh tế tri thức: sự sáng tạo và công nghệ mới – phương pháp tiếp cận phù hợp cho phụ nữ; về những thách thức và nghệ thuật để trở thành một người phụ nữ thành công trong sự nghiệp và cuộc sống riêng tư; về kinh doanh có trách nhiệm xã hội; về hình ảnh của người phụ nữ năng động trong giới truyền thông và lối sống lành mạnh để làm nền tảng cho kinh doanh thành công.

Hoạt động quan trọng nhất là Đối thoại cấp cao về Phụ nữ và Kinh tế, được tổ chức vào ngày 30/6/2012, với sự tham gia của các bộ trưởng và các quan chức cấp cao phụ trách về các vấn đề chính sách kinh tế, kinh tế quốc tế, thương mại, doanh nghiệp nhỏ và vừa và với sự chủ trì của bà Valentina Matvienko, Chủ tịch Hội đồng liên bang của Quốc hội Liên bang Nga. Phát biểu khai mạc, bà Valentina Matvienko khẳng định: Phụ nữ là nhân tố chính đối với sự phát triển kinh tế trong khu vực năng động này cũng như trên thế giới. Nếu như phụ nữ có thể tham gia vào hoạt động chính trị và kinh tế cùng với nam giới, nếu như họ có cơ hội để “mở khóa” trí tuệ, kiến thức và khả năng sáng tạo, họ sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế cả thế giới. Do đó, bà kêu gọi các nền kinh tế thành viên hãy bằng mọi hành động để phụ nữ được tham gia nhiều hơn vào nền kinh tế và đưa họ vào những vị trí ra quyết định bởi chính trình độ và năng lực của mình, không phụ thuộc vào thiên kiến giới và những quan điểm lỗi thời, đặc biệt trong bối cảnh APEC là một trong những vị trí trung tâm của xu thế phát triển kinh tế và phụ nữ là một phần tích cực trong tiến trình này.

Trong Đối thoại cấp cao, Trưởng đoàn của 21 nền kinh tế đều có những phát biểu chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược và chương trình quốc gia nhằm nâng cao sự tham gia của phụ nữ trong kinh tế, chính trị. Đặc biệt, các đoàn đại biểu đều thể hiện một cam kết mạnh mẽ và sẽ tiếp tục hợp tác để thúc đẩy hơn nữa những thành quả chung của khu vực, tiếp tục là 21 nền kinh tế phát triển năng động nhất trên thế giới.

Các Bộ trưởng và Trưởng đoàn tham dự thống nhất thông qua Tuyên bố về Phụ nữ và Diễn đàn Kinh tế APEC 2012 khẳng định quyết tâm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ nhằm đạt được sự thịnh vượng và phát triển. Nội dung Tuyên bố nhấn mạnh vào 3 điểm: Nền kinh tế sáng tạo; Các cơ hội kinh doanh; Nguồn nhân lực. Tuyên bố là sự khẳng định và tiếp nối về quan điểm và những ưu tiên đã được đề cập đến trong Tuyên bố San Francisco năm 2011.

Đoàn Việt Nam với sự tham gia của đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Hội LHPNVN, Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương, do Thứ trưởng Phạm Minh Huân làm trưởng đoàn, đã tham dự Diễn đàn. Trong Đối thoại cấp cao về Phụ nữ và Kinh tế, Thứ trưởng Phạm Minh Huân đã có bài phát biểu chính thức, trong đó kêu gọi việctăng cường những sáng kiến để phụ nữ tham gia toàn diện hơn vào nền kinh tế APEC, để khu vực này có thể đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế tối đa hướng tới sự thịnh vượng. Bài phát biểu của đoàn ta cũng giới thiệu với bạn bè quốc tế về những biện pháp hữu hiệu mà Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhằm nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ thông qua tiếp cận tài chính và thị trường; cam kết sẽ tiếp tục có những biện pháp mạnh mẽ, cụ thể để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế ngày một hiệu quả và chất lượng.

Bên lề Diễn đàn, đoàn đại biểu Việt Nam có buổi làm việc song phương với đoàn đại biểu Đài Loan về hợp tác trong lĩnh vực việc làm, thị trường lao động và vấn đề phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan. Hai bên trao đổi về những biện pháp và chính sách để thực hiện tốt hơn những lĩnh vực hợp tác truyền thống, cũng như tạo điều kiện cho những cô dâu Việt Nam hòa nhập được với cộng đồng nước sở tại.

Việc đoàn đại biểu cấp cao tham dự Diễn đàn một lần nữa đã thể hiện sự quan tâm và cam kết mạnh mẽ đối với sự nghiệp bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là một dịp để Việt Nam nâng cao uy tín của mình, nêu cao tinh thần đoàn kết và những đóng góp tích cực, cụ thể để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế và các vị trí quản lý, lãnh đạo ngày một hiệu quả, chất lượng hơn.

* Xem chi tiết Tuyên bố APEC tại đây Download

Ban Quốc tế

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video