50 nữ ứng cử viên các tỉnh miền núi phía Bắc sẵn sàng để thành công trong kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV

05/04/2016
50 nữ ứng cử viên lần đầu ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV của 10 tỉnh miền núi khu vực phía Bắc đã tham dự khóa tập huấn nâng cao năng lực do TW Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Dự án Nâng cao năng lực lãnh đạo nữ giữa Bộ Ngoại giao và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc và Quỹ Châu Á tổ chức tại Hà Nội từ ngày 4/4 đến ngày 6/4/2016.

“Sẵn sàng để thành công" là chủ đề xuyên suốt của lớp tập huấn với mục đích nhằm giúp các nữ ứng viên trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị sẵn sàng cho các hội nghị tiếp xúc cử tri tại địa phương ứng cử. Những kiến thức, kỹ năng và sự tự tin thu được từ khóa học sẽ giúp các nữ ứng cử viên vượt qua “trần kính” và “tường kính” - những rào cản vô hình song tác động hữu hình đến sự phấn đấu và thành tích mà họ đạt được trên con đường sự nghiệp của mình.

Bày tỏ vui mừng vì kết quả sau vòng hiệp thương lần 2, danh sách nữ ứng cử viên Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đều đạt được gần 40%, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa cũng chia sẻ những trăn trở của mình trong việc nâng cao chất lượng nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội; đồng thời cho rằng, “tập trung nâng cao năng lực, trang bị các kiến thức, kỹ năng mềm đáp ứng được yêu cầu của vị trí, chức vụ lãnh đạo, quản lý sẽ tạo nền tảng để phụ nữ có cơ hội tham chính bền vững”.



 Ảnh minh họa

Chủ tịch Hội cho biết, các cấp Hội LHPN Việt Nam đang nỗ lực hết sức mình để góp phần cùng hệ thống chính trị tăng tỷ lệ nữ trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 đạt 30% trở lên.

Phát biểu tại buổi tại khóa tập huấn, Ông Dennis Curry - Trợ lý Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trưởng phòng Quản trị công khẳng định: “Sự tham gia của nữ giới vào các vị trí lãnh đạo trong chính trị và hành chính công sẽ đảm bảo được tính đại diện của toàn dân trong các cơ quan chủ chốt. Đó cũng là bằng chứng khẳng định quyền bình đẳng của phụ nữ đồng thời là biện pháp mang lại những góc nhìn đa dạng trong quá trình xây dựng chính sách”.

 Ảnh minh họa

Ông Dennis cũng cho rằng, kiến thức, kỹ năng và sự tự tin của nữ đại biểu Quốc hội sẽ giúp họ tham gia chủ động hơn vào các hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Khóa bồi dưỡng giúp các nữ ứng cử có được kiến thức, kỹ năng cần thiết và trở thành một ứng cử viên mạnh trong kỳ bầu cử.

Tham gia khóa học, các ứng cử viên nữ sẽ được trang bị những kiến thức tổng quan về Quốc hội, Luật Tổ chức Quốc hội, vai trò của nữ giới trong chính trị, vấn đề bình đẳng giới trong các Luật hiện hành. Học viên cũng được giới thiệu về chương trình hành động, cách thức xây dựng một chương trình hành động hấp dẫn, cách thức trình bày chương trình đó một cách thuyết phục tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Bên cạnh đó, các học viên cũng được thực hành tiếp xúc với truyền thông.

Chị Nguyễn Thị Huế (32 tuổi, người dân tộc Tày) đến với lớp tập huấn từ Tỉnh đoàn Bắc Kạn chia sẻ: “Là nữ ứng cử viên lần đầu tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội, tôi tham gia tập huấn với mong muốn được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết cũng như có cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ với các nữ ứng cử viên khác và giảng viên của lớp học để chuẩn bị một tâm thế tốt nhất khi tham gia ứng cử”.


 Ảnh minh họa

 Các đại biểu dự khai mạc lớp tập huấn chụp ảnh cùng các nữ UCV


Ngoài việc tham dự khóa bồi dưỡng, các nữ ứng cử viên còn có thể tìm hiểu thông tin về quy trình bầu cử, chương trình hành động và cách thức làm việc với truyền thông - tài liệu tập huấn được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc xây dựng riêng dành cho các nữ ứng cử viên ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; hoặc tham gia học trực tuyến tại cổng thông tin bồi dưỡng trực tuyến “Sẵn sàng để thành công” (địa chỉ www.sansangdethanhcong.com)

Vũ Hoa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video