Ấm tình đồng đội nơi chiến trường xưa Trường Sơn

20/05/2019
Với gương mặt phúc hậu và giọng nói vui vẻ, cô Trần Thị Thanh (64 tuổi) - Chủ tịch Hội Trường Sơn thành phố Nam Định tay bắt mặt mừng khi gặp lại nhiều đồng đội xưa ở khắp các tỉnh, thành về tụ hội ở thủ đô Hà Nội. Những bàn tay nắm chặt, những vòng tay thiết tha và những hồi ức ùa về khiến cô rưng rưng nhớ lại những ngày tháng gian khổ mà ấm tình đồng đội, lời hẹn non hẹn biển thuở yêu nhau nơi chiến trường xưa.

Vượt lên gian khó thời chiến

 

Sinh ra trong gia đình truyền thống, bố mẹ cô Trần Thị Thanh là cán bộ thời cách mạng chống Pháp, mẹ là thương binh nặng (thương tật 71%) và lúc bà mất đã được chuyển sang chế độ liệt sĩ. Những truyền thống đó đã hun đúc lòng yêu nước của cô Thanh từ thuở nhỏ.

 

Năm 1973, khi mới 17 tuổi, cô Thanh đã khai tăng thêm 1 tuổi để tham gia Tiểu đoàn 2 bộ đội nữ Nam Hà, huấn luyện tân binh ở Lý Nhân rồi vào chiến trường. Nhận nhiệm vụ mở đường, phục vụ vận chuyển, chị em tiểu đoàn 2 tham gia cắt cỏ, san đường, nổ mìn phá núi chỉ với dao liềm, cuốc thuổng, xà beng, choòng búa… Những bàn tay thuở nào chỉ quen cầm bút đã sưng rộp rồi biến thành chai sạn. Có những lúc cô Thanh cùng đồng đội chặt dây leo trong rừng căng từ ta luy nọ sang ta luy kia rồi đoàn quân lần theo dây vượt suối sâu. Vách đá dựng đứng, nhiều chị em xung phong treo mình lên vách đá thao tác khoan đá, nạp thuốc nổ. Đáng buồn là dây đứt, 6 chị em đồng đội đã hy sinh. Một hôm sau khi hoàn tất một số lỗ choòng, nạp thuốc nổ, cô Tầm bị mù hai mắt. Từ đó đến nay, cô Tầm âm thầm sống trong trại Thương binh Thanh Cần, Thanh Liêm (Hà Nam). Cô Thanh nước mắt rưng rưng khi kể về những kỷ niệm đau lòng đó.

 

Không chỉ gặp nguy hiểm vì bom đạn, cuốc phải mìn, thú dữ, bệnh sốt rét…, chị em còn thiếu ăn thiếu mặc, ban ngày đi làm mồ hôi nhễ nhại, tối tối tắm giặt quần áo, đốt lửa hong khô để sớm mai có quần áo mặc. Gian khổ là vậy nhưng chị em thương yêu, đùm bọc nhau như ruột thịt. Sau đó, cô Thanh được điều về làm văn thư, tham gia việc nuôi quân, phục vụ đời sống cho chị em. Cô đã khéo léo quan hệ với dân bản, bà con để có rau lang, rau sắn, rau tàu bay cho đồng đội. Có lúc đói quá, đồng bào cho cả bãi ngô. Khi được chi viện đỗ tương, Thanh chế biến thành đậu phụ để cải thiện bữa ăn cho chị em. Có khi cô Thanh chưng thịt hộp thành mắm thịt để chị em trộn ăn buổi sáng.

 

Khi Quảng Trị được giải phóng, sân bay Tà Cơn rất sẵn rau, cô Thanh và đồng đội lần mò vào hái rau. Nghe nói sân bay còn sót nhiều mìn, đôi lúc cũng lo nhưng cô Thanh vẫn quyết làm vì chị em thiếu nhiều chất rau xanh. Dòng sông Ba Lòng khi đó tép bơi hàng đàn, cô Thanh tìm cách bắt tép để cải thiện cho bộ đội. Để làm vó cất tôm tép. cô Thanh đã cắt nhỏ chiếc màn cá nhân của mình ra nhiều mảnh, làm thành nhiều cái vó. Ngày ngày chịu khó cất vó, hái rau rừng, đồng đội của cô đã có thêm thức ăn tươi ngon, bổ dưỡng. Còn cô Thanh không có màn, tối tối phải chui vào màn chị em đồng đội ngủ nhờ.

 

Lời hẹn thề đôi lứa trên dãy Trường Sơn

 

Khi nhắc đến mối tình nơi chiến trường xưa rồi trở thành vợ chồng, cô Thanh vui vẻ nói về duyên kỳ ngộ. Năm 1973, vào một đêm nọ, ở Khe Sanh (Quảng Trị), cả Trường Quân y Quân khu Trị Thiên trong rừng sâu bỗng nghe tiếng một thiếu nữ khóc thút thít. Tiếng khóc to dần khiến không ai ngủ được. Sáng hôm sau, ngày chủ nhật, cả trường chia nhau đi tìm nguyên nhân. Vượt ba ngọn đồi tranh, sang bên kia khu rừng, các bộ đội nam phát hiện một “tà áo bộ đội nữ” bay phất phơ trên cây. Hóa ra gió cuốn áo một cô gái lên cây khiến cô không tìm thấy. Duyên gặp gỡ giữa nơi hoang vu khiến đơn vị nam giao lưu với đơn vị bộ đội nữ, tình cảm quyến luyến thêm đậm sâu. Nhiều đôi nam nữ trao nhau địa chỉ, chữ ký hẹn thề gặp lại nhau ở quê nhà khi chiến thắng khải hoàn. Ngọn lửa tình yêu của hai trái tim đồng hương Trần Thị Thanh và Đoàn Hồng Đăng nhen nhóm lên từ đấy.

 

Chú Đoàn Hồng Đăng tham gia công tác quân y trong thời gian chiến tranh ở Quảng Trị. Có những đêm cao điểm, đội quân y phải phẫu thuật 200 ca còn thường xuyên từ 50 ca đến 100 ca. Mỗi khi hoàn tất một ca, cán bộ quân y đều cài giấy vào ngực  thương binh, chuyển ngay về hậu cứ. Trong thời gian đó, chú Đăng đã trở thành thương binh 51%.

 

Năm 1975 giặc tan, năm 1977 chú Đoàn Hồng Đăng chuyển ngành về Sở Y tế Hà Nam Ninh, công tác tại phòng khám Năng Tĩnh, tiếp tục học Đại học Y, rồi học cao học, trung cấp quản lý, trung cấp chính trị. Sau đó, chú Đăng làm Trưởng phòng khám đa khoa khu vực Hoàng Ngân (Nam Định). Còn cô Trần Thị Thanh học trường Thương nghiệp Nam Hà, ra công tác tại Cửa hàng bách hóa Nam Định.

 

Về lại quê nhà, mối tình Trường Sơn 5 năm trước được thắp sáng. Năm 1978, đôi uyên ương Đoàn Hồng Đăng và Trần Thị Thanh xây dựng tổ ấm và sống bên nhau hạnh phúc đến bây giờ.


tran-thi-thanh-4.jpg
Cô Trần Thị Thanh (thứ 2 từ trái sang) cùng đồng đội xưa
Theo: http://phunuvietnam.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video