Bạc Liêu: Đề án 343 góp phần nâng cao vị thế người phụ nữ

18/11/2015
Sau 3 năm (2012 - 2015) triển khai thực hiện, Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” đã đi vào cuộc sống, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi trong các cấp Hội Phụ nữ về rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ thời kỳ mới: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang.

Xác định mục đích, tầm quan trọng của Đề án 343, Hội LHPN tỉnh đã tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền, quán triệt nội dung Đề án cho cán bộ chủ chốt Hội Phụ nữ, cán bộ nữ các cấp, các ngành nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của cán bộ, hội viên, người dân, cộng đồng xã hội trong việc giữ gìn, phát huy và rèn luyện phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người Việt Nam.

Trong quá trình triển khai, Hội Phụ nữ các cấp linh hoạt thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền để các nội dung Đề án thật sự đi sâu vào nhận thức và đời sống chị em như: tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao, hội thi, chia sẻ kinh nghiệm, biểu dương những phụ nữ điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực; lồng ghép việc thực hiện Đề án vào các chương trình, dự án khác để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; thực hiện hình thức sân khấu hóa các nội dung đề án. Tại các xã điểm nông thôn mới, Hội Phụ nữ các cấp còn phối hợp tổ chức nhiều buổi trợ giúp pháp lý tại chỗ và lưu động, giúp chị em nắm vững kiến thức về quyền và nghĩa vụ của mình… Với nhiều hình thức khác nhau, nội dung tuyên truyền bám sát yêu cầu thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng, giúp các chị nâng cao nhận thức về phòng chống tội phạm, không vướng tệ nạn xã hội, phòng chống các loại dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…

Sau khi nắm vững các nội dung Đề án, nhiều chị đã ý thức được vai trò của bản thân, xóa bỏ tự ti, mặc cảm, cùng sẻ chia, gánh vác công việc với các thành viên trong gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, sống và làm việc đúng pháp luật. Nhiều chị còn tự tin tham gia vào các mô hình, câu lạc bộ do Hội LHPN và địa phương phát động, như: mô hình Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc gắn với các tiêu chí Xây dựng gia đình 5 không - 3 sạch, mô hình Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới, Gia đình phụ nữ không tham gia tệ nạn xã hội...

Đánh giá về kết quả đạt được, chị Lâm Thị Mỹ Kiều - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhận xét: “Sau 3 năm thực hiện Đề án 343 đã tác động nhiều đến chuyển đổi hành vi đạo đức chị em và cộng đồng. Nếu như trước đây, do nhận thức còn hạn chế nên phụ nữ nông thôn thường dạy con bằng roi vọt thì ngày nay, hành vi đó đã thay bằng lời lẽ thuyết phục. Hay như tình trạng phụ nữ gả con có yếu tố nước ngoài đã hạn chế, không còn trường hợp tảo hôn, nhiều chị không còn mặc cảm, cam chịu mà đã biết thể hiện khả năng, vai trò của mình trong xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, phát triển kinh tế gia đình, giữ vị trí chủ chốt nơi công tác, kinh doanh… Thực hiện Đề án 343 không những tôn vinh vai trò phụ nữ thời đại CNH-HĐH mà đó còn là luồng gió mới giúp chị em gắn bó hơn với công tác Hội, chung sức hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

baobaclieu

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video