Bắc Ninh: Đơn vị điển hình thực hiện phong trào thi đua

26/01/2007
5 năm - một chặng đường phấn đấu. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2002-2007, Ban chấp hành Hội LHPN Việt Nam đã xác định lấy thi đua làm đòn bẩy, thúc đẩy nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội và phong trào phụ nữ. Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh được chọn làm đơn vị chỉ đạo điểm để nhân rộng phong trào.

Tập trung xây dựng các mô hình kinh tế giỏi, kinh tế trang trại, đa dạng các ngành nghề truyền thống, xây dựng các cánh đồng đạt giá trị 50 triệu đồng/ha/năm được các cấp Hội LHPN Bắc Ninh chọn làm khâu đột phá và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn của địa phương. Tiêu biểu là Hội LHPN các xã: Quỳnh Phú, Xuân Lai (huyện Gia Bình); Phú Hoà, Trung Chính (Lương Tài); Yên Giả (Quế Võ), Đình Bảng (Từ Sơn). Nhờ chuyển đổi từ trồng lúa sang mô hình kinh tế VAC: thả cá, nuôi lợn, trồng cây ăn quả đến nay mỗi tổ chức Hội đã có từ 50-70% số hộ có thu nhập 20-30 triệu đồng/hộ. Nhiều trang trại do phụ nữ làm chủ có quy mô sản xuất, chăn nuôi lớn, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao không thể không kể đến như chị Thu, xã Đình Bảng (Từ Sơn), từ việc chuyển đổi 2.200 m2 đất 2 lúa sang trồng hoa cây cảnh, nuôi gà đẻ trứng, mỗi năm trừ chi phí còn lãi 360 triệu đồng. Gia đình các chị: chị Thích, chị Đơ (huyện Gia Bình) từ mô hình kinh tế VAC (đầu tư thả cá, trồng cây ăn quả) cho thu nhập 40-50 triệu đồng/năm.

 

Ngoài đầu tư phát triển kinh tế trang trại, chị em còn kết hợp làm kinh doanh dịch vụ, tạo việc làm cho phụ nữ, tăng thu nhập cho gia đình, tiêu biểu là các chị: chị Trà (Quảng Phú – Lương Tài); chị Hạnh (thị trấn Hồ - Thuận Thành) chuyên tổ chức may công nghiệp bao bì, găng tay, bảo hộ lao động, phông rèm, thu nhập mỗi năm 30-40 triệu đồng, tạo việc làm cho 20-25 lao động và 100 lao động thời vụ với mức 500.000-1.000.000 đồng/người/tháng.

 

Một lĩnh vực không còn mới mẻ nhưng vô cùng quan trọng trong thời kỳ hội nhập mà phụ nữ nơi vùng quê kinh Bắc đã sẵn sàng “lao vào” với quyết tâm vực dậy, phát triển các nghề truyền thống đã một thời mai một: nghề giấy gió Phong Khê, đúc nhôm Văn Môn, nấu rượu Tam Đa, tằm tơ Vọng Nguyệt (Yên Phong), tranh Đông Hồ (Thuận Thành), trạm trổ Đồng Kỵ (Từ Sơn), đúc đồng Đại Bái (Gia Bình), đồ gốm Phù Lãng (Quế Võ)…Năng động, sáng tạo, bản lĩnh trên thương trường, các nữ doanh nhân đã không ngừng cải tiến mẫu mã, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, trở thành những chủ doanh nghiệp lớn của địa phương. Điển hình là các chị: chị Năm (xã Hương Mạc, huyện Từ Sơn) với xưởng sản xuất đồ mỹ nghệ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 100 lao động với mức thu nhập 700.000-900.000 đồng/người/tháng; chị Ngừng (Nội Duệ - Tiên Lãng) chuyên sản xuất tơ tằm xuất khẩu, mỗi năm đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng, giải quyết việc làm cho 50-60 lao động; chị Bắc (Công ty đồ gỗ mỹ nghệ Việt Hà), tạo việc làm cho hơn 100 lao động với mức thu nhập bình quân 1.500.000 đồng/người/tháng.

 

Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, nâng cao mức sống, trên các lĩnh vực công tác, chị em công nhân viên chức, lao động không ngừng học hỏi, phát huy sáng kiến, cải thiện phương pháp, lề lối làm việc, mạnh dạn nghiên cứu,ứng dụng công nghệ tiên tiến thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tiêu biểu như chị Hồ Xuân (bác sỹ Trung tâm Y tế Tiên Du): trong 17 năm công tác đã không quản ngại khó khăn, cấp cứu nhiều ca bệnh hiểm nghèo, nghiên cứu thành công nhiều đề tài khoa học; chị Quỳnh Anh (Trại giam Công an tỉnh) - một nữ cảnh sát nhiệt tình, trách nhiệm, với thái độ bao dung, nhân hậu, chị đã thuyết phục được nhiều phạm nhân cải tạo tích cực sớm trở về đoàn tụ với gia đình; các chị: chị Viện (Sở Giao thông - Vận tải), chị Thịnh (Công an tỉnh), chị Tân, chị Luyến (Bộ CHQS tỉnh) đã nỗ lực vượt khó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 

5 năm thực hiện phong trào thi đua đã có 116.278 chị (đạt 69% cán bộ, hội viên) đạt 3 tiêu chuẩn của phong trào thi đua, trong đó 50.664 chị đạt 3 tiêu chuẩn 5 năm liền. Tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua, Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam quyết định: thông qua chỉ đạo điểm, phong trào đã được triển khai sâu rộng trong toàn quốc, đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt nhiệm kỳ và rất cần tiếp tục thực hiện tốt hơn trong nhiệm kỳ tới (2007-2012).

Đỗ Hoa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video