Bạo lực gia đình không còn là vấn đề riêng của mỗi gia đình

03/12/2010
Vấn đề đáng quan tâm nhất sau 3 năm Luật Phòng chống Bạo lực gia đình (BLGĐ) chính là việc tuyên truyền phổ biến đưa luật vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong gia đình và xã hội. Đây là việc làm cần được tiến hành thường xuyên bằng nhiều hình thức sinh động, thiết thực và hiệu quả. Tuy nhiên, theo Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thì có gần 20% số người tham gia khảo sát nói là không biết về luật này và hơn 3% cho là chưa có Luật Phòng chống BLGĐ.

Những con số buồn

Theo kết quả khảo sát của Vụ gia đình, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch có 21,2% các cặp vợ chồng có trải qua bạo lực chửi mắng, buộc quan hệ tình dục ngoài ý muốn, 1/5 cặp vợ chồng xảy ra bạo lực dưới mọi hình thức. Điều đáng nói là những con số này cũng chỉ căn cứ vào báo cáo từ 32 tỉnh, thành phố và các thông kê là những con số về BLGĐ từ cấp xã trở lên. Theo báo cáo của 32 tỉnh, thành phố có 89.969 vụ bạo lực (chiếm 0.96%) và Phú Yên, Sơn La, Điện Biên, Bạc Liêu, Tây Ninh, Đồng Tháp là những địa phương có số vụ BLGĐ cao (số liệu năm 2009). Và BLGĐ xảy ra không phân biệt địa bàn (nông thôn – thành thị; đồng bằng – miền núi); giàu – nghèo; học vấn; địa vị xã hội…

Những thông số này, cũng tương đồng với một kết quả nghiên cứu quốc tế, khi có từ 20 - 50% số phụ nữ Việt Nam đang là nạn nhân của BLGĐ dưới nhiều hình thức mức độ khác nhau; phụ nữ trong độ tuổi từ 15 - 44 tuổi có nguy cơ là nạn nhân của BLGĐ và hiếp dâm cao hơn so với tai nạn xe máy, ung thư và bệnh sốt rét. Những nạn nhân của BLGĐ không chỉ tổn thương về thể xác; sức khỏe sinh sản mà còn tác động mạnh về tâm lý, đặc biệt là tác động xấu đến tình cảm, hành vi của trẻ em, tức là thế hệ tương lai sẽ bị ảnh hưởng xấu từ những hành vi của BLGĐ.

Điều đáng quan tâm là những kết quả này dường như không phản ánh được những nỗ lực của các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền cơ sở và hội phụ nữ cấp cơ sở, cũng như sự nỗ lực của các phương tiện truyền thông trong cuộc chiến chống lại BLGĐ. Trong đó có những hoạt động truyền thông và mô hình hoạt động đáng ghi nhân như Câu lạc bộ gia đình không bao lực gia đinh, Câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình…

Thực trạng trên cho thấy các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đưa luật vào cuộc sống. Đối với  trường hợp BLGĐ nghiêm trọng , kéo dài cần được xử lý nghiêm minh, kịp thời làm gương trong xã hội.  Nhà trường, cộng đồng và gia đình cần chung tay trong cuộc chiến phòng chống BLGĐ bằng những việc làm cụ thể, thiết thức loại bỏ tư tưởng trọng nam, khinh nữ... những nguyên nhân sâu xa của bất bình đẳng trong gia đình, xã hội và BLGD.

Sự thờ ơ, thiếu hiểu biết...cản trở luật thực thi trong cuộc sống

Các kết quả nghiên cứu  cho thấy  tư tưởng gia trưởng, thiếu kỹ năng ứng xử trong các mối quan hệ gia đình, sự hiểu biết không đầy đủ về pháp luật dẫn đến sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, đoàn thể địa phương và cộng động. Từ những chuỗi nguyên nhân nêu trên có thể thấy rằng để có được một bức tranh sáng sủa hơn giảm thiểu BLGĐ cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, toàn xã hội.  Ông Phạm Quốc Nhật, Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch nhấn mạnh thêm, sự thiếu hiểu biết về pháp luật của một số cán bộ đã dẫn tới thực trạng thờ ơ với công tác về bình đẳng giới. Mặc dù, cơ quan chức năng thường xuyên có thông báo yêu cầu các địa phương gửi số liệu thống kê số vụ bạo lực nhưng phần lớn các địa phương không làm được vì không có số liệu; đặc biệt hiện vẫn còn 30 tỉnh, thành phố chưa ban hành được kế hoạch, chương trình hành động triển khai Luật Phòng chống BLGĐ, điều này có nghĩa là từng đó địa phương chưa biết đến Luật Phòng chống BLGĐ. Đây là hạn chế lớn ngay từ nhận thức vai trò và hành động cụ thể của các cấp chính quyền, đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan chức năng trực tiếp tham mưu thực hiện . Và như thế không thể nói việc tuyên truyền luật vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình.

Mặt khác,  trên thực tế  việc tuyên truyền phổ biến Luật Phòng chống BLGĐ chỉ mới chỉ dừng lại ở chiều rộng, chính vì lẽ đó một bộ phận cán bộ chính quyền, đoàn thể cơ sở, cộng đồng làng xóm chưa hiểu rõ được nội dung của luật này cũng như trách nhiệm của họ được quy định thế nào? Trong khi đó, cán bộ thực hiện nhiệm vụ về công tác gia đình chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, chưa đầu tư nghiên cứu để có kiến thức chuyên sâu và phương pháp làm việc nên chưa thực sự chủ động tham mưu đề xuất về nội dung công tác gia đình trong đó có việc việc phòng chống BLGĐ. Điều này, càng khó khăn hơn khi chế độ đãi ngộ cho những người hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm này còn rất khiêm tốn

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ban, ngành có liên quan nhằm thúc đẩy sự bình đẳng giới và phòng, chống BLGĐ mặc dù đã có sự tập trung chỉ đạo song hiệu quả phối hợp chưa cao, đôi khi còn hình thức, phạm vi phối hợp còn hạn chế, thiếu đồng bộ, chưa sâu rộng, nhất là tại những địa phương sự bất bình đẳng giới và BLGĐ ở mức cao. Chương trình, nội dung phối hợp chưa có tính chiến lược, thiếu sự kết nối, chủ yếu chạy theo những công việc, hoạt động nhỏ lẻ, sự vụ

Hiện nay, chương trình hành động quốc gia phòng chống BLGĐ đang chờ Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng hiện việc xây dựng danh mục chi thường xuyên trong ngân sách nhà nước cho sự nghiệp gia định và phòng chống BLGĐ chưa nhận được sự thống nhất của 2 bộ chủ quản là Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch và Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch về Quy định chế độ quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình cũng đang ở giai đoạn soạn thảo. Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Dương Thị Xuân cho biết, nguồn kinh phí để triển khai thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; hỗ trợ phụ nữ nâng cao trình độ mọi mặt thực hiện Bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình còn hạn chế; chưa khai thác được nhiều nguồn lực để hỗ trợ thực hiện công việc. 

Bạo lực gia đình không còn là vấn đề  riêng của mỗi gia đình mà đã trở thành vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Điều đáng nói là, tại nhiều nơi, khi bạo lực xảy ra thì họ coi đó là điều đương nhiên. Trong khi trách nhiệm của các tổ chức xã hội như Phụ nữ, Thanh niên, Hội nông dân... chưa được phát huy thì việc  áp dụng biện pháp xử phạt hành chính cho những người gây ra BLGĐ là vợ, chồng trong quan hệ gia đình trên thực tế lại gặp nhiều khó khăn. Điều này cũng là nguyên nhân cản trở luật thực thi trong cuộc sống. 

Thiết nghĩ để công tác phòng chống bạo lực gia đình đạt kết quả thì không chỉ dựa vào pháp luật mà cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành Trước hết cần có biện pháp xử lý nghiêm túc đối với những tỉnh, thành phố chưa xây dựng được chương trình hành động triển khai luật Phòng chống BLGĐ.

Theo Phùng Hương - Đại biểu Nhân Dân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video