Bệnh lao - mối hiểm họa của mọi người

23/03/2007
Cách đây 125 năm (ngày 24-3-1882), bác sỹ Roberkoch (người Đức) đã phát hiện ra vi trùng lao - thủ phạm gây nên bệnh lao, làm kinh hoàng thế giới. Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm, lây theo đường hô hấp.

Không một nơi nào trên thế giới có thể tránh được bệnh lao; bất kỳ ai hít thở không khí đều có nguy cơ bị nhiễm lao. Tuy nhiên, bệnh lao ngày nay không còn là căn bệnh nan y do đã được chữa khỏi với tỷ lệ cao.

Hà Tây là một tỉnh rộng, với số dân gần 2,5 triệu người, sinh sống ở 322 xã, phường, thị trấn và có nhiều điểm du lịch thu hút du khách trong, ngoài nước, luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh tật cao. Hơn nữa, Hà Tây có hơn 1.000 làng có nghề, trong đó có hàng trăm làng xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường sống trong quá trình sản xuất, khả năng gây bệnh cao, nhất là các bệnh về phổi. Do đó, chương trình phòng, chống lao của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2006, các huyện, thị xã hoạt động theo mô hình mới: Phòng Y tế - Bệnh viện - Trung tâm Y tế dự phòng. Do đó, mạng lưới phòng, chống lao đã có nhiều biến động; 14/14 tổ chống lao huyện, thị xã, thành phố bị thiếu hụt, chia sẻ, không đồng bộ; lực lượng làm công tác phòng, chống lao ở các địa phương vừa thiếu, lại yếu về chuyên môn, nghiệp vụ. Cơ sở vật chất cũng như các trang thiết bị để triển khai các chương trình chống lao tại các huyện, thị xã, thành phố hầu như chưa có gì, làm cho nhiều cơ sở không thực hiện được các chế độ quản lý, giám sát, điều trị bệnh lao. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, nhưng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống bệnh lao trong toàn tỉnh đã cố gắng khắc phục, hoàn thành tốt công việc được giao.

Trước hết, công tác tuyên truyền được ngành đặc biệt coi trọng và coi đây là một nhiệm vụ then chốt để thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh lao. Hàng năm, Trạm Chống lao tỉnh phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và các Trung tâm Y tế dự phòng huyện, thị xã, thành phố thường xuyên tuyên truyền phòng, chống bệnh lao để nhân dân thấy được sự nguy hiểm của loại bệnh này, biết cách phòng tránh; tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Phòng, chống lao thế giới (24-3). Kẻ vẽ hàng ngàn pa-nô, áp phích, khẩu hiệu và phát hàng vạn tờ rơi có nội dung tuyên truyền về công tác phòng, chống bệnh lao. Mặt khác, cán bộ chuyên trách phòng, chống lao từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn đã tư vấn trực tiếp cho nhân dân về bệnh lao và cách phòng, chống căn bệnh này. Đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức nói chuyện chuyên đề về phòng, chống bệnh lao cho 400 hội viên ở các huyện: Thạch Thất, Phúc Thọ, Thanh Oai, Sơn Tây, Ứng Hòa... Ngoài ra, Trạm còn mở 8 lớp tuyên truyền trực tiếp về cách phòng, chống lao/HIV cho 240 trại viên của Trại cải tạo Thanh Xuân đóng trên địa bàn huyện Thanh Oai; tham gia nghiên cứu đề tài cấp bộ về điều tra dịch tễ bệnh lao, bệnh phổi phế quản tắc nghẽn mãn tính tại xã Thượng Lâm (Mỹ Đức) và xã Phú Phương (Ba Vì), với gần 3.000 người khám điều tra. Từ đó, nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về cách phòng, chống bệnh lao và cách điều trị được nâng lên rõ rệt.

Với phương châm, lấy kết quả điều trị khỏi bệnh để dập tắt nguồn lây là cách phòng bệnh hiệu quả nhất, Trạm Chống lao tỉnh đã không ngừng cải tiến cách quản lý, điều trị ở từng tuyến; thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả của công tác chữa trị bệnh tật và hạn chế tình trạng bệnh nhân bỏ điều trị. Khi được chẩn đoán bị mắc bệnh lao, bệnh nhân phải điều trị nội trú tại bệnh viện từ 10-15 ngày, với mục đích: Giải quyết mọi cấp cứu và các tác dụng phụ khi bắt đầu dùng thuốc lao; tạo thói quen dùng thuốc; có thời gian để các thầy thuốc tư vấn cách phòng, chống, điều trị cho bệnh nhân... Sau đó, bệnh nhân phải điều trị tấn công, duy trì hơn 7 tháng tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Để công tác điều trị thực sự mang lại hiệu quả cao, được sự giúp đỡ của Chương trình chống lao quốc gia, hàng năm, Trạm Chống lao tỉnh đã tổ chức tập huấn và đào tạo lại cho cán bộ, nhân viên y tế phụ trách công tác chống lao của các xã, phường, thị trấn. Riêng năm 2006, Trạm đã tổ chức 1 lớp huấn luyện về cách phát hiện, xử trí theo phác đồ chương trình ARI cho cán bộ chuyên khoa nhi, phòng khám các bệnh viện tuyến huyện; 3 lớp quản lý cho cán bộ phụ trách chương trình phòng, chống lao, HIV và xét nghiệm của 14 huyện, thị xã, thành phố; 8 lớp kỹ năng phát hiện sớm trẻ viêm phổi, phương pháp hướng dẫn bà mẹ và người chăm nuôi trẻ cho các cán bộ xã, thị trấn của 4 huyện. Đào tạo tại chỗ bằng phương pháp “cầm tay chỉ việc” cho 8 kỹ thuật viên xét nghiệm lao. Hiện tại, 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn và 70% số thôn, bản, khu dân cư có nhân viên y tế đảm nhiệm được các công việc của Chương trình chống lao quốc gia theo chiến lược DOTS (điều trị ngắn ngày có kiểm soát). Năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức khám cho gần 30 nghìn lượt người, đạt 117% kế hoạch và đã phát hiện được gần 1.900 bệnh nhân lao các thể; trong đó có 1.316 bệnh nhân lao phổi dương tính mới và 117 bệnh nhân lao phổi dương tính tái phát. Các cơ sở y tế cũng đã thực hiện xét nghiệm được 23.626 lam đờm của 5.274 người; đồng thời, quản lý 3.188 bệnh nhân lao. Trong năm đã có gần 2.000 bệnh nhân lao các thể và 1.306 bệnh nhân lao AFB (+) ngừng điều trị, thì số khỏi đạt 92,7%; 29 bệnh nhân bỏ điều trị; 56 người chết vì bệnh lao (chiếm gần 3%).

Để Chương trình phòng, chống lao đạt hiệu quả cao hơn trong năm 2007, các địa phương cần phải củng cố, nâng cao năng lực của mạng lưới chống lao ở tất cả các tuyến; thường xuyên quan tâm, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ xét nghiệm viêm lao. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc phát hiện, quản lý, điều trị bệnh lao theo chiến lược DOTS tại các cơ sở và làm tốt công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho nhân dân về bệnh lao./.

 

Bs Kiều Mạnh Thắng, Trạm Chống lao tỉnh Hà Tây
Báo Hà Tây

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video