Bình đẳng giới là liệu pháp để tăng cường đại biểu nữ

27/04/2016
Theo TS Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Tổng thư ký cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, khi đã lựa chọn đủ số lượng ứng cử viên là phụ nữ đủ tiêu chuẩn, có chất lượng rồi thì việc bố trí các ứng cử viên vào các đơn vị bầu cử phải bình đẳng, hợp lý.

Trong 2 khóa gần đây, tỷ lệ nữ trong Quốc hội có xu hướng giảm. Ở khóa XI có 136 đại biểu nữ, đạt 27,31%, sang khóa XII giảm xuống còn 127 đại biểu với tỷ lệ 25,76% và khóa XIII tiếp tục giảm còn 122 đại biểu, tỷ lệ còn 24,40%.

Nguyên nhân không đạt tỉ lệ và số lượng đại biểu nữ “thích đáng” như luật định mà còn giảm sút thì có nhiều nhưng 2 nguyên nhân sau đây là chủ yếu: Một là, tuyệt đại bộ phận các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XII và khóa XIII đã không giới thiệu được số lượng nữ “thích đáng”. Hai là, công tác chỉ đạo ở một số tổ chức phụ trách công tác bầu cử chưa thật chặt chẽ, chưa rốt ráo; công tác kiểm tra, giám sát chưa thật cụ thể, tỉ mỉ đến từng cơ cấu và một số nữ ứng cử viên chất lượng không cao lắm.

Nghị quyết số 1135 ngày 19/2/2016 của UBTVQH về dự kiến số lượng, cơ cấu ĐBQH khóa XIV thì trong số 500 đại biểu gồm 198 đại biểu ở Trung ương và 302 đại biểu ở địa phương, nữ đại biểu 150 người (30%); tính theo định hướng thì đại biểu nữ ở Trung ương là 60 và ở địa phương là 90 người. Để bảo đảm bầu được 150 đại biểu nữ thì số ứng cử viên nữ phải có ít nhất 175 chị, trong đó ở Trung ương tối thiểu là 70 chị và địa phương ít nhất là 105 chị. Nữ ứng cử viên ở địa phương thì không lo về số lượng (vì theo kết quả hiệp thương lần thứ 3 ngày 14/4/2016 thì ở nhiều tỉnh, thành phố, nữ ứng cử viên đã đạt trên dưới 40%) nhưng phải rất chú ý đến chất lượng. Nữ ứng cử viên ở Trung ương, một phần nào đó có thể yên tâm về chất lượng nhưng lại rất đáng lo về số lượng, thực tế đã nói rõ (cũng theo kết quả hiệp thương lần thứ 3 thì nữ ứng cử viên ở Trung ương chỉ có 29 chị trên tổng số 197 ứng cử viên, bằng 14,72%). Vì vậy, bắt buộc phải có sự điều hòa giữa nữ ứng cử viên địa phương với nữ ứng cử viên ở Trung ương bằng cách bảo đảm hầu hết các nữ ứng cử viên ở địa phương đều có chất lượng cao.

Tuy nhiên, để thực thi nghiêm túc Luật bầu cử nói chung, Điều 8 nói riêng thì phải thực sự thực hiện bình đẳng giới. Có thể phải thực thi một số giải pháp cụ thể sau đây. Một là, ngoài những chức danh theo luật định, những nam giới đã nắm giữ các chức danh khác, nhất là các chức danh chính quyền thì không nhất thiết phải tham gia Quốc hội để rồi khi là đại biểu lại thường xuyên “để ghế trống” tại kỳ họp như Tổng Bí thư từng nói trong một số cuộc tiếp xúc cử tri ở Hà Nội vừa qua. Quốc hội trong công cuộc tiếp xúc đổi mới (theo tinh thần Đại hội XII của Đảng) đặt ra yêu cầu cấp thiết là từng đại biểu phải hoạt động ngày càng có hiệu quả cao chứ không thể chỉ là những “long trọng viên”. Hai là, khi đã lựa chọn đủ số lượng ứng cử viên là phụ nữ đủ tiêu chuẩn, có chất lượng rồi thì việc bố trí các ứng cử viên vào các đơn vị bầu cử phải bình đẳng, hợp lý (chấm dứt tình trạng “quân xanh, quân đỏ”). Các tổ chức bầu cử phải chỉ đạo thực hiện quyết liệt theo luật pháp. Ba là, Hội đồng bầu cử Quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban bầu cử ở địa phương và Mặt trận Tổ quốc các cấp phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tỉ mỉ, cụ thể và yêu cầu sửa đổi những bất hợp lý (nếu có). Bốn là, bản thân nữ ứng cử viên phải thể hiện cho được mình là người có phẩm chất, đạo đức; có năng lực, trí tuệ, có bản lĩnh vững vàng khi xuất hiện trước công chúng cử tri và phải có Chương trình hành động hợp lý, thiết thực.

Theo: Báo PNVN (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video