Bình đẳng giới nhìn từ góc độ văn hóa xã hội

19/06/2006
(Nguyễn Thị Oanh, Cử nhân Xã hội học, Thạc sỹ Phát triển Cộng đồng)

“Việt Nam so với nhiều nước đang phát triển khác được ca tụng nhiều về vị trí của phụ nữ trong chính trị với tỉ lệ phụ nữ rất cao trong các chức vụ dân cử từ quốc hội trở xuống và ở các cấp chính quyền. Trong lãnh vực kinh tế ngày càng có nhiều nữ doanh nghiệp lổi lạc.

Dù vậy trong đời thường, trong gia đình và đời sống xã hội tình hình không lạc quan bằng vì tàn dư của tư tưởng phong kiến vẫn còn đó. Trong đời sống gia đình, người phụ nữ thuộc mọi từng lớp đều gặp khó khăn. Ly hôn ngày càng tăng mà đa số nguyên đơn là phụ nữ và phần lớn các lý do là người chồng gia trưởng, bạo lực hay ăn chơi trác táng.

Ở giai cấp trung lưu người phụ nữ ngày càng đóng góp vào sự nghiệp kinh tế của gia đình. Họ khá vất vả phải lo toan từ chuyện  trong nhà tới ngoài xã hội. Nhưng sự thành công ngoài xã hội lắm khi lại dẫn tới mâu thuẫn.

Do chủ trương chung của Nhà nước về bình đẳng giới, do sự phát trịển kinh tế xã hội phụ nữ ngày càng được học lên, có công ăn việc làm và vị trí của họ ngoài xã hội đã thay đổi. Sự thay đổi này lắm khi lại khó cho người đàn ông trong gia đình chấp nhận. Tôi tạm gọi đây là “mặc cảm trụ cột”. Nhà chỉ có một cột trụ là người đàn ông, họ phải “hơn vợ một cái đầu” về mọi mặt. Cũng có vài chị em lên mặt lên mày khi thu nhập hay vị trí  cao hơn chồng. Nhưng phần lớn chị em rất tế nhị. Tại một cuộc họp nữ trí thức, một nhà khoa học nữ bộc bạch: “Lắm lúc tôi phải giả ngu để gia đình được êm ấm”.

Chị em phụ nữ trong từng lớp thấp và nghèo thì tình hình càng bi đát hơn. Mức độ bạo hành trong gia đình cao đến mức khó hiểu ở một nước cổ  xuý quyền con người và bình đẳng giới.

Phân tích từ góc độ văn hoá xã hội cho thấy một đàng phụ nữ được ăn học nhiều hơn, được độc lập về kinh tế, được nghe ngày càng nhiều về quyền của mình. Tất yếu kỳ vọng của họ cao hơn và mong muốn có cuộc sống khớp với những lý tưởng mà xã hội chủ trương. Đằng khác, người đàn ông với nhiều “đặc quyền đặc lợi” không mặc nhiên từ bỏ chúng. Một triết gia nói: “không ai tự dưng hy sinh quyền lợi của mình ngoại trừ chúng bị tước đi”. Do đó công cuộc giải phóng phụ nữ ít nhiều mang tính chất của một cuộc đấu tranh thầm lặng mà lắm khi chính đương sự cũng không ý thức. Đồng chí Trường Chinh đã nói:” Chỉ chính chị em phụ nữ mới tự giải phóng mình”.

Tóm lại, tại sao có sự chênh lệch giữa chính trị và đời thường trong bình đẳng giới? Đó là vì trong chính trị chỉ cần thi hành theo chính sách. Còn trong đời thường tư tưởng phong kiến gia trưởng đã ăn sâu từ thế kỷ này qua thế kỷ khác. Công tác tư tưởng rất khó mà chúng ta chỉ tuyên truyền, kêu gọi chung chung. Phương pháp gọi là “phân tích giới” trong các dự án phát triển kinh tế được thực hiện nhưng nó chưa nhạy bén đủ trong lãnh vực văn hoá tư tưởng. Tuyên truyền đại trà theo  kiểu nước đổ lá môn cũng không thấm vài đâu. Phải dùng những phương pháp có sự tham gia của đối tượng như thảo luận nhóm, sắm vai, phân tích tình huống người ta mới ngộ ra. Ngay cả ở các cơ quan ngôn luận cũng còn sót lại tư tưởng phong kiến.

Tôi xin trích một tình huống đăng trên báo. Liên - một cô sinh viên từ Hà nội vào sống với dì để đi học. Cô rất khổ vì bị ngưởi dượng lạm dụng tình dục. Nếu bỏ về Hà nôi thì không đi học được , mà về phải nói sao với cha mẹ đây? Ở lại với dì thì tiếp tục bị lạm dụng. Cô viết thư hỏi báo. Nhà "tư vấn" trả lời: chuyện này em phải sống để bụng chết mang theo. Nhất định không đuợc phá vỡ hạnh phúc của dì dượng. Như vậy là người đàn ông “lời” quá. Phạm tội hiếp dâm mà không bị tô cáo.

Vì tư tưởng trọng nam khinh nữ ăn rất sâu trong tâm khảm người Việt Nam nên giáo dục bình đẳng giới phải bắt đầu trong gia đình khi trẻ còn rất nhỏ khi sự phân biệt nam nữ đã hiện diện. Ví dụ bé trai thì chỉ biết học và chơi, còn chị hay em gái của em không chỉ phải lo việc nhà mà còn phải phục vụ  em. Phải tập cho bé trai chia sẻ việc gia đình để  lớn thành thói quen.

Trong giáo dục chuẩn bị hôn nhân hay giáo dục  sức khỏe sinh sản người ta có xu hường tập trung vào nữ giới. Lẽ ra phải rất chú tâm giáo dục thanh thiếu niên nam biết tôn trọng bạn gái, giữ gìn sức khoẻ sinh sản là trách nhiệm của cả đôi bên. Trong đại dịch HIV sự thiệt thòi của nữ giới thật to lớn vì người đàn ông không bảo vệ người bạn tình của mình.

Cũng không nên quên rằng chỉ nam giới mới có tư tưởng phong kiến. Chính phụ nữ cũng có ý tưởng trọng nam khinh nữ vì họ cũng là sản phẩm của xã hội.

Hy vọng nam giới trẻ sẽ góp phần làm thay đổi tình hình bằng cái nhìn mới mẻ hợp thời hơn”.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video