Cần lắm một vòng tay

09/12/2013
Việt Nam, phụ nữ và trẻ em vẫn là nhóm dễ bị tổn thương và chịu nhiều ảnh hưởng của HIV, số phụ nữ bị nhiễm mới đang tăng. Nhiều người trong số họ đã mất, nhiều người vẫn phải bươn chải mưu sinh giữa khó khăn, đói khổ, vẫn phải sống giữa sự kì thị, xa lánh, phân biệt đối xử của họ hàng, làng xóm. Họ cần lắm một vòng tay đồng cảm, chia sẻ và giúp đỡ.

Những mảnh đời bất hạnh

Chị Liên quê ở Mỹ Đức, Hà Nội. Sáu năm trước, chồng chị ra đi vì căn bệnh thế kỉ HIV/AIDS, để lại cho chị 3 đứa con thơ dại, đứa bé nhất chưa tròn một tuổi. Cuộc sống vốn đã khó khăn, thiếu thốn trăm bề đối với 4 mẹ con côi cút càng trở nên ảm đạm, đau khổ hơn khi chị phát hiện ra bản thân và con út đã bị lây nhiễm bệnh. Sức khỏe của hai mẹ con nhanh chóng giảm sút, càng ngày càng yếu. Hiện một bên mắt của chị đã hỏng hẳn, một bên chỉ còn nhìn thấy lờ mờ, bị đủ thứ bệnh tật giày vò do bị nhiễm trùng cơ hội. Cháu út cũng thường xuyên ốm đau, tiêu chảy, lở loét khắp người. Mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày của mẹ con chị dựa vào số tiền chị được nhận trợ cấp. Đau khổ càng nhân lên khi đứa khi con gái lớn của chị bỏ nhà đi không rõ tin tức, con gái thứ hai phải nghỉ học vào Sài Gòn làm giúp việc nhằm giảm bớt gánh nặng cho mẹ. Cái chết cận kề, các con đứa còn nhỏ dại bệnh tật, đứa lưu lạc, đứa phải xa nhà lo kiếm sống càng làm cho chị khổ tâm, day dứt…

Hoàn cảnh của cháu Huyền ở Kim Sơn, Ninh Bình cũng khiến nhiều người xót xa. Huyền mới 16 tuổi nhưng đã phải gánh vác gia đình, thay bố mẹ chăm sóc hai em, em trai 9 tuổi còn em gái 4 tuổi. Mẹ Huyền đã mất vì AIDS khi mới sinh em Thoa - cũng bị nhiễm HIV giống bố mẹ, bố đi tù về tội trộm cắp tài sản. Huyền đang tuổi lớn nhưng chỉ nặng có 37kg, dáng nhỏ bé, gầy gò, cháu phải làm tất cả mọi việc từ việc nấu cơm, giặt giũ quần áo, đưa đón các em đi học, lo cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ. Ngoài ra cháu thỉnh thoảng nhận thêm việc đan lát thủ công, thu nhập hàng tháng chỉ khoảng 50.000 đồng. Bữa ăn của ba chị em không có gì ngoài cơm và rau hái được ở ngoài vườn, nhiều khi cả tháng chẳng có thịt cá. Đói khổ là vậy nhưng các cháu rất thương yêu nhau. Có người ngỏ ý nhận cháu Huyền và em trai làm con nuôi còn em Thoa về ở với ông bà nội nhưng các cháu không đồng ý vì không nỡ rời xa nhau. Huyền bảo “nếu cháu và em trai đi thì chúng cháu sẽ sướng nhưng em Thoa lại khổ. Chúng cháu ở với nhau còn chăm sóc được cho em, chị em cháu rau cháo có nhau miễn sao em Thoa được khỏe mạnh không bị ốm, không phải đi bệnh viện là chị em cháu vui lắm rồi”. Bây giờ, Huyền chỉ có một mong ước nhỏ bé là các em khỏe mạnh, em trai được hỗ trợ tiền học phí để không phải bỏ học, em Thoa được chữa bệnh và chờ ngày bố ra tù.

Chị Liên, cháu Huyền chỉ là hai trong số hàng vạn, hàng triệu phụ nữ, trẻ em Việt Nam bất hạnh bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Nhiều người trong số họ đã mất, nhiều người vẫn phải bươn chải mưu sinh giữa khó khăn, đói khổ, vẫn phải sống giữa sự kì thị, xa lánh, phân biệt đối xử của họ hàng, làng xóm. Họ cần lắm một vòng tay đồng cảm, chia sẻ và giúp đỡ.

Một vòng tay, một tấm lòng

Từ nhiều năm nay, việc tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em có HIV được chăm sóc tốt hơn về cả vật chất và tinh thần, lấy lại niềm tin để họ thật sự sống có ích là mong muốn và cũng là trăn trở của các cấp Hội LHPN Việt Nam. Công tác tuyên truyền được Hội đặc biệt chú trọng, đẩymạnh bằng nhiều hình thức phong phú như tập huấn, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt chi, tổ phụ nữ, CLB phụ nữ, sinh hoạt nhóm nhỏ cặp vợ chồng… Các cấp Hội phối hợp với cơ sở y tế địa phương tổ chức chiến dịch tuyên truyền kiến thức phòng, chống HIV/AIDS, chú trọng tới các địa bàn có đông người đi làm ăn xa, các khu du lịch, những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao. Ở các xã có đông người nhiễm HIV/AIDS, Hội LHPN phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ những người bị lây nhiễm, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao; vận động thành lập các mô hình, CLB dành cho người có H và gia đình họ. Nhiều CLB đã phát huy tốt vai trò, có ý nghĩa tích cực như CLB “Khát vọng tình thương” ở Kim Sơn, Ninh Bình, “Hoa hướng dương” ở Mỹ Đức, Hà Nội, CLB “Đồng cảm” ở Nam Định…

Đặc biệt, từ năm 2009, TW Hội LHPN Việt Nam đã khai trương mô hình “Mái ấm tình thân” nhằm hỗ trợ phụ nữ, trẻ em sống chung và ảnh hưởng bởi HIV, xây dựng kết nối mạng lưới các nhóm Tự lực, CLB người sống chung và ảnh hưởng bởi HIV, người dân sinh sống tại địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trong thời gian hoạt động, Mái ấm đã giúp hàng nghìn chị em tiếp cận chuyển gửi đến dịch vụ y tế, xã hội, pháp lý; tư vấn kiến thức về HIV như chăm sóc trẻ em có HIV hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV, tư vấn trước và sau xét nghiệm tự nguyện (có hành vi nguy cơ), dự phòng lây truyền từ mẹ sang con...; cung cấp dịch vụ nghỉ đêm miễn phí cho phụ nữ và trẻ em khi đến Hà Nội khám, xét nghiệm, lấy thuốc ARV... ; hỗ trợ dinh dưỡng; truyền thông nâng cao nhận thức, giảm kỳ thị cho cộng đồng... Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo tạo sân chơi, cung cấp kiến thức, làm cầu nối giúp chị em có H được gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin, động viên nhau cùng cố gắng; tổ chức tặng quà cho các chị em và các cháu nhân Ngày Gia đình Việt Nam, Trung thu, Ngày Phụ nữ Việt Nam…

Chị Xuân (Ninh Bình) – một khách hàng thường xuyên của Mái ấm cho biết: Ý nghĩa lớn nhất của mô hình này là giúp cho nhiều chị em có HIV vượt qua mặc cảm, dần lấy lại sự tự tin, vui vẻ trong cuộc sống, phấn đấu hòa nhập với cộng đồng. Bên cạnh đó, được tập huấn, cung cấp kiến thức, các chị lại về tuyên truyền tại địa phương tăng cường nâng cao nhận thức cho cộng đồng; tổ chức giúp đỡ những người có H khác. Là thành viên kì cựu của Mái ấm, chị Xuân cũng như nhiều chị em khác đã giới thiệu mô hình Mái ấm đến với nhiều chị em bất hạnh để được trợ giúp. Như trường hợp của chị em Huyền, mỗi lần đưa em Thoa đi lấy thuốc điều trị ARV tại bệnh viện tỉnh Ninh Bình, ba chị em lại nhờ các bác, các cô, các chú trong CLB “Khát vọng tình thương” đưa đi. Ba chị em cũng nhận được sự hỗ trợ gói dinh dưỡng từ Mái ấm tình thân. Nhờ sự cưu mang của bà con hàng xóm, của Mái Ấm tình thân và của các cô chú trong CLB mà chị em Huyền được như ngày hôm nay. Tuy cuộc sống còn thiếu thốn, khó khăn vất vả nhưng chị em Huyền vẫn cố gắng chờ ngày bố về đoàn tụ gia đình.

Mong rằng, sẽ có thêm nhiều vòng tay, nhiều tấm lòng nhân ái nữa đến với chị em và những người có H, để họ có thể vượt lên trên số phận, hạnh phúc trong cuộc sống.

Tên các nhân vật trong bài viết đã thay đổi.

Phạm Hồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video