Cảnh giác trước các hoạt động quảng bá thuốc lá trá hình

31/05/2006
Tuần lễ quốc gia không thuốc lá năm nay có chủ đề “Thuốc lá, mối nguy hiểm dưới mọi hình thức”. Bài viết dưới đây đề cập đến các biến tướng của việc quảng cáo, tiếp thị thuốc lá hiện vẫn tồn tại một cách tinh vi.

Việt Nam đang tham gia tích cực Công ước khung Quốc tế phòng chống tác hại thuốc lá (FCTC), trong đó đặc biệt quan tâm điều 13 quy định cấm toàn diện việc quảng cáo, tài trợ và khuyến mại thuốc lá. Trong Nghị quyết 12/2000 của Chính phủ cũng quy định rõ cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá dưới mọi hình thức. Cấm quảng cáo thuốc lá cũng được quy định cụ thể trong Thông tư hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Quảng cáo của Bộ VH-TT. Tuy nhiên trên thực tế hoạt động quảng cáo, khuyến mại và tài trợ từ các hãng thuốc lá vẫn còn phổ biến. Họ thay đổi cách quảng bá, đánh bóng thương hiệu của mình một cách tinh vi không dễ gì nhận ra nhằm tiếp cận, tác động và lôi kéo khách hàng, đặc biệt là giới trẻ.

Một số tờ báo không biết vô tình hay hữu ý đã đưa ra những bản tin tạo thêm thanh danh cho các nhà máy thuốc lá. Cách đây hai năm, một tờ báo có chỉ số phát hành cao thuộc loại nhất, nhì trong nước đã đưa bản tin: “Nhà máy thuốc lá Sài Gòn kỷ niệm 75 năm thành lập… Chỉ tính năm 2004, nhà máy này đã đạt tổng sản lượng trị giá 3.367 tỉ đồng, nộp ngân sách 180 tỉ đồng”. Một tờ báo khác đăng bài “Kỹ thuật sấy thuốc lá vàng” kèm theo lô gô của BAT và Vinataba. Một trang quảng cáo trên báo xuân Ất Dậu năm (2005) của báo Sài Gòn giải phóng đăng chúc mừng năm mới kèm theo lô gô nhà máy BAT. Những chương trình khuyến mãi của BAT với cơ hội trúng thưởng ô tô, ti vi vẫn được tuyên truyền rầm rộ…

Một hình thức quảng bá thuốc lá khác nấp dưới danh nghĩa “tài trợ” cũng đang rộ lên. Từ năm 2001 Công ty thuốc lá Philip Morris tài trợ dự án dự phòng thuốc lá ở giới trẻ với tên gọi “Hãy tự khẳng định mình” nhằm giáo dục trẻ vị thành niên trong trường học bảo vệ môi trường học đường, dự án này do Hội LHTN thành phố Hà Nội và Hội LHTN thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận thực hiện. Tuy nhiên, cuối năm 2005 Bộ Y tế phối hợp với Trung ương Đoàn và Bộ GD-ĐT đình chỉ hoạt động tài trợ này. Hoặc như dự án “Các dịch vụ công cộng và hỗ trợ nhân đạo” do Hội Chữ thập đỏ nhận tài trợ 300 triệu đồng của hãng Philip Morris với các nội dung tuyên truyền HIV/AIDS, tuyên truyền sơ cấp cứu giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai và xây nhà tình thương cho hộ nghèo…

Hiện nay vẫn còn nhiều cơ quan nhà nước, nhiều tổ chức vì cái lợi trước mắt mà quên đi thiệt hại lâu dài là sức khỏe của cộng đồng đã không thực hiện nghiêm túc các chính sách kiểm soát thuốc lá theo quy định của Nhà nước. Vì vậy các cơ quan chức năng cần phải cương quyết hơn trong việc kiểm soát các hình thức quảng bá, tài trợ cho thuốc lá. Trước hết, cần thực thi các chế tài xử lý các vi phạm về cấm mọi hình thức quảng cáo, khuyến mại và tài trợ của các công ty thuốc lá. Giám sát chặt chẽ các tài liệu nội bộ của công nghiệp thuốc lá và các nguồn tin từ các cơ quan thông tin đại chúng, kiên quyết không giúp các công ty thuốc lá quảng bá thương hiệu thuốc lá...

Phan Văn Hớn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video