Chặng đường dài giành quyền bình đẳng cho phụ nữ

21/12/2009
Năm nay, cả thế giới tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ra đời của Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và 10 năm Nghị định thư Bổ sung của Công ước CEDAW. Đến nay, đã có 186 nước quốc gia thành viên phê chuẩn Công ước CEDAW và 98 nước phê chuẩn Nghị định thư Bổ sung. Người ta ngày càng thừa nhận sự đúng đắn của CEDAW vì đây là những cơ sở pháp lý quan trọng cho chương trình hoạt động của các nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, của bản thân phụ nữ nhằm bảo đảm nhân cách, phẩm giá, các quyền con người cơ bản, quyền bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ, cải thiện và nâng cao địa vị của người phụ nữ trong xã hội hiện nay.

Lịch sử đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ đã trải qua chặng đường dài kể từ khi phụ nữ tham gia những cuộc tuần hành trong Phong trào Vận động Quyền bầu cử của phụ nữ vào thế kỷ 19. Một trong những bước tiến quan trọng của thế giới trong thế kỷ 20 là sự ra đời Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW) ngày 18/12/1979 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 3/12/1981. CEDAW đảm bảo đầy đủ sự công bằng cho phụ nữ, thể hiện qua những quy định cụ thể trong Công ước, bao gồm hệ thống luật pháp, quyền bầu cử, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, việc làm, các quyền cơ bản của con người. CEDAW cũng yêu cầu các quốc gia cần tiến hành các biện pháp chống lại nạn buôn bán, bóc lột phụ nữ và trẻ em gái đang diễn ra khá phổ biến.

Thêm vào đó, Công ước cũng là văn bản pháp lý quốc tế duy nhất về quyền con người nêu ra vấn đề quyền sinh sản của phụ nữ, vấn đề văn hoá và truyền thống có ảnh hưởng đến việc hình thành vai trò về giới vàvấn đề phụ nữ có quyền nhập, giữ hoặc thay đổi quốc tịch của họ và con cái nếu họ muốn. Việc thực hiện CEDAW trong 30 năm qua đã tạo ra những chuyển biến tích cực, đạt được một số thành tựu đáng kể trong nhận thức và thực tiễn, góp phần quan trọng vào việc cải thiện vai trò của phụ nữ tại nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh Công ước CEDAW, Cương lĩnh hành động Bắc Kinh ra đời năm 1995 đóng vai trò như một khuôn khổ định hướng cho việc đảm bảo bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ ở cả trên các lĩnh vực công và tư, với các cơ quan nhà nước và ngoài nhà nước.

Trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, vai trò của phụ nữ ngày càng được nêu cao. Khi được quyền bình đẳng tham gia vào tất các các hoạt động xã hội, người phụ nữ tỏ rõ là một lực lượng không thể thiếu trong sự phát triển, thậm chí có người còn cho là trong tương lai, phụ nữ sẽ "quyết định sự phát triển của xã hội". Theo báo cáo của LHQ về hoàn cảnh của phụ nữ tại 5 lục địa, sự tiến bộ của xã hội và kinh tế sẽ mau chóng hơn nếu người ta ưu tiên phụ nữ. Sự tham gia của phụ nữ vào những cơ cấu hệ trọng sẽ cho phép xã hội thay đổi cách nhìn và có những sự lựa chọn hữu ích hơn. Có 10 quốc gia đứng đầu về số phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực kinh tế và chính trị được LHQ bình chọn là Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, New Zealand, Hà Lan, Mỹ, Áo và Italia.

Tuy nhiên, theo Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), sự phủ nhận các quyền con người cơ bản của phụ nữ vẫn còn dai dẳng và trên quy mô rộng. Hiện nay ở nhiều nước Arập, phụ nữ vẫn chưa được quyền bầu cử. Vẫn có 41 nước, đa số là các nước Arập và Hồi giáo (thuộc châu Á và châu Phi), không ký Công ước CEDAW. Tại nhiều nơi, phụ nữ và nam giới không hoàn toàn bình đẳng trước pháp luật, như một phụ nữ Saudi Arabia hoặc Iran không thể đi du lịch nếu không được chồng ưng thuận.

Cũng theo thống kê của LHQ, 70% người nghèo khổ trên thế giới (tổng số lên tới 1,3 tỷ) là phụ nữ và tỷ lệ này còn gia tăng. 60% trong số 130 triệu trẻ em không được cắp sách tới trường là các bé gái. Trong số 900 triệu người mù chữ trên thế giới có 2/3 là phụ nữ. Cứ 3 phụ nữ thì có 1 là nạn nhân của bạo lực gia đình. Mặc dù các nhà cầm quyền tại các nước châu Phi đã đưa ra những cam kết về bình đẳng giới, nhưng thực tế cho thấy rằng một bộ phận lớn phụ nữ châu Phi - chiếm hơn 51% dân số, đóng góp hơn 60% vào sự phát triển kinh tế của các quốc gia nhưng họ vẫn không được hưởng quyền bình đẳng như nam giới trong mọi lĩnh vực. Các quyền cơ bản của phụ nữ không được tôn trọng, bạo lực đối với họ vẫn diễn ra thường xuyên, sự tiếp cận với giáo dục và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ vẫn bị hạn chế.

Báo cáo mới nhất của LHQ cho thấy, mỗi năm, tại các nước đang phát triển có tới 500.000 nghìn phụ nữ chết trong quá trình mang thai và sinh nở vì những lý do mà hoàn toàn có thể tránh được. Phụ nữ và trẻ em đang trở thành đối tượng bị lạm dụng tình dục, bị bạo hành không chỉ ở những nước có xung đột, mà còn ở các nước phát triển cao như Mỹ hay châu Âu. 

LHQ đang đối mặt với nguy cơ không thực hiện được các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, mà nguyên nhân chính, theo nhiều nhà hoạt động xã hội, là do đã xem nhẹ vai trò của phụ nữ. Bà Widney Brown, Giám đốc cấp cao phụ trách chính sách tại Tổ chức Ân xá quốc tế, cho rằng trao quyền cho phụ nữ là một mục tiêu dài hạn hơn, nhưng là “điều kiện tiên quyết” để đảm bảo thành công. Trong khi đó, bà Brita Fernandez Schmidt, Giám đốc các chiến dịch của Tổ chức Phụ nữ vì phụ nữ”, nói rằng cuộc chiến bình đẳng giới sẽ là đặc trưng của thế kỷ 21. Cộng đồng quốc tế cần cùng chung tay thiết lập một môi trường có lợi và khuyến khích việc tăng phúc lợi cho phụ nữ và trẻ em, đảm bảo ghi nhận tất cả các quyền, đặc biệt là quyền của phụ nữ và trẻ em.

NGỰ BÌNH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video