Chị Thịnh và sản phẩm chiếu tre Hồng Thịnh

17/04/2009
Từ cây tre mai, đã có không ít cơ sở sản xuất, chế biến thành những sản phẩm hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao. Chị Phạm Thị Thịnh (ảnh), thôn Chè Tám, xã Lưỡng Vượng (thị xã Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) mua mảnh hạt của cơ sở sản xuất chiếu tre về đan thành chiếu, nâng giá trị hàng hóa lên 13,5 lần so với giá trị nguyên liệu.

Trước đây, chị là công nhân trại bò sữa Đức Linh. Sau khi trại bò giải thể, chị Thịnh về làm việc và học nghề tại cơ sở sản xuất Lâm Giang, thuộc xã Xuân Vân (Yên Sơn). Nhờ chịu khó học hỏi và có đôi bàn tay khéo léo, chị sớm trở thành người thợ đan chiếu tre giỏi. Sau khi thạo việc đan chiếu, chị Thịnh được công ty phân công dạy nghề cho những người thợ trẻ. Tuy nhiên, do nhu cầu sản xuất của công ty, cần có số lượng sản phẩm lớn nên khâu đan chiếu đã được chuyển về Hà Tây. Do đó, cơ sở sản xuất chiếu tre Lâm Giang sản xuất ra sản phẩm chỉ là những mảnh hạt tre (bán thành phẩm).

Để giữ lấy nghề, chị Thịnh xin nghỉ việc và hợp đồng với công ty mua sản phẩm trên đem về nhà đan thành chiếu và tiếp thị quảng bá sản phẩm với cái tên chiếu tre Hồng Thịnh. So với hàng nhập ngoại, chiếu tre Hồng Thịnh không mỹ miều bóng bẩy, sặc sỡ và không có hóa chất gây nguy hại đến sức khoẻ con người. Thay vào đó là những hoa văn hình quả trám, hoa thị, hình trái tim, chữ song hỷ và chữ lồng theo yêu cầu đặt hàng của khách. Tuy đơn giản vậy, nhưng đó là sự chắt chiu mồ hôi công sức và trí tuệ của chị. Dân quanh vùng rất mến mộ hàng chiếu tre Hồng Thịnh. Bình quân mỗi tháng chị bán ra thị trường được trên 30 sản phẩm. Mỗi chiếu rộng 1,5m, dài 1,9 m, có trọng lượng 10 kg, giá bán từ 270.000 đồng đến 320.000 đồng/chiếc. Với 1 tấn mảnh hạt (giá 13 triệu đồng/tấn), chị Thịnh đan được 100 chiếc chiếu, bán thu được khoảng 29 triệu đồng, gấp 2,3 lần giá bán thành phẩm. Theo chị Thịnh, nhập hạt chiếu tre về không phân loại mà đan ngay, giá bán chỉ đạt 270.000 đồng/chiếc. Nhưng nếu bỏ công phân làm 3 loại: hạt có vân, hạt trắng trơn và loại hạt nhỏ, để đan và bán hàng theo loại, thì doanh thu tăng lên 1,2 lần. Nghề đan chiếu tre có 4 cung đoạn là phân loại hạt, cắt nhựa, vào diềm và đan, nhưng khâu vào diềm đòi hỏi kỹ thuật cao nhất. Vì đó là khuôn hình cơ bản để tạo chiếc chiếu thẳng, phẳng và bảo đảm đúng kích thước. Theo nhu cầu, chị Thịnh đã hướng dẫn truyền nghề cho 3 hộ.

Cơ sở đan chiếu tre Hồng Thịnh mới đi vào hoạt động được 1 năm, tạo việc làm cho 3 đến 5 lao động, truyền nghề cho 3 hộ dân trong xóm, doanh thu đạt 67 triệu đồng/năm. Chị Thịnh cho biết, trong thời gian tới, cơ sở sẽ tổ chức dạy nghề cho bà con trong xã, cải tiến mẫu mã cho phù hợp thị hiếu khách hàng và tăng cường công tác tiếp thị để tiêu thụ sản phẩm.

Theo báo Tuyên Quang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video