Chiếc cầu nối văn hoá trong quan hệ Thái Lan - Việt Nam

26/06/2006
Tháng 3 vừa qua, với cuốn “Việt kiều Thái Lan trong mối quan hệ Thái Lan - Việt Nam”, tiến sĩ Thanyathip Sripana đã được Đại học Chulalongkorn, Thái Lan, trao giải công trình nghiên cứu xuất sắc trong năm.

Với 6 chương, cuốn sách giới thiệu về cuộc di cư của người Việt Nam vào Thái Lan, đời sống của Việt kiều Thái Lan và vai trò của Việt kiều với mối quan hệ hai nước. Đặc biệt, tác giả dành một phần viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và quãng thời gian hoạt động cứu nước của Người tại Thái Lan.

 

Ban Biên tập xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của tác giả Dương Tuấn Hoa về chị Thanyathip Sripana cũng như tấm lòng của những Việt kiều Thái Lan hướng về Tổ quốc.

 

Tôi tình cờ gặp chị Thanyathip Sripana tại nhà anh Trần Đình Lưu, tác giả cuốn "Việt kiều Lào - Thái với quê hương". Chị nói tiếng Việt khá tốt, có chữ nào khó diễn đạt lại nhờ anh Lưu dịch hộ. Biết tôi đã từng viết bài về Thái Lan, như về những ngày Bác Hồ hoạt động ở miền Đông Bắc Thái Lan năm 1928, chị rất vui.

 

Chúng tôi trao đổi về chủ đề mà chị đang nghiên cứu “Những người Việt Nam ở Thái lan là một chiếc cầu nói văn hoá rất quan trọng trong quan hệ hai nước Thái Lan - Việt Nam". Tiến sĩ Thanyathip Sripana nói: “Rất có thể nhiều người không biết rằng, hiện có khá đông người Việt Nam sinh sống ở Thái Lan. Có tài liệu cho rằng: Cộng đồng người Việt đã có mặt ở Ayuthaya vào thế kỉ XVII, nhưng cũng có thể sớm hơn.Nhưng chưa có những bằng chứng đủ sức thuyết phục để khẳng định điều đó".

 

Chị đặc biệt quan tâm những cuộc di cư lớn của người Việt vào Thái Lan trong và sau chiến tranh thế giới thứ hai, khi mà họ vượt sông Mê Công đến vùng Đông Bắc Thái Lan để thoát khỏi sự đàn áp vũ trang của Pháp ở Lào. Nếu tính từ đó, họ đã có sự gắn bó ngót 6 thập kỉ với đất nước Thái Lan.

 

Những người Việt và người Lào vượt sông Mê Công đã nhận được sự giúp đỡ của người "Việt cũ” như nơi ở, quần áo, thuốc men và các vật dụng thiết yếu khác. Cuộc sống của “người Việt mới" này lúc đó hết sức khó khăn, họ ở trong tầng hầm nhà của người Việt cũ và người Thái. Nhờ tính cần cù, tiết tiệm, sự đoàn kết cộng đồng giữa những người Việt Nam cũ và mới, chỉ sau một thời gian ngắn, họ đã thành công trong bước đầu xây dựng cuộc sống mới, ngày một tốt đẹp hơn.

 

Chị Sripana, anh Lưu và tôi nhắc lại bao sự kiện nói lên nỗi thăng trầm trong đời sống của Việt Kiều ở Thál Lan, do nhiều yếu tố gây nên. Nhưng, cả ba chúng tôi đều phấn khởi về sự phát triển hiện nay của mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Thái Lan. Một trang mới của quan hệ Thái - Việt đã được bắt đầu vào đầu năm 1990 với các chuyến thăm của Thủ tướng hai nước. Sự phát triển này cũng mở ra thời kỳ mới và cuộc sống tốt đẹp hơn của những người Việt Nam ở Thái Lan. Người Việt Nam đã trở thành "chiếc cầu” văn hoá và kinh tế giữa hai nước. "Chiếc cầu” này sẽ ổn định hơn nếu người Việt Nam được chính quyền và các cơ quan an ninh Thái đối xử đúng đắn và công bằng trước pháp luật, chị Srippana cho biết.

 

Dù sinh sống ở Thái Lan, các Việt kiều vẫn duy trì truyền thống văn hoá Việt Nam thông qua việc ăn Tết Nguyên đán, thờ cúng tổ tiên, sống tiết kiệm, giản dị, tuân thủ pháp luật như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn trong những ngày tháng hoạt động ở Thái Lan.Mọi người đều cảm nhận rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân vật được người Việt Nam ở Thái Lan kính trọng sâu sắc, thể hiện đặc biệt qua việc thờ ảnh và tượng của Người. Sự giao tiếp bằng tiếng Việt giữa người Việt Nam thuộc mọi thế hệ được duy trì. Các món ăn Việt Nam được giữ gìn, áo dài được sử dụng vào những dịp lễ hội, Tết nguyên đán hoặc các sự kiện lớn. Đầu năm 2004 Việt kiều ở Thái đã xây dựng Làng Hữu nghị Thái - Việt ở Ban Nan Chok (còn gọi là Bản May), tỉnh Nakhon Phanom, nhằm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là một trong những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh thỉnh thoảng cư ngụ khi hoạt động ở Thái Lan. Người đã giúp đỡ mở trường học cho trẻ em trong làng, đã giảng dạy cho thanh niên Việt Nam ở đây về ý thức dân tộc, đạo đức và cách hành xử đúng đắn trong xã hội Thái bằng việc tôn trọng văn hoá Thái và chấp hành luật pháp Thái, giúp Việt kiều nâng cao nhận thức về tình hình thế giới và Việt Nam lúc đó. Làng Hữu nghị Thái - Việt này là một bảo tàng được dựng lên để tỏ lòng trân trọng lãnh tụ Hồ Chí Minh, như một sự chứng thực cho quan hệ tốt đẹp giữa hai nước

 

Nhiều Việt kiều thuộc các thế hệ đã nói với chị Sripana rằng ý thức của họ thuộc về cả hai bà mẹ Việt Nam và Thái Lan: Việt Nam là bà mẹ sinh ra họ, còn Thái Lan là bà mẹ nuôi nấng họ.

 

Tôi chân thành cảm ơn Tiến sĩ Th. Sripana qua câu chuyện của mình, đã phác hoạ cho chúng tôi những hiểu biết mới về cộng đồng người Việt trên đất nước chị - qua đó, cho thấy những triển vọng tốt đẹp trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan.

 

Tạp chí Hữu Nghị

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video