Chính sách đối ngoại góp phần đáng kể vào sự đổi mới đất nước

17/03/2006
Một chuyên gia về Châu á - Thái Bình Dương của trường Đại học Leeds ở Anh tuyên bố, thành công trong quá trình đổi mới ở Việt Nam là nhờ một phần lớn ở những thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Trong bài viết có tựa đề “Việt Nam và khu vực Châu á- Thái Bình Dương: những cơ hội và thách thức”, tiến sĩ Joren Dosch cho rằng chính sách đối ngoại độc lập và rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá và hội nhập là một phần quan trọng của chính sách đổi mới sau khi Đại hội Đảng lần thứ 6 khởi xướng quá trình đổi mới vào tháng 12/1986.

 

Tiến sĩ Dosch, tác giả của gần 40 cuốn sách và bài viết về quan hệ quốc tế và đời sống chính trị ở Đông Nam á nhắc lại việc tháng 8/1998 Bộ Chính trị TW Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra Nghị quyết số 13 về chính sách đối ngoại đa dạng hoá, đa phương hoá và chính sách này tiếp tục được phát triển khi Đại hội Đảng lần thứ 7 tuyên bố rằng Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới.

 

Do nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chiến tranh, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm tận dụng các cơ hội để thiết lập lại các mối quan hệ quốc tế nhằm biến Việt Nam thành một nước có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế và góp phần phát triển đất nước.

 

Tiến sĩ Dosch đã viết: chính sách đối ngoại mới của Việt Nam đã tạo điều kiện cho quan hệ ngoại giao của Việt Nam phát triển nhanh. Không một quốc gia nào ở Châu á - Thái Bình Dương đạt được tiến độ nhanh như Việt Nam trong việc đa dạng hoá quan hệ ngoại giao kể từ sau chiến tranh lạnh. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 23 nước vào năm 1989, năm 2004 tăng lên đến 167 nước.

 

Năm 1995 đã đánh dấu 3 thành công lớn của Việt Nam: gia nhập ASEAN, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ và ký hiệp định khung với EU.

 

Vai trò của Việt Nam trong ASEAN, APEC, tiểu vùng Mê Công và ASEM và vai trò của Việt Nam với tư cách quan sát viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là những ví dụ điển hình. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến quan trọng tại các diễn đàn đa phương ở khu vực Châu á - Thái Bình Dương.

 

Tiến sĩ Dosch nói cho rằng những thay đổi thành công và nhanh chóng trong chính sách đối ngoại đã góp phần giúp Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN sớm hơn dự định.

 

Các thành phần chính trị tham gia vào hoạt động ngoại giao được mở rộng. Quốc hội có thêm ảnh hưởng trong việc xây dựng chính sách, luật pháp mang tính quyết định hơn và các bộ trưởng chịu trách nhiệm lớn hơn về vai trò lãnh đạo của mình.

 

Tiến sĩ Dosch cho rằng thành công trong cải cách cơ cấu kinh tế đã tạo ra tầng lớp doanh nhân những người vận động Đảng và Nhà nước đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế thế giới và áp dụng những quy định về đầu tư và thương mại thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân.

(Theo VNA)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video