Cô bộ đội lái xe năm ấy

05/06/2019
Đường Trường Sơn, đạn bom cày ngang, xới dọc rồi băm nát đến không còn nổi một tấc đất lành. Nhưng trên những cung đường khốc liệt ấy, mảnh dẻ những dáng hình thiếu nữ, lọt thỏm trong chiếc xe tải kềnh càng đã vạch một nét son độc đáo và diệu kỳ vào những trang sử chống Mỹ cứu nước của cả dân tộc.

Đúng dịp kỷ niệm tròn sáu thập kỷ con đường huyền thoại, tôi tìm gặp lại “cô bộ đội lái xe” Nguyễn Thị Kim Quy, một trong 45 thành viên của Trung đội lái xe quân sự mang tên Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Hạnh năm xưa. Ngày đầu ôm vô lăng dọc ngang tuyến lửa, bà mới 21 tuổi...

Cái buồng lái là buồng con gái

Sẽ thật khó để tìm thấy nét tương đồng - giữa vẻ bề ngoài có phần nam tính, cung cách bỗ bã, ngang tàng mà người đời thường mặc định cho những nữ lái xe vận tải hạng nặng với người phụ nữ 72 tuổi đẹp dịu dàng, vóc dáng mảnh mai, nói năng nhỏ nhẹ đang ngồi trước mặt tôi. Cũng thật khó để hiểu vì sao, một cô gái trẻ được đồng đội gọi bằng biệt danh Quy “lai” (vì sở hữu nét đẹp lai Tây) hay Quy “nhè” (vì rất hay khóc) lại có thể kiên cường qua lại những trọng điểm đánh phá ác liệt nhất như Cổng Trời, Khe Tang, Khe Ve, Ngã ba Đồng Lộc... mà không một lần mảy may sợ hãi. Nhưng đúng như lời thơ trong tác phẩm Niềm tin có thật mà nhà thơ Phạm Tiến Duật đã dành tặng trung đội nữ lái xe anh hùng này, “đất nước mình nhiều điều giản dị/ ai chưa tin sẽ phải tin thôi”.

Là chị cả trong một gia đình có truyền thống mang mầu xanh áo lính, bà tự hào kể tôi nghe về người cha từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và về hai cậu em trai đã lên đường cầm súng trong chiến tranh biên giới phía bắc sau này. Tuổi 18, trọng lượng chỉ 45 kg, bà giấu cả nhà xung phong nhập ngũ. Nhờ hai túi áo đại cán được nhồi chặt vài cân sỏi đá, bà trúng tuyển vào lực lượng thanh niên xung phong. Sau ba năm trời lăn lộn chung tay cùng đồng đội xây dựng sân bay Yên Bái, cô gái trẻ lại chọn tiếp tục đi bộ đội, thay vì phục viên.

Ba đợt tuyển, mỗi đợt 15 người, Trung đội nữ lái xe Đặng Thị Hạnh đã đầy đủ quân số. “Một tháng rưỡi chỉ dành cho việc học lái, lý thuyết trang bị qua loa và không cần biết đến... luật giao thông”, những cô gái phải làm quen với vô-lăng, chân ga, chân phanh ngay trên địa hình thực địa, từ đường 15 sang đường 20 Quyết thắng.

Ký ức về tập thể 45 đồng đội năm xưa vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của bà, với những biệt danh không thể lẫn lộn. Thanh “vại” - vì hoàn cảnh chiến tranh kham khổ là thế mà vóc người cứ ngày một tròn như cái vại. Vân “hoa lá” - vì trên buồng lái, dù đạn bom cày xới 24/24, lúc nào cũng khoe sắc một nhánh lan rừng. Trinh “điếc” - nghe bom nổ nhiều quá đến điếc đặc cả hai tai. Phàn “còi” vì cân nặng hiếm khi vượt nổi bốn chục kí lô. Ánh “người thứ 41” vì cao lớn như “bà Liên Xô”, Vân “bệ hạ” vì dáng đi dáng đứng luôn khệnh khạng “thấy ghét”... Và lẽ dĩ nhiên, có bà - Quy “nhè”, chỉ cần bị đồng đội trêu chọc dọa ma, vì sợ lợn rừng, vì không vượt được qua ngầm hay bất lực nhìn xe nằm chết máy giữa đường là lập tức khóc thút thít... Họ có mặt giữa đại ngàn Trường Sơn, bởi lý do rất giản đơn, chẳng nhẽ cứ con gái chân yếu tay mềm là không làm nổi việc của đàn ông?

Lực lượng vận tải quân sự lớn mạnh từng ngày cùng con đường huyết mạch Trường Sơn, lính lái xe luôn thiếu. Nhưng ngoài cái đích bổ sung lực lượng, những mái tóc còn vẹn nguyên hương sả, hương chanh sẽ làm mềm cả một trời đạn bom, làm mềm cả những tuyến đường lở lói bom cày, đạn xới. Đó cũng có thể là lý do để có mặt trên đường mòn huyền thoại một trung đội lái xe quân sự toàn nữ, mà nói như nhà văn mặc áo lính Chu Lai, “trên thế giới này có lẽ chỉ chiến tranh Việt Nam mới có”.

Buổi đầu nhìn học viên nữ vật lộn với những chiếc Gaz 53 (một cầu), Gaz 63 (hai cầu), Zin Giải phóng, Zin ba cầu, xe vọt tiến..., các thầy giáo ái ngại lắm. “Chị Phàn còi cao chưa được mét rưỡi phải kê thêm cả thùng dầu, đệm thêm cả chăn để ngồi mới vừa tầm nhìn. Quay maniven bỏng rộp, tóe máu cả lòng bàn tay hay phải hút xăng bằng miệng khiến nuốt cả ngụm xăng dầu vào cổ họng, ói mãi mà không hết ghê là chuyện thường ngày với cả đội. Tôi nhớ chị Trinh đã từng nuốt quá nhiều xăng, phải đi rửa ruột cấp cứu. Chị Dương Thị Lấp lãnh vài cơn sốt rét rụng sạch cả tóc, bao lâu sau mới thoát cảnh trọc đầu” - bà Quy nhớ lại.

 

 Bà Nguyễn Thị Kim Quy ngày đầu vào tuyến lửa Trường Sơn


Sau khóa đào tạo cấp tốc trên những chiếc xe thải loại, những bàn tay mảnh mai con gái chính thức nhập cuộc. Những chuyến xe luồn núi băng rừng, ngày ngày vượt vài trăm cây số qua Khe Tang, Khe Dao, ngầm Khe Ve, Ngã ba Đồng Lộc để vận tải lương thực, vũ khí tới các binh trạm rồi đón những đồng đội hy sinh, bị thương về tuyến sau. Ba-lô luôn sẵn sàng với đơn giản một hai bộ quần áo bên trong. Những vòng bánh xe cứ lăn mãi, lăn mãi, vài ngày một chuyến, suốt ba năm trời. “Chỉ chị em nào đến tháng mới được phép ở lại binh trạm vài ngày, nhưng cũng chẳng được nghỉ. Vì phải vá lốp, phải hè nhau dăm bảy người mới ấn nổi cần bơm để bơm từng lốp xe. Rồi không có nước sạch làm vệ sinh cá nhân, không có xà phòng để giặt xô màn, chị em phải giũ nước qua loa rồi phơi trực tiếp lên máy xe cho chóng khô. Phụ nữ đúng là trăm điều cơ cực” - bà Quy ngượng ngùng chia sẻ.

Xe con gái cứ như là huyền thoại

Bom đạn ngày càng ác liệt, cả trung đội được lệnh chuyển sang chạy đêm. Những chiếc xe tải ngụy trang rậm rì cành lá cứ lầm lũi nối đuôi nhau trong bóng đêm dày đặc. Mỗi xe chỉ được dùng một ngọn đèn gầm bọc vải, hoặc úp lon sữa bò đục lỗ để tạo nguồn sáng lờ mờ như đom đóm. Các cô gái vừa điều khiển xe vừa dò đường tránh bom, né đạn, tránh vực, vượt ngầm..., lắm khi chỉ nhờ vào trí nhớ và trực giác mách bảo. Bom thả phía sau thì vọt lên trước. Thả phía đầu xe thì rẽ ngang. Xe hỏng hóc giữa đường, nhẹ thì tự khắc phục, nặng thì nhờ xe chạy ngược chiều báo đơn vị hỗ trợ kéo về. Nếu máy móc dở chứng ngay giữa trọng điểm thì chỉ còn cách cho nổ, hoặc đẩy xuống vực để lấy đường cho xe sau.

Lời tuyên bố chắc nịch, “xe bọn em không có số lùi” của trung đội nữ lái xe ngày đó đã trở thành giai thoại, bởi “đã đi là chỉ có thẳng tiến thôi, bom đạn sợ mình chứ sao mình lại phải sợ chúng”. Tinh thần của trung đội còn thể hiện trong chuyến đi vào cửa tử - trọng điểm 050 Quảng Bình, nơi được coi là đã đi rất khó về. Hai nữ xế Phàn và Hợi xung phong, hơn chục chiếc xe bám theo hai cô gái đang khéo léo dẫn đường. “Phe quần thâm còn làm được, chẳng nhẽ cánh mày râu lại chịu thua”, những chuyến xe “thoắt đến, thoắt đi, thoắt vượt Cổng Trời” ngày đó của các chị như một liều thuốc tinh thần cực mạnh cho đồng đội nam. Bom vẫn dội, lửa vẫn cháy, nhưng từ đó những chuyến xe vẫn ngày đêm cần mẫn làm gạch nối giữa hai sườn của dải Trường Sơn.

Chỉ có thể gọi bằng từ duy nhất - phép mầu - khi nói về trung đội nữ lái xe “độc nhất vô nhị” này. Một phép mầu, khi cả trung đội đi ra khỏi cuộc chiến khốc liệt đến thế mà quân số không hề hao hụt, dù chỉ một người. Nhiều người bị thương (bà Quy cũng dính bom lá khi đang giấu xe, với tỷ lệ thương tật 24%) nhưng bom đạn không giết nổi các chị. Một phép mầu, khi dừng đỗ ở đâu là trải bạt dưới gầm ngủ không biết trời đất gì ở đó mà chỉ một người mắc căn bệnh sốt rét. Bao chuyến đi dưới những trận mưa bụi li ti chất độc hóa học mà không đánh gục được họ. Phép mầu tới, có thể bởi sức sống và nội lực ẩn chứa bên trong những người phụ nữ ấy mạnh mẽ vô cùng. Họ, đa phần đều làm vợ, làm mẹ, đều sinh ra những đứa con khỏe mạnh. “Chỉ chị Dung lập gia đình nhưng không có con. Chị Nguyễn Thị Thanh và chị Trần Thị Loan vẫn vò võ một mình. Nhưng bù lại, trung đội có tới năm nữ lái xe nên duyên cùng những anh lính xế Trường Sơn năm xưa. Mối tình tuyệt đẹp giữa những đồng đội, đồng nghiệp trên một trận tuyến, chính nhờ thế mà cũng mang hơi hướng của những câu chuyện cổ tích”.

Từ năm 1970, cả trung đội được điều chuyển về Trường lái xe 255, thuộc Cục Quản lý xe máy ở Sơn Tây để dạy lái xe cho học viên nữ. Lần cuối họ tập hợp là trong đội hình lái xe duyệt binh mừng quốc khánh đầu tiên khi đất nước trọn niềm vui thống nhất năm 1975. Ngày 17-12-2014, họ cùng tề tựu bên nhau nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND, cho cả Trung đội và cá nhân Trung đội trưởng Phùng Thị Viên. Giờ thì quân số đã vơi bớt mất chín người, đều vì căn bệnh ung thư nhưng họ vẫn luôn bên nhau, đùm bọc, sẻ chia và trợ giúp từng hoàn cảnh khó khăn, dù chẳng ai thật sự dư dả. Để thi thoảng được gặp lại nhau, để được bùi ngùi nhắc lại những kỷ niệm xưa.

Và để tự hào, “em là cô bộ đội lái xe/ đẹp lắm đấy những ngày đánh Mỹ”!

(Những câu thơ trích dẫn trong bài nằm trong bài thơ “Niềm tin có thật” của nhà thơ Phạm Tiến Duật).

nhandan

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video