Có những người phụ nữ đã một thời như thế

06/07/2007
Hơn 100 thành viên trong “CLB nữ hưu trí đơn thân” đều là những người phụ nữ đã nghỉ hưu tại Thái Bình đang sống độc thân với nhiều hoàn cảnh khác nhau, với bao chuyện vui buồn của những người phụ nữ sau chiến tranh...

Cụ Phạm Thị Vi năm nay đã hơn 90 tuổi. Ngồi nghe chuyện cuộc đời của cụ càng hiểu thêm sự chịu đựng của người phụ nữ Việt Nam. Mẹ đẻ, mẹ chồng thân nhau hứa gả con cho nhau ngay từ lúc bụng mang dạ chửa. Năm 16 tuổi đã cắp nón về nhà chồng. Năm 1936, chồng cụ bị Pháp bắt đi đồn điền cao su ở Nam bộ. Vào thời điểm này, cụ Vi bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng ở xưởng chiếu An Ninh, Trình Phố. Cuộc đời người phụ nữ này bắt đầu cuốn theo những tháng ngày gian khổ, ác liệt, sôi động của phong trào Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng như công cuộc xây dựng đất nước. Cụ Vi đã đảm nhận các chức vụ Chủ tịch Hội phụ nữ Kiến Xương từ năm 1948, công tác phụ nữ Quân khu 3, Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Hoà Bình, Phó ban tổ chức chính quyền tỉnh Thái Bình, Quyền Giám đốc Ty LĐ - TBXH tỉnh Thái Bình. Cụ bà chẳng ngại ngần gì lật lại những trang kỷ niệm về cuộc sống riêng tư của mình. Suốt từ 1936 – 1975, là một phụ nữ mạnh mẽ, đoan trang, lại hoạt động trong một môi trường rộng nên được nhiều nam cán bộ, nhiều người có chức vụ đem lòng yêu mến. Nhưng trước sau, lòng người con gái vẫn dành trọn cho người chồng nơi đồn điền cao su thăm thẳm phía chân trời. Sau ngày đất nước thống nhất, cụ mới biết người ấy đã lấy vợ và được 4 mặt con. Con trai của chồng đã điện ra xin nhận cụ làm mẹ. Lúc này cụ Vi đã bước vào tuổi lục tuần. Cụ tiếp tục sống một mình cho đến nay đã thêm 30 mùa đông nữa. Theo cụ, người phụ nữ Việt Nam ngày xưa là vậy, chỉ một lời ước hẹn cũng có thể “đánh đắm” cả cuộc đời con gái xuống “dòng sông vô định thời gian”.


Cuộc đời chị B cũng vậy. Chị sinh ra ở mảnh đất có câu phương ngữ nổi tiếng “Khoai đồng giá, cá đồng tài”. Anh và chị học cùng một trường cấp 3. Năm học lớp 10, anh xung phong đi bộ đội vào đơn vị đặc công. Chính khoảng cách xa xôi đó mới giúp anh đủ lòng dũng cảm viết những lời yêu đỏ rực trong tim. Năm 1967, anh tạt qua nhà, làm một cuộc “vượt Trường Sơn” - đi bộ từ Thái Bình qua hơn trăm cây số, qua Phả Lại, qua Đèo Tre lên tận Mai Siêu, Hà Bắc thăm chị. Chị đang là sinh viên năm thứ 2 một trường đại học. Anh đòi cưới, chị không đồng ý với lý do là cán bộ Đoàn, bận học tập, phấn đấu, cưới rồi ngộ nhỡ có con thì sao ? Anh đành ra đi. Đến Quảng Bình anh lấy máu viết thư về cho chị. Năm 1970, một đồng chí lãnh đạo đơn vị anh đánh xe con về cơ quan chị mời chị cùng lãnh đạo trao đổi. Nội dung chính cuộc trao đổi, anh- (người yêu của chị)-”sống xanh cỏ chết đỏ ngực” và khuyên chị nên đi lấy chồng. Họ còn đề nghị chị đưa lại đơn vị tất cả thư từ, ảnh, những vật kỷ niệm của anh tặng. Thành ra bây giờ chị chỉ còn giữ được tấm ảnh anh hồi học lớp 8. Năm 1972, chị nhận được tin báo tử anh. Theo linh cảm của chị, anh vẫn còn sống, anh đang làm một công việc rất hệ trọng cho Tổ quốc. Chiến tranh đã đi qua mấy chục năm, anh đã có vợ con nhưng trong khoảng bao la kỳ diệu tâm hồn, chị chắc chắn anh chỉ dành tình yêu cho chị. Thế là chị tiếp tục hành trình chờ đợi dằng dặc và chị sẽ chờ anh cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Bây giờ, ngày ngày chị nuôi mẹ già, nuôi con cho em và nuôi cả cháu cho em.


Thật không ai ngờ lọt trong khuôn viên nhộn nhịp của CLB Lê Quý Đôn có gian nhà của người phụ nữ hơn 80 tuổi cô đơn - bà Nguyễn Thị Hoà. Cách đây 58 năm bà là một cô gái khoẻ mạnh, xinh xắn trong tổ chức thanh niên, phụ nữ cứu quốc của xã Tây Lương, Tiền Hải. Là con nhà nghèo, nợ nần nhiều quá, mẹ đành gả ép bà cho con trai một tá điền khi bà chưa đầy 14 tuổi. Bà Hoà lạnh lùng kể lại lần “xuất giá” thứ nhất. Đêm đầu tiên, thấy chồng vào buồng, bà đã kêu thét ầm ĩ khiến cho cả xóm kéo đến, còn bà cứ thế vượt qua 3 cánh đồng về nhà, không bao giờ quay trở lại căn buồng đó nữa. Mấy năm sau, nguời chồng bất hạnh vẫn lẵng nhẵng chờ đợi. Lần “xuất giá” thứ hai lúc bà 21 tuổi, đang tham gia công tác. Gia đình buộc bà lấy một du kích xã, bà một mực khước từ. Lý do đơn giản là không bao giờ lấy chồng nữa! Đến mức bố mẹ phải gông lại. Bà bảo nếu thế bà sẽ đi trẫm mình. Hai bên đành phải chịu. Những năm tháng công tác của bà cũng thật hào hùng và lãng mạn. Từ 1949 bà đã tham gia du kích chủ lực huyện, năm 1952 là lính sư đoàn 320, tham gia nhiều trận, lúc thì trực tiếp chiến đấu, lúc làm anh nuôi, lúc làm hộ lý cứu sống bao đồng đội. Trong một trận bà bị thương vào bàn tay, người quân y sĩ điều trị đã đem lòng yêu và giây phút không cầm được cảm xúc, đã có một hành động bất nhã. Lập tức bà báo cáo chi bộ. Người quân y sĩ bị kỷ luật nặng. Sau này ông sống tại phố Huế, Hà Nội. Năm xưa nghe tin bà đau ốm đã gửi biếu bà 500.000 đồng… Thời kỳ chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, trong cương vị là cửa hàng phó cửa hàng ăn uống, bà ở lại thị xã bám trụ, chỉ huy tự vệ cửa hàng và chỉ huy công tác phục vụ các đơn vị chiến đấu, 11 năm liền đạt Chiến sỹ thi đua, được Bác Hồ gặp và tặng Huy hiệu của Người. Cũng trong suốt mấy chục năm, nhiều người đàn ông tài ba, tử tế hỏi nhưng bà cũng lần lượt cảm ơn và sống cô đơn cho đến tận bây giờ. Hiện tại, sau những trận ốm nặng, bà liệt giường không đi lại được nữa.


Cụ Vi tâm sự, từ cuộc đời mình, càng thương các chị sống quạnh hiu và một ý định đã loé sáng- thành lập CLB phụ nữ hưu trí đơn thân tại Thành phố Thái Bình. Năm 1998 CLB ra đời chỉ có 45 thành viên, nay con số đã lên trên 100. Mục đích hoạt động cũng rất đời thường, thiết thực “trông nom nhau lúc sống, đưa đón lúc qua đời”. Thực tế hoạt động 8 năm qua hội đã làm được hơn thế. Cái được lớn nhất là các thành viên như đã có một “mái nhà ấm”. Không đến ăn ở cùng nhau nhưng mọi người đều cảm thấy bầu bạn luôn ở quanh mình. Nỗi lo lắng lúc ốm đau, hoạn nạn trơ trọi một mình đã được vợi bớt. Có một chị đã nói, vào hội “đơn thân” để không “đơn thân” nữa ! Những ngày gặp mặt toàn hội 8/3, 20/10 hàng năm, chị em vui như cô Tấm về dự hội làng. Những buổi sinh hoạt hàng tháng ở tổ thực sự như là buổi giao lưu, gặp gỡ tâm tình. Nhưng dấu ấn đậm nhất với những người phụ nữ sống một mình này là những chuyến CLB đi tham quan Thủ đô, làng Sen quê Bác, những phút thư thái với sóng biển Đồng Châu.

Thaibinhonline

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video