Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển

25/10/2004
Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thuỵ Điển (Sida), thuộc Bộ Ngoại giao Thuỵ Điển, là một trong những cơ quan viện trợ lớn nhất của Chính phủ Thuỵ Điển dành cho các nước đang phát triển, chủ yếu ở Châu Phi, Mỹ La tinh và Châu á, trong đó có Việt Nam.

Sida có nhiệm vụ lập chính sách, chiến lược và kế hoạch thực hiện, đánh giá các chương trình hợp tác phát triển của Thuỵ Điển với các nước đang phát triển và báo cáo công việc đó cho Nhà nước và nhân dân. Chính phủ quy định các mục tiêu chính trị và các nguyên tắc chỉ đạo cho hoạt động của Sida và quyết định ngân sách thích hợp cho từng dự án. Tổng giám đốc của Sida và các thành viên khác là đại diện của các Đảng phái chính trị, các phong trào quần chúng, công đoàn...

 

Chương trình hợp tác của Thuỵ Điển với Việt nam bắt đầu từ năm 1965. Khi Mỹ leo thang chiến tranh ở Việt Nam, Thuỵ Điển là một trong rất ít các nước Phương Tây đầu tiên chính thức mở văn phòng Sứ quán tại Hà Nội (năm 1969).

Ở Việt Nam, Sida thuộc Đại Sứ quán Thuỵ Điển. Từ năm 1978 chương trình hợp tác phát triển chính thức của Sida với Việt Nam đã được mở rộng dưới hình thức viện trợ không hoàn lại giữa Chính phủ Thuỵ Điển và các bộ đối tác của Việt Nam như :Bộ Y tế, Bộ Năng lượng, Bộ Tư Pháp, Bộ Văn hoá...Hàng năm Sida viện trợ khoảng từ 25-30 triệu SEK cho Việt Nam thông qua các hiệp định song phương ký với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Sida là một trong những tổ chức tài trợ sớm nhất cho các hoạt động phụ nữ trong phát triển ở Việt Nam thông qua Hội. Từ năm 1987, Sida là tổ chức đầu tiên hỗ trợ tín dụng nhằm giúp phụ nữ nghèo hoạt động tăng thu nhập ở khu vực nông thôn, đầu tư thiết bị cho một số tỉnh Hội phát triển trung tâm dạy nghề cho phụ nữ và xe ô tô cho Công ty du lịch Hoà bình của Hội từ cuối thập kỷ 80.

 

Qua từng thời kỳ cách tiếp cận của Sida đối với các dự án cho PN VN cũng có những thay đổi. Tuy nhiên, mục tiêu của chương trình hỗ trợ là thúc đẩy bình đẳng giới và các quyền kinh tế cho phụ nữ tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia tích cực, hiệu quả vào quá trình phát triển đất nước. Tổng số tiền từ 1987 cho đến năm 2000 là 12.25 triệu SEK chocác giai đoạn:

 

Trong giai đoạn 1987 - 1994 với 7 triệu SEK, Sida đã hỗ trợ trực tiếp cho Hội Phụ nữ các dự án về quay vòng vốn để phát triển kinh tế hộ gia đình và tập huấn giới cho giảng viên ở 5 tỉnh miền núi phía Bắc. Trong giai đoạn chuyển đổi này, hỗ trợ của Sida rất quan trọng đối với Hội, đã giúp Hội đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ nữ. Chương trình đã góp phần giúp Hội định hướng mở ra mô hình nhóm phụ nữ quay vòng vốn, tiền thân của nhóm phụ nữ tín dụng- tiết kiệm sau này.Tuy nhiên trong thời kỳ đó, năng lực về quản lý, điều hành dự án cũng như kiến thức về vốn, tín dụng của cán bộ Hội còn hạn chế. Cán bộ Hội từ TW đến cơ sở đều vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

 

Trong giai đoạn 1995- 1999, Sida có cách tiếp cận mới bằng việc ký kết 2 hiệp định với Hội phụ nữ hỗ trợ cho phụ nữ Việt Nam. Hiệp định đầu tiên cho năm 1995 là 1.4 triệu SEK không chỉ cho hệ thống Hội mà mở rộng ra các cơ quan liên quan như: Hội sinh viên, Trung tâm nghiên cứu phụ nữ, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam... Hiệp định thứ hai từ 1996- kéo dài đến 6/2000 với 3.85 triệu SEK. Trong chương trình này, Sida hỗ trợ trực tiếp cho TW Hội Liên hiệp phụ nữ và tập trung vào các lĩnh vực: Phát triển thể chế và nguồn nhân lực; Tăng cường quyền kinh tế; Nghiên cứu chính sách và các hội thảo; Thông tin tuyên truyền. Mặc dù giai đoạn này được đánh giá là mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng không chỉ là cán bộ Hội PN mà cả các cơ quan phối kết hợp với Hội tham gia dự án cũng như phụ nữ cơ sở nói chung, nhưng hầu hết các dự án đều có quy mô nhỏ, nằm ở nhiều cơ quan, do vậy khó đánh giá được tác động tổng thể trong giai đoạn này.

 

Hiệp định gần đây nhất cho giai đoạn 2002-2006 với mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Việt Nam đã được Sida cam kết tài trợ 4,500,000 SEK cho các hoạt động nâng cao năng lực tổ chức và hệ thống điều hành, kiểm tra giám sát của Hội, đặc biệt chú trọng đến cán bộ phụ nữ cấp huyện và xã. Đây là vấn đề mang tính quyết định sự thành công của các chương trình hỗ trợ phụ nữ của Hội, nó cũng phù hợp với những yêu cầu của Sida về nâng cao bình đẳng giới và quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Bên cạnh đó, dự án tổng thể này rất chú trọng thúc đẩy và thu hút sự tham gia và hỗ trợ của chính quyền và các ban ngành đoàn thể khác tại địa phương và đông đảo nhân dân địa phương. Dự án được thực hiện tại TW Hội và 3 tỉnh Ninh Bình, Quảng Ngãi và Kiên Giang.

 
Là một đối tác đầy thiện chí, Sida Thụy điển luôn dành cho phụ nữ Việt nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sự hỗ trợ thiết thực trong việc nâng cao trách nhiệm giới và năng lực quản lý của cán bộ hội các cấp, hỗ trợ phụ nữ cơ sởtạo việc làm tăng thu nhập, thực hiện quyền bình đẳng và vì thế đã góp phần tích cực hỗ trợ sự hoà nhập của phụ nữ Việt Nam vào tiến trình phát triển chung của xã hội./.

Ban Quan hệ - Quốc tế

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video