Diễn đàn Cánh tả quốc tế Thụy Điển và những hỗ trợ cho việc nâng cao năng lực cho phụ nữ dân tộc tại Hà Giang

29/09/2008
Diễn đàn cánh tả quốc tế (LIF) được thành lập năm 1995 với mục tiêu điều phối các dự án của Đảng Cánh tả Thuỵ Điển với các đối tác ở phương Nam, Trung và Đông Âu.

Phần lớn các dự án được Sida (Cơ quan phát triển quốc tế Thuỵ Điển) tài trợ là dành cho các tổ chức thành viên liên minh của Đảng Cánh tả (PAO) nhằm góp phần thúc đẩy tiến trình dân chủ, trong đó có việc tăng cường vị trí và thúc đẩy sự tham gia của nữ thanh niên vào đời sống xã hội chính trị ở những nước này. Cho đến nay LIF đã tài trợ dự án cho nhiều tổ chức đối tác ở các nước đang phát triển trên thế giới như Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ, El Salvador, Guatemala, Colombia, Ma-rốc và Nam Phi... Bên cạnh việc tài trợ cho các dự án, LIF cũng tuyên truyền giới thiệu về Thuỵ Điển và tạo điều kiện cho các tổ chức đối tác chia sẻ kinh nghiệm và học tập lẫn nhau.

 

Từ năm 2005 cho đến nay, LIF đã hỗ trợ cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam dự án nâng cao năng lực cho phụ nữ dân tộc thiểu số của 5 xã thuộc huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang nhằm giúp chị em tích cực tham gia đời sống chính trị xã hội trong cộng đồng.

 

Dự án đã mở 5 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội cho 76 chị là Uỷ viên BCH Hội phụ nữ của 5 xã thực hiện dự án. Số uỷ viên BCH sau khi được tập huấn đã biết cách làm việc, tổ chức triển khai các hoạt động tại cơ sở, đã mạnh dạn hơn, làm việc linh hoạt và hiệu quả hơn. Hội phụ nữ đã phối hợp với ngành Giáo dục và Bộ đội Biên phòng mở 8 lớp xoá mù chữ cho 210 cán bộ, hội viên phụ nữ. Số chị em được học xoá mù chữ rất phấn khởi, khắc phục khó khăn tham gia đầy đủ các buổi học để đạt kết quả tốt. Sau 3 tháng học tập, chị em đã biết đọc, biết viết, biết làm các phép tính đơn giản. 250 chị là tuyên truyền viên tại 5 xã được tập huấn về các nội dung: kỹ năng truyền thông, các kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất, về phòng chống các tệ nạn xã hội, về giới, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới ...Bên cạnh đó, dự án cũng chú trọng tập huấn nâng cao nhận thức cho 150 cán bộ lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể ở xã, bí thư chi bộ, trưởng thôn bản và BCH Hội Phụ nữ xã về Giới, lồng ghép giới trong sản xuất, chăn nuôi và vệ sinh môi trường.

 

Song song với các hoạt động tập huấn, các hoạt động truyền thông cũng được dự án sử dụng để nâng cao nhận thức cho phụ nữ dân tộc. Dự án đã in và phát hành hàng ngàn tờ rơi bằng tiếng phổ thông và tiếng Mông tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ tham gia lớp học xoá mù chữ và phòng chống buôn bán phụ nữ.., xây dựng tủ sách cộng đồng tại các xã dự án và tổ chức các đợt truyền thông kiến thức khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho toàn thể hội viên các xã thực hiện dự án. Tổ chức truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, kết hợp khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho hơn 1.000 phụ nữ và trẻ em tại 5 xã dự án. Đặc biệt trong quá trình thực hiện dự án, do nhận thức thấy tầm quan trọng của vai trò phụ nữ dân tộc tham gia bảo vệ an ninh biên giới, dự án đã có sáng kiến phối hợp với Bộ đội biên phòng tổ chức một số buổi hội thảo về kỹ năng ứng xử biên giới tại 2 xã Tùng Vài và Tả Ván – huyện Quản Bạ. 60 đại biểu là lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền, các ngành đoàn thể xã và BCH Hội LHPN xã tham dự trao đổi kinh nghiệm và phổ biến cách thức xử lý các tình huống trong quan hệ giữa nhân dân sống ở hai bên đường biên giới theo đúng luật định. Với kinh phí hạn chế, nhưng để khuyến khích phụ nữ dân tộc thực hành vệ sinh môi trường trong thôn bản, dự án đã làm điểm 13 công trình vệ sinh (bao gồm nhà tắm, hố xí hợp vệ sinh) tại 13 hộ gia đình hội viên của 5 xã dự án.

 

Kết quả kiểm tra giám sát và đánh giá dự án cho thấy các lớp xoá mù đã giúp hội viên tự nhận biết được về bản thân mình, có thêm nhiều thông tin thực tế, chị em đã dần có ý thức hơn về việc học tập và bớt e ngại, rụt rè khi tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Các cán bộ Hội cơ sở nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình và học được các kỹ năng làm việc với phụ nữ cơ sở, vận động và thu hút hội viên tham gia vào các hoạt động của Hội. Một tác động tích cực khác của dự án là làm thay đổi nhận thức về vấn đề phụ nữ của cán bộ trong các cơ quan chính quyền, đoàn thể tại các xã có dự án. Đến nay, chính quyền ở nhiều xã đã tạo điều kiện để cán bộ nữ đi học tập, tham gia vào các hoạt động chính trị trong cộng đồng. Nhiều chủ trương về phát triển, bồi dưỡng cán bộ nữ đã được thực hiện nhằm chuẩn bị nguồn cán bộ nữ cho kỳ bầu cử hội đồng nhân dân khoá tới.

 

Thực hiện các dự án ở những vùng dân tộc miền núi, với những hạn chế về trình độ và nhận thức của chị em là một thử thách với cán bộ Hội. Tuy nhiên, đây có thể được coi là một mô hình thích hợp để các tỉnh miền núi triển khai hoạt động hỗ trợ cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trân trọng và đánh giá cao sự quan tâm và hỗ trợ thiết thực của Diễn đàn Cánh tả Thuỵ Điển cho phụ nữ dân tộcở Việt Nam./.

Ban Quan hệ Quốc tế

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video