Du lịch cộng đồng đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới

09/06/2020
Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc được xã Cư Huê chú trọng, thu hút sự tham gia của bà con và khu vực kinh tế hợp tác.
Phát triển nghề dệt thổ cẩm tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn định cho bà con, vừa giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc

Xã Cư Huê (huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk) đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, huy động sự chung sức đồng lòng của chính quyền và người dân để về đích nông thôn mới vào cuối năm 2020. Trong đó, phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc được xã chú trọng, thu hút sự tham gia của bà con và khu vực kinh tế hợp tác.

Lãnh đạo xã cho biết, sau gần 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhờ thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã Cư Huê đã đạt và cơ bản đạt 16 tiêu chí, chỉ còn 3 tiêu chí chưa đạt là: hộ nghèo, thu nhập và hình thức tổ chức sản xuất.

“Lợi ích kép” của du lịch cộng đồng

Thực hiện Đề án phát triển du lịch huyện Ea Kar đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, xã Cư Huê đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch tại 6 buôn trung tâm, trong đó tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch văn hóa cộng đồng, huy động nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng các dịch vụ, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực cho người dân địa phương như mở lớp dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm, khôi phục các bến nước… Qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống, góp phần đưa du lịch của xã thành ngành kinh tế quan trọng.

Cho dù cuộc sống có nhiều đổi thay, phát triển với nhiều ngôi nhà xây mới khang trang, gia đình Amí Toàn ở buôn M’Oa (xã Cư Huê) vẫn giữ gìn căn nhà dài truyền thống được xây dựng từ năm 1987. Sau hơn 30 năm sử dụng, căn nhà ngày càng xuống cấp nhưng vợ chồng bà quyết tâm không phá bỏ mà vay mượn tiền sửa sang, phục dựng lại với tổng chi phí trên 480 triệu đồng.

“Dẫu có hiện đại đến đâu cũng không thể bỏ những nét đẹp văn hóa, phong tục truyền thống được. Ngôi nhà không chỉ là nơi sum họp của đại gia đình mà còn trở thành nơi sinh hoạt, học nghề dệt thổ cẩm của các chị em, nơi các nghệ nhân truyền từng nhịp chiêng, điệu múa cho thế hệ trẻ”, Amí Toàn chia sẻ.

Với tâm niệm phải bảo tồn và phát huy những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, Amí Toàn còn đứng ra vận động chị em, thanh thiếu niên tham gia các lớp dạy dệt thổ cẩm, dạy cồng chiêng và thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn M’Oa với 25 thành viên là các nghệ nhân và người biết dệt của 6 buôn. Sản phẩm của các thành viên được Tổ hợp tác thu gom, trưng bày tại nhà dài của gia đình Amí Toàn để bán cho du khách và người dân trên địa bàn.

Không chỉ gia đình Amí Toàn, mà rất nhiều hộ khác tại 6 buôn của xã Cư Huê đã giữ gìn được ngôi nhà dài, bếp lửa truyền thống như gia đình bà H’Đát Niê, Amí Nui, H’Nguôn Byă (buôn M’Oa), bà Aduôn Tha (buôn Duôl Tai), bà H’Jet Niê (buôn Djă)… Đây cũng chính là những nghệ nhân, thế hệ đi trước sẵn sàng tham gia truyền nghề dệt thổ cẩm cho lớp trẻ.

Lãnh đạo xã Cư Huê cho biết, thực hiện Đề án phát triển du lịch của huyện cũng như kế hoạch của địa phương, đến nay, xã Cư Huê đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về công tác phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống; phối hợp tổ chức các lớp dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm; thành lập 2 đội cồng chiêng trẻ và 2 đội văn nghệ; vận động người dân không bán ché, lưu giữ nghề làm rượu cần tại 6 buôn; tổ chức hướng dẫn, truyền dạy chế tác các vật dụng phục vụ cho lễ hội; sưu tầm các đồ vật trong lao động sản xuất, săn bắn đưa về các nhà dài trưng bày, triển lãm; duy trì các lễ hội văn hóa truyền thống tiêu biểu như cồng chiêng, lễ cúng bến nước để phục vụ nhân dân địa phương và du khách.

Bên cạnh đó, xã cũng đã vận động, hỗ trợ nâng cấp 2 bến nước ở buôn M’Briu và M’Oa; xây dựng một số tuyến đường nội buôn; tổ chức các đoàn tham gia hội thi dệt thổ cẩm, giao lưu văn hóa văn nghệ do huyện, tỉnh tổ chức.

Chú trọng tiêu chí sản xuất, giảm nghèo

Theo lãnh đạo xã Cư Huê, toàn xã có 7 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, sản xuất còn nhỏ lẻ manh mún, nên hoàn thành được các tiêu chí hộ nghèo, thu nhập và hình thức tổ chức sản xuất là thách thức lớn. Vì vậy, bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã đang tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể chung tay giúp đỡ hộ nghèo và khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo tự lực vươn lên.

Chú trọng hoàn thành các tiêu chí về thu nhập, sản xuất và giảm nghèo để về đích NTM vào cuối năm 2010

Để có thể giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 10,4% (cuối năm 2018) xuống còn dưới 7% như quy định của bộ tiêu chí NTM, xã Cư Huê đã xây dựng kế hoạch, xác định rõ địa chỉ giảm nghèo; phân công các thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo xã, các tổ chức đoàn thể giúp người dân phát triển sản xuất.

Trên cơ sở đó, xã đã triển khai kịp thời, đầy đủ nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề, đi xuất khẩu lao động; lồng ghép nguồn vốn 135 và vốn giảm nghèo bền vững để hỗ trợ cho hộ nghèo. Ủy ban MTTQ xã cũng huy động đóng góp Quỹ Vì người nghèo được gần 300 triệu đồng, cùng với nguồn kinh phí được cấp trên phân bổ để hỗ trợ xây dựng 11 căn nhà Đại đoàn kết, cấp 3 con bò sinh sản và hỗ trợ làm công trình vệ sinh, trợ cấp khó khăn đột xuất cho các hộ nghèo. Hội Phụ nữ xã cũng thành lập các tổ tiết kiệm, huy động hội viên đóng góp được trên 1 tỷ đồng cho vay xoay vòng phát triển kinh tế…

Nhờ vậy đến đầu năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 40 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,6%; xã được công nhận đạt và cơ bản đạt 18/19 tiêu chí NTM.

Đối với tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất, xã đã chỉ đạo phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; khuyến khích các hộ có điều kiện mở rộng quy mô và các ngành nghề kinh doanh buôn bán để phát triển thương mại - dịch vụ. Các cấp ngành chức năng của xã tăng cường tổ chức tập huấn, hội thảo đầu bờ nhằm chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; xây dựng mô hình nuôi heo, bò sinh sản; tập trung tái canh cây cà phê gắn với trồng xen sầu riêng, bơ, nuôi gà thả vườn.

Bên cạnh đó, xã cũng ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức các lớp dạy dệt thổ cẩm, cồng chiêng; hướng dẫn thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm ở buôn M’Oa và đã xây dựng Đề án thành lập HTX nông nghiệp - du lịch Cư Huê... Khi Đề án được huyện thông qua, xã sẽ tập trung phát huy lợi thế của địa phương, gắn dịch vụ nông nghiệp với kết nối tiêu thụ sản phẩm và phát huy lợi thế du lịch cộng đồng để được công nhận hoàn thành tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất.

thoibaokinhdoanh.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video