Góp phần ngăn ngừa tội phạm mua bán người xuyên quốc gia

26/06/2012
Ngày 20/6/2012, tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị phối hợp với tổ chức Tầm nhìn Thế giới tổ chức hội thảo “Phòng, chống mua bán người năm 2012” giữa phụ nữ 3 tỉnh: Quảng Trị (Việt Nam), Savannakhet (Lào) và Mukdahan (Thái Lan).

Tham dự hội thảo có đ/c Nguyễn Đức Chính, UVTV Tỉnh ủy, PCT thường trực UBND, Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Quảng Trị; đại diện lãnh đạo các ban ngành đoàn thể cấp tỉnh; cán bộ Hội phụ nữ tỉnh Savannakhet Lào; Ủy ban Phát triển phụ nữ tỉnh Mukdahan Thái Lan; Chủ tịch hội LHPN 9 huyện, thị, thành phố tỉnh Quảng Trị; 2 đại diện nạn nhân bị mua bán trở về.

Trong những năm qua, tình hình mua bán người ở Việt Nam ra nước ngoài diễn ra phức tạp, nhất là địa bàn giáp biên; xuất hiện phương thức mới với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây ra nhiều bức xúc, lo lắng cho nhân dân. Theo báo cáo của công an tỉnh Quảng Trị, từ năm 2001 đến nay, trên địa bàn tỉnh qua điều tra đã phát hiện 6 nhóm đối tượng thực hiện hành vi mua bán phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài. Tổng số phụ nữ và trẻ em bị đưa bán sang các nước là 28 người, trong đó có 01 trẻ em dưới 14 tuổi. Trong số 28 người bị bán đã có 23 người đã trở về địa phương, số còn lại đang ở Trung Quốc. Phụ nữ và trẻ em tại Quảng Trị bị đưa sang Lào với nhiều mục đích khác nhau như làm gái mại dâm, tiếp viên tại các nhà hàng, khách sạn. Đã có một số vụ được Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị thông qua công tác trinh sát phát hiện hoặc thông qua con đường ngoại giao để đề nghị Lào chuyển đối tượng và nạn nhân cho phía Việt Nam tiếp nhận, điều tra, làm rõ.

Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ 3 tỉnh Savannakhẹt –Lào, Ủy ban Phát triển phụ nữ tỉnh Mukdahan- Thái Lan và Quảng Trị -Việt Nam đã cùng nhau trao đổi, thông báo cho nhau về tình hình mua bán người của mỗi tỉnh, mỗi nước ; đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng bằng những hoạt động thiết thực như xây nhà tạm trú, hỗ trợ pháp lý, dạy nghề… Các đại biểu cũng dành thời gian thảo luận về các giải pháp nhằm góp phần phòng ngừa nạn mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới.

Để nâng cao hiệu quả hợp tác trong hành động chung nhằm ngăn chặn và giải quyết vấn đề mua bán người, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị (Việt Nam), Hội LHPN tỉnh Savannakhẹt (Lào) và Ủy ban Phát triển phụ nữ tỉnh Mukdahan (Thái Lan) đã ký Biên bản ghi nhớ với nội dung: Khuyến khích cộng đồng 3 tỉnh tìm hiểu về thực trạng mua bán người để ngăn chặn các hình thức mua bán người; tuyên truyền cho cộng đồng để phòng tránh nguy cơ bị mua bán; phối hợp trong việc xác minh, tiếp nhận, cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng; Hàng năm luân phiên tổ chức Hội nghị trao đổi rút kinh nghiệm kết quả phối hợp và đề ra hoạt động cho thời gian tới.

Hội thảo Phòng, chống mua bán người năm 2012 được tổ chức đã đạt được những mục đích quan trọng trong trao đổi thông tin; chia sẻ kinh nghiệm về phòng chống mua bán người giữa 3 tỉnh của 3 nước nhằm góp phần ngăn ngừa tội phạm mua bán người xuyên quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới chung.

 

* Hàng trăm hộ thoát nghèo nhờ được tiếp cận các nguồn vốn

 

Thời gian qua, Hội LHPN huyện Cao Lãnh luôn đặc biệt quan tâm đến công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN) trong hội viên thông qua các hình thức: tạo thêm công ăn việc làm, giáo dục nâng cao kiến thức, dạy nghề, hỗ trợ vốn cho hội viên nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên.

Trước hết, Hội LHPN huyện tập trung công tác củng cố các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) nhằm quản lý chặt chẽ số lượng hội viên vay vốn, đồng thời vận động hội viên gửi tiết kiệm hàng tháng để có thêm nguồn vốn đầu tư sản xuất kinh doanh cải thiện đời sống kinh tế hộ. Từ việc Hội LHPN huyện Cao Lãnh đã ký nhận ủy thác với Phòng GDNHCSXH huyện, sau đó Hội thực hiện lồng ghép hình thức việc xét và cho vay vốn vào các tổ TK&VV ở các xã, thị trấn. Riêng các tổ trưởng tổ TK&VV được tham gia tập huấn nghiệp vụ chuyên môn từ Phòng GDNHCSXH huyện nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc cho thành viên vay vốn thông qua tổ bình xét, ưu tiên cho các hộ nghèo chí thú làm ăn, trong đó có hộ nghèo.

Đến nay, Hội LHPN huyện Cao Lãnh đã nhận ký ủy thác quản lý hàng trăm tổ TK&VV trên địa bàn với 5.708 hộ và tổng dư nợ từ các chương trình XĐGN, giải quyết việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường, học sinh, sinh viên... với số tiền trên 55 tỷ đồng. Nhờ được tiếp cận các nguồn vốn, nhiều hội viên có thêm điều kiện tăng gia sản xuất, có thu nhập. Chỉ riêng trong năm 2011, huyện Cao lãnh có 249 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ đã thoát được nghèo, từng bước vươn lên có cuộc sống ổn định.

Điểm nổi bật của huyện Cao Lãnh là việc cho vay vốn đối với các hộ nghèo lồng ghép vào các “Tổ hợp tác liên kết sản xuất kinh doanh”, theo đó Hội đã xây dựng được 25 mô hình tổ hợp tác tiểu thủ công nghiệp với hàng trăm hộ, trong đó có nhiều hộ nghèo tham gia. Qua thực tế cho thấy các Tổ hợp tác sản xuất kinh doanh hoạt động có hiệu quả, giúp cho nhiều lao động có thu nhập ổn định từ 35.000-90.000 đồng/người/ngày, góp phần cải thiện đời sống, thoát được nghèo. Nhiều mô hình tổ hợp tác sản xuất kinh doanh đang được tiếp tục nhân rộng trên địa bàn huyện Cao Lãnh.

Cẩm Nhung- Hội LHPN tỉnh Quảng Trị

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video