Hiệp hội Kế hoạch hoá gia đình Úc (FPA) và Hội LHPN Việt Nam với Chương trình lồng ghép để phát triển nông thôn

17/11/2004
Là một tổ chức phi chính phủ của Úc, đồng thời là thành viên của Liên đoàn Các bậc Cha mẹ Quốc tế, Hiệp Hội Kế hoạch hoá gia đình Úc (FPA) hoạt động nhằm thúc đẩy các mục tiêu quốc tế về kế hoạch hoá gia đình tạo điều kiện cho người dân đạt được nhu cầu về sức khoẻ sinh sản và sức khoẻ tình dục trong một môi trường bền vững.

Thông qua mạng lưới của mình ở 8 bang trên toàn nước úc, FPA cung cấp các dịch vụ hoàn thiện về y tế, giáo dục cộng đồng và đào tạo chuyên môn trong lĩnh vực sức khoẻ sinh sản và sức khoẻ tình dục. FPA còn chuyển giao kỹ thuật của mình cho khu vực Châu Á - Nam Thái Bình Dương.

 

Mối quan hệ hợp tác giữa Hội LHPN Việt Nam (Hội) và FPA bắt đầu từ năm 1993, với sự giới thiệu của Tổ chức Hiệp Hội Dân số và Phát triển Cộng đồng của Thái Lan. Qua đó, dự án “Kế hoạch hoá Gia đình Việt Nam” được AusAID tài trợ, thông qua FPA và sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Dân số và Phát triển Quốc tế (PDI) đã được thực hiện tại 20 xã của 3 tỉnh miền Bắc Việt Nam là Hưng Yên, Thái Nguyên và Ninh Bình với 30.000 phụ nữ thụ hưởng.Đây là một loại hình dự án lồng ghép mà lần đầu tiên Hội thử nghiệm để đạt được mục tiêu kế hoạch hoá gia đình trên cơ sở phát triển nông thôn. Để có được quy mô gia đình nhỏ và có chất lượng dân số cao, các gia đình cần có thu nhập. Dự án đã vượt qua khuôn khổ của các dự án truyền thống chỉ đơn thuần tập trung vào tuyên truyền, dự án đã lồng ghép các hoạt động kế hoạch hoá gia đình, cung cấp các dich? vụ tránh thai đơn giản, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng và tăng thu nhập gia đình nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của cuộc sống nông thôn.

 

Một trong những điểm nổi bật của dự án là đã xây dựng một mạng lưới tình nguyện viên về chăm sóc sức khoẻ và kế hoach hoá gia đình ở cộng đồng. Đội ngũ cộng tác viên này được huấn luyện hàng năm và được trang bị đầy đủ kiến thức để tư vấn, hướng dẫn phụ nữ thực hiện kế hoạch hoá gia đình và chăm sóc sức khoẻ. Qua mạng lưới này, dự án có thể với tới những phụ nữ đang sống trong hàng trăm làng ở 20 xã có dự án và cung cấp cho chị em những kiến thức về kế hoạch hoá gia đình và sức khoẻ sinh sản cũng như được lựa chọn các biện pháp kế hoạch hoá gia đình phù hợp với nhu cầu của chị em trên cơ sở được cung cấp thông tin đầy đủ. Sau khi dự án “Kế hoạch hoá gia đình Việt Nam” kết thúc, hầu hết số cộng tác viên của dự án được chuyển sang thành cộng tác viên của chương trình Dân số - Kế hoạch hoá gia đình. Điều này chứng tỏ chất lượng đào tạo của dự án đã được ngành chuyên môn đánh gía cao. Dự án đã chú ý đến bản chất chung của các vấn đề phát triển nông thôn và đã cho thấy cách giải quyết các vấn đề này theo mô hình lồng ghép để các hoạt đông của các dự án tác động lẫn nhau sẽ dẫn đến sự thành công của dự án.

 

Hội đã đón nhiều khách trong và ngoài nước như úc, Niu Di-lân, Thái Lan, Lào … Nhận xét chung của các đoàn đến thăm là: dự án đã lồng ghép có hiệu quả các chương trình tăng thu nhập, môi trường với kế hoạch hoá gia đình và chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Dự án đã bước đầu đưa khái niệm quyền sinh sản vào các chương trình chăm sóc sức khoẻ của Hội Phụ nữ, đã giúp cộng đồng hiểu và coi phụ nữ và người dân như những “khách hàng” để cải thiện dịch vụ y tế với chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu về kế hoạch hoá gia đình và chăm sóc sức khoẻ sinh sản của họ.

 

Trên cơ sở kết quả của giai đoạn thử nghiệm, AusAID đã quyết định tài trợ tiếp tục cho Hội thực hiện loại hình dự án lồng ghép này tại các tỉnh Tây Ninh, Hà Tĩnh, Bắc Giang và Thanh Hoá.

 

Trong giao đoạn từ 1993- 2003, FPA đã hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho Hội thực hiện 04 dự án lồng ghép trong các lĩnh vực sức khoẻ sinh sản, tín dụng, tăng thu nhập, vệ sinh môi trường và phát triển cộng đồng tại 80 xã của 7 tỉnh thuộc 3 miền Bắc, Trung và Nam Việt Nam vối tổng ngân sách khoảng 1.300.000 USD.Với sự hỗ trợ của FPA, khoảng 50.000 nghìn phụ nữ đã trực tiếp được thụ hưởng dự án thông qua vay vốn phát triển sản xuất, được tập huấn, nâng cao hiểu biết về chăm sóc sức khoẻ, tiếp cận các dịch vụ y tế và dịch vụ kế hoạch hoá gia đình trên cơ sở được cung cấp thông tin đầy đủ, trong đó có 6.000 phụ nữ còn được học nghề truyền thống. Đặc biệt, năng lực của đội ngũ cán bộ làm dự án đã được nâng cao rất nhiều và họ đã phát huy tốt để duy trì các hoạt động của dự án sau khi dự án kết thúc. Các dự án trên thu hút cả phụ nữ và nam giới cùng chia sẻ trách nhiệm kế hoạch hoá gia đình.

 

Sự hỗ trợ liên tục và hiệu quả của FPA cho Hội trong 10 năm qua đã góp phần đáng kể nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và đạt được mục tiêu dân số/kế hoạch hoá gia đình/sức khoẻ sinh sản tại những vùng có dự án. Mô hình của dự án đã được các cấp Hội ứng dụng ở một số địa bàn khác ở Việt Nam.

 

Để ghi nhận đóng góp to lớn và sự giúp đỡ quý báu của FPA, TW Hội LHPN Việt Nam đã trân trọng trao tặng Bằng khen “Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam” cho FPA nhân chuyến thăm úc của Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Khiết tháng 11/2000.

Ban Quan hệ Quốc tế

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video