Hiệu quả bước đầu từ Đề án đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn ở Nghi Lộc, Nghệ An

09/10/2013
Xác định đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những bước đột phá trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động. Vì vậy thời gian qua Hội LHPN Nghi Lộc có nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả trong đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nữ trên địa bàn toàn huyện. Thông qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế mới cho thu nhập mỗi năm hơn 2 trăm triệu đồng.

Đến thăm cơ sở sản xuất đồ gỗ mĩ nghệ của Chị Nguyễn Thị Thơ ở xóm 4 xã Nghi Lâm chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự năng động và sáng tạo của một phụ nữ vùng quê khi tuổi đời còn rất trẻ. Cũng như bao người con gái khác trong làng sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học đều mang trong mình nhiều ước mơ hoài bão của tuổi trẻ. Các bạn đứa thì vào Nam, đứa thì ra Bắc theo học các trường đại học. Còn đối với Thơ thì chọn con đường lập nghiệp tại quê nhà. Trong thời gian học nghề, chị đã kết duyên cùng anh Nguyễn Văn Hồ người cùng xóm, cả 2 đều chung suy nghĩ là học nghề trở về lập nghiệp tại quê hương.  Đầu năm 2012, sau khi nắm vững tay nghề trong tay, vợ chồng chị Thơ quyết định mở cơ sở sản xuất đồ gỗ mĩ nghệ. Với số vốn ban đầu 200 triệu đồng, vợ chồng Chị đã thuê 10 lao động. Sau 6 tháng đầu tiên sản phẩm của Chị đã được mọi người biết đến và cũng từ đó đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Hiện nay không những tạo công ăn việc làm cho 20 lao động  nữ trên địa bàn mà hàng tháng vợ chồng chị còn thu về từ 15-20 triệu đồng. Chị chia sẻ: “Tôi thấy lợi thế ở nông thôn có lao động dư thừa nên tôi quyết định đi học nghề về với mục đích vừa tăng kinh tế cho gia đình đồng thời tạo việc làm cho chị em trên địa bàn”

Đối với các chị em phụ nữ lao động ở nông thôn, khi cơ giới hóa được đưa vào áp dụng ở hầu hết các khâu trong sản xuất nông nghiệp, thời gian nông nhàn nhiều hơn. Vì vậy, để chị em không phải xa gia đình mà vẫn có việc làm thêm, nâng cao thu nhập, hàng năm Hội đã chủ động phối hợp với các tổ chức liên quan mở 15 lớp đào tạo nghề chăn nuôi thú y, may thời trang, mây tre đan xuất khẩu….đã thu hút hàng trăm hội viên tham gia, bên cạnh đó Hội còn vận động chị em  hội viên tham gia các lớp nghề truyền thống phù hợp với đặc điểm của địa phương mình như nghề làm hương thẻ ở Nghi Trường, nghề làm bánh bún ở Nghi Hoa, Nghi Phong, nghề làm chổi đót ở Nghi Hưng. Chị Trần Thị Hương Giang Chủ tịch Hội LHPN xã Nghi Trung cho biết: “Để tạo điều kiện cho hội viên nâng cao thu nhập hàng năm Hội đã chủ động tham mưu cho cấp ủy chính quyền  mở các nhóm nghề, đồng thời định hướng nghề cho hội viên. Thông qua đó, có nhiều viên viên thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng”

Qua công tác đào tạo nghề đã xuất hiện nhiều nhóm nghề giải quyết cho hàng trăm lao động nữ trên địa bàn như nghề làm lông mi giả của Chị Trần Thị Thanh, Nghề làm môi muỗm gỗ của Chị Nguyễn Thị Mơ và nghề cơ khí của chị Nguyễn Thị Liên ở Nghi Lâm. Để tạo điều kiện cho chị em hội viên nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình, hiện nay Hội LHPN huyện đang tăng cường công tác tuyên truyền về các nội dung của đề án. Đồng thời tiếp tục phối hợp với các tổ chức đào tạo nghề và giới thiệu việc làm của Tỉnh, huyện mở các lớp nghề phù hợp với đặc thù từng địa phương, qua đó phát huy thế mạnh riêng của lao động nữ. Bà Lê Thị Thùy Dương PCT Hội LHPN Huyện cho biết thêm: “Thời gian tới, hội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về học nghề và việc làm cho phụ nữ, tăng cường sự tham gia của các cấp hội cơ sở trong việc nắm bắt kịp thời các nhu cầu học nghề và việc làm của chị em; mở rộng đào tạo các ngành nghề mới vừa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động vừa phù hợp thế mạnh riêng của lao động nữ”.

Phải khẳng định rằng đề án đào tạo nghề đã mang lại hiệu quả rất thiết thực cho lao động nữ nông thôn. Bởi vậy hiện nay các cấp hội Phụ nữ toàn huyện đang ra các giải pháp hữu hiệu nhằm tạo điều kiện giúp chị em hội viên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video