Hoạt động uỷ thác của Hội LHPN tỉnh Cao Bằng

29/10/2008
Cao Bằng là tỉnh có tỷ lệ hộ đói nghèo cao (36,56%), đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Nghèo đói thường gắn liền với thất học, bệnh tật, thiếu nhà ở, đe doạ đến sức khoẻ và hạnh phúc gia đình.

Trong đó, phụ nữ và trẻ em thường là người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của nghèo đói. Vì vậy, Hội PN tỉnh Cao Bằng xác định chỉ có thoát khỏi đói nghèo thì người phụ nữ mới có thể vươn tới sự tiến bộ và bình đẳng.

Chính vì lẽ đó, hội đã chọn nhiệm vụ "Hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập " trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của hội làm nhiệm vụ mũi nhọn nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho việc thực hiện các nhiệm vụ công tác khác của hội. Những biện pháp và hình thức chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ này là khai thác các nguồn vốn cho chị em đầu tư phát triển kinh tế. Trong các nguồn vốn do hội khai thác quản lý thì nguồn vốn do Hội PN nhận uỷ thác từ NHCSXH chiếm số dư lớn nhất và đã mang lại nhiều lợi ích cho tổ chức Hội PN và hội viên.

Thực hiện sự chỉ đạo của TƯ Hội LHPN và NHCSXH Việt Nam, nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của cơ chế hoạt động uỷ thác, tháng 11/2003, Hội PN tỉnh và NHCSXH tỉnh Cao Bằng đã tổ chức ký Văn bản thoả thuận và hợp đồng uỷ thác trên cơ sở thống nhất trách nhiệm và quyền lợi giữa hai bên. Thành lập Ban quản lý cấp tỉnh, phân công ban chuyên môn là đầu mối trong phối hợp tham mưu, đào tạo, tổ chức thực hiện hoạt động; chỉ đạo hướng dẫn Hội PN các huyện, thị và xã, phường, thị trấn tổ chức ký Văn bản thoả thuận và hợp đồng trách nhiệm. Thực hiện tốt 6 nội dung công việc trong quy trình cho vay và 12 nhiệm vụ của tổ chức hội.

Qua 5 năm thực hiện, hoạt động uỷ thác của hội đã được triển khai ở 13/13 huyện, thị và các xã, phường, thị trấn. Doanh số cho vay và đối tượng vay không ngừng được mở rộng với số lượng ngày càng tăng. Tính đến ngày 30/4/2008, tổng dư nợ do Hội PN nhận ủy thác đã đạt 198.349 triệu đồng (năm 2004 số dư nợ mới đạt 39.997 triệu đồng). Mức vay bình quân tăng từ 4,36 triệu đồng năm 2004 lên 8,02 triệu đồng năm 2008. Do tập trung chỉ đạo và làm tốt công tác kiểm tra giám sát nên tỷ lệ nợ quá hạn được duy trì ở mức thấp 0,06%;

Cùng với dư nợ vốn tăng, số thành viên vay vốn thông qua tổ chức hội ngày càng tăng. Hiện nay đã có 22.414 hộ được vay vốn ưu đãi với tổng số Tổ TK&VV sau khi sắp xếp lại thành 725 tổ (tổng số Tổ TK&VV trước tháng 10/2007 là 1.715 tổ). Có thể nói, đến nay, Hội PN là tổ chức đoàn thể có số dư nợ nhận uỷ thác lớn và số nợ quá hạn thấp nhất trong 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác.

Việc duy trì sinh hoạt định kỳ hàng tháng của Tổ TK&VV với nhiều nội dung thiết thực như: Trao đổi kinh nghiệm để sử dụng vốn có hiệu quả, hướng dẫn kiến thức về sản xuất, bình xét cho vay, thu lãi… đã giúp cho phụ nữ nghèo nâng cao kiến thức và kỹ năng vận dụng KHKT vào sản xuất theo hướng tiến bộ, góp phần hạn chế những nguyên nhân phổ biến của các hộ nghèo như: Làm ăn không biết hạch toán, không tiết kiệm trong chi tiêu, tự ti, ỷ lại, canh tác nhỏ lẻ theo lối cũ… Nhiều thành viên vay vốn không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành những gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi. Điển hình có gia đình chị Lý Thị Diên, dân tộc Dao, xã Bình Long, huyện Hoà An thuộc diện hộ nghèo. Năm 2004, gia đình chị được vay 10 triệu đồng mua 5 con bò cái, sau 3 năm gia đình chị đã hoàn trả vốn, lãi đầy đủ. Có vốn và kinh nghiệm chăn nuôi, chị mạnh dạn đầu tư tăng dần số lượng bò. Đến nay, với đàn bò 17 con, gia đình chị đã thoát nghèo và mua sắm được vật dụng có giá trị lớn như: xe máy, máy xay xát…

Đạt được kết quả trên đây, trước hết là do Hội PN các cấp đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc của các cấp uỷ đảng và chính quyền địa phương. Đặc biệt là sự hỗ trợ rất tích cực và kịp thời của lãnh đạo và các phòng nghiệp vụ của NHCSXH, đã động viên, giúp đỡ Hội PN thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Đây chính là cơ hội và điều kiện thuận lợi để Hội PN khẳng định vị thế của mình, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của tổ chức hội. Đồng thời mở ra cho người nghèo một lối đi mới để vươn tới sự no ấm, bình đẳng tiến bộ và hạnh phúc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được như trên, hoạt động uỷ thác của các cấp hội trong thời gian qua còn 1 số hạn chế, yếu kém: Thứ nhất, hoạt động uỷ thác ở một số xã vẫn còn lúng túng trong khâu tổ chức, chưa nắm rõ nội dung nghiệp vụ uỷ thác, chưa mở sổ sách theo dõi tình hình các Tổ TK&VV, một số tổ trưởng chưa nắm chắc quy trình bình xét cho vay; việc ghi chép, theo dõi hộ vay vốn của các Tổ trưởng chưa đầy đủ tài liệu liên quan đến hoạt động uỷ thác, hay chưa triển khai kịp thời và không lưu trữ đầy đủ. Thứ hai, một số huyện có tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh (nợ cũ từ NHNo&PTNT bàn giao sang) chưa có biện pháp đôn đốc thu nợ. Thứ ba, công tác kiểm tra, giám sát chưa thực hiện nghiêm túc đúng Văn bản thoả thuận với NHCSXH, nội dung giám sát chưa cụ thể, chưa sâu, chưa biết phát hiện vấn đề vướng mắc ở cơ sở, do đó việc đề xuất, hướng dẫn cho cơ sở chưa kịp thời, công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động uỷ thác còn chung chung. Thứ tư, việc lồng ghép hoạt động cho vay với việc hướng dẫn kiến thức làm ăn cho thành viên vay vốn ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, đặc biệt với các thành viên không biết chữ.

Từ thực tế chỉ đạo hoạt động uỷ thác trong 5 năm qua, các cấp Hội PN tỉnh Cao Bằng rút ra 1 số bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất: Phải biết tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp; đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp, sự nhiệt tình tích cực phối hợp, tạo điều kiện của các ngành, đoàn thể trong tổ chức thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Thứ hai: Việc chỉ đạo hoạt động phải tập trung, dứt điểm, có sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa 2 ngành bằng Văn bản. Coi trọng và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và được thực hiện ngay từ khi lựa chọn người vay, đặc biệt đối với chị em phụ nữ dân tộc để họ hiểu rõ về nguồn vốn, hiểu đúng về trách nhiệm, tránh suy nghĩ ỷ lại, coi nguồn vốn ưu đãi đồng nghĩa với việc cho không.

Thứ ba: Chú trọng nâng cao chất lượng Tổ TK&VV theo hướng lồng ghép chặt chẽ cho vay vốn, nâng cao kiến thức trong sản xuất và đời sống. Quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội PN, đặc biệt là cán bộ hội cơ sở và Tổ trưởng Tổ TK&VV.

Thứ tư: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động uỷ thác trong hệ thống tổ chức hội để kịp thời phát hiện và giải quyết những tồn tại, yếu kém trong tổ chức, triển khai hoạt động uỷ thác. kịp thời động viên khen thưởng những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt hoạt động này.

Có thể khẳng định rằng, qua gần 5 năm thực hiện, hoạt động ủy thác cuả Hội PN đã đi vào nề nếp, mang ý nghĩa chính trị và tính nhân văn sâu sắc, tình làng nghĩa xóm được củng cố và phát triển ngày càng bền chặt. Cơ sở hội thường xuyên được củng cố, kiến thức và năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ không ngừng được nâng lên; các nội dung chương trình khác của hội được lồng ghép thuận lợi, thu hút ngày càng đông đảo phụ nữ tham gia vào tổ chức hội. Những kết quả trên đây cho thấy, hoạt động uỷ thác giữa các hội, đoàn thể và NHCSXH là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta; đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của đông đảo nhân dân, đặc biệt là các hộ nghèo và đối tượng chính sách. Hoạt động uỷ thác đã và đang góp phần tích cực trong cuộc chiến XĐGN và nó càng có ý nghĩa hơn với một tỉnh miền núi khó khăn như Cao Bằng.

Hoàng Thị Huyền Hội LHPN tỉnh Cao Bằng
Theo VBSP bank

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video