Hội LHPN Bắc Kạn quan tâm đến công tác dạy nghề cho phụ nữ

15/11/2013
Tạo việc làm, hỗ trợ nguồn vốn giúp phụ nữ phát triển kinh tế gia đình là một tiêu chí lớn luôn được Hội Phụ nữ các cấp đặc biệt quan tâm, chú trọng nhằm nâng cao vai trò vị thế của phụ nữ.

Những năm gần đây, bên cạnh việc tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ được vay vốn và duy trì hoạt động các tổ, câu lạc bộ giúp nhau phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn còn tích cực triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nữ ở khu vực nông thôn, trong đó chú trọng tới việc xây dựng các mô hình sau đào tạo nhằm giúp học viên áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Đặc biệt, từ đầu năm 2013 đến nay, Trung tâm dạy nghề - Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn phối hợp với các huyện tổ chức mở được 19 lớp đào tạo nghề về sản xuất chế biến miến dong, bảo quản tinh bột dong riềng, phân vi sinh, làm than tổ o­ng từ bã củ dong riềng, thêu ren, trồng rau sạch, dịch vụ du lịch, chăn nuôi… thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia.

Người học nghề có sẵn các điều kiện về tư liệu sản xuất như ruộng, vườn, vật nuôi, cây trồng... tại gia đình nên có nhiều thuận lợi, nhất là về địa điểm thực hành trực tiếp trong quá trình học. Nhờ đó, sau khi được đào tạo nghề đa số các học viên đã biết áp dụng kiến thức vào lao động sản xuất, tiết kiệm được thời gian lao động, giảm chi phí trong sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng sản lượng, chất lượng, giúp người lao động tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Mô hình trồng rau trong nhà lưới của chị Triệu Thị Thưởng tại thôn Phặc Tràng, xã Dương Quang, thị xã Bắc Kạn là một điển hình tiêu biểu. Năm 2011, chị cùng với 30 chị em phụ nữ của thôn được tham gia lớp dạy nghề trồng rau an toàn trong nhà lưới do Trung tâm dạy nghề Hội Phụ nữ tỉnh mở. Sau đào tạo với kiến thức đã được học, chị mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, đồng thời mở rộng diện tích trồng rau của gia đình. Đến nay, nguồn thu nhập chính của gia đình là từ các vụ rau trồng quanh năm, với thu nhập bình quân khoảng 80 - 90 triệu đồng/ha, hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng lúa và cách trồng rau như trước kia.

Chị Triệu Thị Dung, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Phặc Tràng, xã Dương Quang cũng tham gia mô hình trồng rau an toàn, chị chia sẻ: Mô hình trồng rau theo quy trình kỹ thuật do Hội Phụ nữ tỉnh tập huấn được chị em trong thôn áp dụng khá hiệu quả. Trong quá trình sinh trưởng duy nhất chỉ phun thuốc bảo vệ thực vật lúc gieo hạt để phòng trừ kiến, ngoài ra chị em còn được Hội Phụ nữ tỉnh hỗ trợ một số lưới bao phủ cho rau. Theo chị, trồng rau không cần nhiều vốn và đất, điều quan trọng là phải đảm bảo nguồn nước tưới và vệ sinh, cải tạo đất trồng thường xuyên. Mùa nắng cũng như mùa mưa, người trồng rau phải thường xuyên giữ cho lượng nước trung bình không bị thiếu mà cũng không bị ứ nước. Trung bình mỗi ngày, một hộ gia đình trồng rau trong thôn có thu nhập khoảng 500.000 - 600.000 đồng, tùy theo giá cả thị trường.

Song song với hoạt động đào tạo nghề, Hội Phụ nữ tỉnh luôn chú trọng tới việc xây dựng các mô hình sau đào tạo nhằm giúp học viên áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 11 mô hình phát triển kinh tế hoạt động có hiệu quả, đem lại nguồn thu đáng kể cho các gia đình học viên như: Hợp tác xã sản xuất phở khô (thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông); tổ dệt thổ cẩm, tổ chế biến tép chua (huyện Ba Bể); Hợp tác xã Miến dong Côn Minh (huyện Na Rì)…

Có thể thấy, việc lựa chọn đào tạo các ngành nghề phù hợp với nhu cầu của hội viên phụ nữ cùng việc xây dựng các mô hình sau đào tạo đã giúp học viên áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế một cách hiệu quả và trở thành hướng đi đúng đắn trong công tác đào tạo nghề cho phụ nữ. Thời gian tới, các cấp hội phụ nữ tiếp tục chủ động mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho phụ nữ khu vực nông thôn, đồng thời tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên phát triển kinh tế hộ gia đình bằng nhiều hình thức như: Mở rộng các loại hình kinh doanh dịch vụ, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thật vào sản xuất, góp phần ổn định kinh tế để chị em có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần./.

 

Theo backan.gov

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video