Hội LHPN Hương Khê – Hà Tĩnh: Hiệu quả từ phong trào giúp nhau làm kinh tế

30/09/2009
Như những cây thông xanh vươn mình trước phong ba bão táp, phong trào của Hội LHPN huyện Hương Khê cũng từng bước vựơt qua khó khăn vươn lên khẳng định mình bằng những kết quả đáng ghi nhận.

Đó là tỷ lệ tập hợp hội viên ngày càng cao, đời sống của chị em không ngừng được cải thiện, vị thế của người phụ nữ trong gia đình, xã hội ngày càng được củng cố. Chị Nguyễn Thị Tình - Chủ tịch hội LHPN huyện cho biết: “ Để khơi dậy phong trào, nâng cao đời sống cho hội viên, ngoài việc thực hiện tốt các phong trào thi đua của hội cấp trên, hàng năm chúng tôi đều xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với tình hình của địa phương đồng thời xây dựng các chỉ tiêu cơ bản nhất để tổ chức cho hội viên ký kết thi đua thực hiện. Điều chúng tôi đặc biệt chú trọng là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức mọi mặt cho hội viên và các hoạt động giúp nhau làm kinh tế”.

Từ hàng trăm lớp tập huấn, từ việc tăng cường bám sát cơ sở để chỉ đạo giám sát của đội ngũ cán bộ Hội cùng với khát vọng rút ngắn khoảng cách giữa vùng miền, thay đổi cuộc sống đã trở thành động lực để hội viên không ngừng cố gắng. Phong trào thi đua học tập đã giúp chị em từng bước thay đổi được nếp nghĩ, cách làm, từng bước khắc phục được tình trạng bảo thủ, chậm đổi mới trong chuyển giao KHKT…

Thành công từ phong trào học tập, nâng cao nhận thức cho hội viên đã thực sự tạo niềm tin và động lực cho hội phụ nữ huyện trong việc thực hiện nhiệm vụ giúp nhau xoá đói giảm nghèo. Bám sát chủ trương của cấp trên và nhu cầu của hội viên, Hội LHPN huyện đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành, chương trình, dự án để khai thác nguồn vốn. Nhờ thế đến nay, Hội đã có nguồn vốn 78 tỷ đồng cho cho 20.626 lượt chị em vay.

Nguồn vốn, kiến thức cùng sự cần cù, chịu thương chịu khó đã giúp cho những người phụ nữ chân yếu tay mềm nơi đây biến ước mơ thành hiện thực. Bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết, sự đe doạ của thiên tai, niềm tin vào một tương lai tươi sáng và những giọt mồ hôi mặn chát đổ xuống đã làm xanh lại những vùng đất khô cằn. Tiềm năng, thế mạnh của địa phương đang từng bước chuyển mình thức dậy. Cùng với sự đơm hoa kết trái của những trang trại cam ở Khe Mây, bưởi Phúc Trạch, màu xanh sinh sôi của gió trầm thì những loại giống mới như lúa lai, lạc, đậu cao sản…cũng đã góp phần mang lại những mùa bội thu no ấm. Nụ cười đã thay thế dần những nét khắc khoải, lo âu trên từng khuôn mặt.

Cùng với việc động viên chị em phát huy lợi thế vùng miền để làm giàu trên mảnh đất quê hương bằng các mô hình trang trại cây ăn quả cho thu nhập cao, hội LHPN huyện còn góp phần tạo việc làm cho hàng ngàn lao động bằng việc tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình đa dạng hoá thu nhập. Sự gương mẫu đi đầu của đảng viên, của đội ngũ cán bộ Hội cơ sở bằng những mô hình cho thu nhập cao đã trở thành động lực cho sự phát triển của phong trào. Nhờ thế đến nay, toàn huyện xây dựng được 415 mô hình, trong đó có 249 mô hình đã phát huy hiệu quả.

Nhiệm vụ hỗ trợ phát triển kinh tế- XĐGN đã thực sự trở thành phong trào sôi nổi được các cấp Hội triển khai sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Với phương châm: ở đâu có phụ nữ nghèo là ở đó có các hoạt động giúp đỡ, phát huy cao độ tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư nên thời gian qua các cấp hội phụ nữ toàn huyện đã nhận giúp đỡ 1.345 hộ nghèo có địa chỉ và đến nay đã có 752 hộ thoát nghèo. Ngoài việc đầu tư vay vốn, phụ nữ Hương Khê còn đẩy mạnh các hoạt động tín dụng tiết kiệm. Chị Tình cho biết: “ Đến nay chúng tôi đã thành lập được 539 nhóm TDTK trên địa bàn 18 xã thị với tổng nguồn vốn đã lên tới gần 1,4 tỷ đồng cho 2.016 lượt hội viên vay vốn”.

Hoạt động của chương trình TDTK không chỉ góp phần giúp chị em biết hạch toán chi tiêu, biết tích luỹ mà còn hạn chế được tình trạng vay nặng lãi, bán sản phẩm non, góp phần xiết chặt thêm mối quan hệ tình làng nghĩa xóm.

Thuý Ngọc
Báo Hà Tĩnh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video