Hội LHPN huyện Phổ Yên - Thái Nguyên: Triển khai hiệu quả chương trình “ngân hàng bò sinh sản”

14/09/2010
Với mục tiêu nhằm giúp đỡ các hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo do phụ nữ làm chủ từng bước khắc phục khó khăn, tổ chức sản xuất hộ gia đình hiệu quả, tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động dôi dư, góp phần thực hiện công tác xoá đói - giảm nghèo bền vững, năm 2000, Hội LHPN huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai mô hình “Bò nái sinh sản”, đến năm 2005 chuyển đổi thành “Ngân hàng Bò sinh sản”.

Những ngày đầu triển khai chương trình gặp rất nhiều khó khăn: hội viên phụ nữ cho rằng đây là dự án “cho không” nên chị em thích nuôi thì nuôi, không thích nuôi thì bán; số lượng bò được hỗ trợ ít trong khi số hội viên phụ nữ nghèo lại đông; kinh nghiệm chăn nuôi, chăm sóc bò, kinh nghiệm quản lý của Ban quản lý còn rất thiếu; thiên tai, dịch bệnh hoành hành nên có những lúc chương trình dường như không thể tiếp tục triển khai được…

Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Hội LHPN huyện đã xin ý kiến Thường trực huyện uỷ tổ chức phát động cuộc vận động quyên góp, ủng hộ đến 100% cơ sở Hội thành 2 đợt với tổng số tiền quyên góp được là 38 triệu đồng (năm 2000 được 16 triệu, năm 2005 được 22 triệu). Hội cũng chỉ đạo thành lập ban quản lý cấp xã và ban giám sát tại các chi hội, xây dựng quy chế hoạt động, giám sát chặt chẽ để các hộ chăn nuôi sử dụng đàn bò đúng mục đích, đem lại hiệu quả thiết thực. Ban Quản lý cấp xã chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của chương trình và báo cáo định kỳ về Hội LHPN huyện, tham gia bình chọn, đánh giá khi chuyển giao bò mẹ từ hộ này sang hộ khác. Ban giám sát cùng các hộ gia đình được nuôi bò tìm mua giống bò phù hợp với điều kiện của địa phương, giám sát việc chăm sóc, nuôi dưỡng bò, giúp đỡ lúc họ gặp khó khăn, tham gia lựa chọn thành viên mới và đánh giá khi chuyển giao bò mẹ, chịu trách nhiệm về sự phát triển của đàn bò tại chi hội. Đối với người hưởng lợi, khi bê con được 8-12 tháng tuổi, có trách nhiệm báo cáo với ban giám sát, Ban Quản lý, Hội LHPN huyện, cấp uỷ cơ sở để tổ chức đánh giá giá trị của bò mẹ và bê con với tinh thần dân chủ, thống nhất…

Sau 10 năm nỗ lực cố gắng của các cấp Hội, điển hình như Hội LHPN các xã Vạn Phái, Minh Đức, Đắc Sơn, Tiên Phong, chương trình “Ngân hàng bò sinh sản” ngày càng phát triển, đạt được những kết quả khả quan: Từ 9 con bò năm 2000 (trị giá 16 triệu đồng) đến tháng 1/2010 đã phát triển thành 145 con (trị giá 370 triệu đồng); giúp được 145 hộ nghèo trong đó có 79 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ và có 93 hộ đã thoát nghèo (trong đó có 67 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ); giải quyết cho 290 lượt lao động tại các gia đình có việc làm ổn định.

Hoạt động của chương trình “Ngân hàng Bò sinh sản” cùng với các chương trình trọng tâm khác của Hội đã giúp được 6.967 lượt hội viên phụ nữ nghèo, trong đó có 1.790 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, đạt 72% chỉ tiêu; góp phần tích cực trong việc duy trì đàn bò tại huyện từ 6.289 con (năm 2001) lên 13.940 con (năm 2009); năng suất lúa tăng từ 43,2tạ/ha (năm 2001) lên 49,6 tạ/ha (năm 2009); cùng các cấp, các ngành thực hiện mục tiêu giảm nghèo từ 23,89% (2003) xuống còn 9,22% (năm 2009). Cũng từ chương trình này đã thu hút và phát triển hội viên phụ nữ ngày một tăng từ 13.104 hội viên (năm 2002 đạt 43,9%) lên 28.554 (2009 đạt 81,7%). 

Lê Hương
Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video