Hội thảo Phát triển Nghề Công tác xã hội tại Việt Nam

04/11/2009
Chiều ngày 3/11/2009, tại TP.Đà Nẵng, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Việt Nam và Tổ chức Atlantic Philanthropies tổ chức Hội thảo quốc tế về phát triển nghề công tác xã hội tại Việt Nam.

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Nông Thị Ngọc Minh, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Jesper Morch; các ông, bà là Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam; đại diện các Hiệp hội, các trường, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công tác xã hội trong nước và quốc tế; đại diện các Bộ, ngành, tổ chức hữu quan ở Việt Nam cùng đông đảo các nhà quản lý, chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về công tác xã hội đến từ nhiều nước trên thế giới…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh, đối với nhiều quốc gia trên thế giới, công tác xã hội đã phát triển trở thành một nghề chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đối với Việt Nam nghề công tác xã hội mới chỉ ở bước đầu hình thành, chưa được phát triển theo đúng ý nghĩa của nó trên tất cả các khía cạnh, từ nhận thức, thể chế, mạng lưới tổ chức hoạt động, đội ngũ cán bộ, nhân viên chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở dịch vụ về công tác xã hội chưa phát triển trong khi để thực hiện tốt các chính sách xã hội thì việc phát triển nghề công tác xã hội là hết sức cần thiết, là một yêu cầu khách quan của quá trình phát triển và hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập để nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển nghề công tác xã hội. Đến nay, dự thảo Đề án này đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các Bộ, ngành hữu quan, các chuyên gia, nhà quản lý…Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo nêu trên, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo hôm nay với mong muốn tạo một diễn đàn hiệu quả cho các đại biểu trong nước và quốc tế tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện Đề án; Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về nghề công tác xã hội cũng như các mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội có hiệu quả; Đánh giá nhu cầu và đề xuất định hướng cho việc đào tạo nghề này; Định hướng truyền thông về phát triển nghề công tác xã hội và Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc đào tạo và phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam.

Sau phần phát biểu chào mừng Hội thảo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nông Thị Minh với những chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, cụ thể là những sáng kiến như “5 không- 3 có” ở một đô thị lớn, đang trên đà phát triển, các đại biểu tham dự Hội thảo đã được nghe bài phát biểu của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trong đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, việc cần phải có một đội ngũ cán bộ chuyên trách để đối phó với những vấn đề xã hội bức xúc, nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội đất nước. “ Nghề công tác xã hội đã ra đời và cần phải vươn lên trở thành một nghề chuyên nghiệp, có mã ngành, mã nghề, thang bảng lương và dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp cần được phát triển không chỉ trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, tư pháp và các lĩnh vực dân sự…”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh.

Tiếp đó, hội thảo cũng đã được nghe các phát biểu của Trưởng đại diện UNCEF tại Việt Nam, tại bài phát biểu này, ông Jesper Morch cho rằng: “Việt Nam đã đạt được một bước tiến quan trọng trong việc công nhận công tác xã hội là một bộ môn đào tạo tại bậc đại học, thành quả gặt hái đầu tiên là khoá cử nhân công tác xã hội đầu tiên sẽ ra trường vào năm nay. Tôi xin chúc mừng Chính phủ Việt Nam với thành công này. Bây giờ là lúc chúng ta cần đi tiếp những bước đi tiếp theo, ví dụ như xây dựng mã nghề cụ thể và các vị trí cán bộ công tác xã hội trong một số cơ quan và tổ chức cũng như xây dựng hệ thống dịch vụ công tác xã hội”…

Sau phần phát biểu của đại diện các tổ chức: Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Việt Nam, Tổ chức Atlantic Philanthropies…., tại bài phát biểu của mình, bà Angie Yuen, Chủ tịch Hiệp hội các Trường đào tạo Công tác xã hội Quốc tế đã đánh giá cao những nỗ lực của Nhà nước Việt Nam và Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội trong những nỗ lực nhằm đưa công tác xã hội trở thành một nghề trong một vài năm gần đây. Cùng với việc đưa ra những khó khăn, thách thức và cơ hội đào tạo công tác xã hội trong bối cảnh toàn cầu hoá, bà cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh các vấn đề xã hội bức xúc giống nhau đang nảy sinh ở nhiều quốc gia khác nhau thì việc liên kết, phối hợp giữa các quốc gia để đối phó là yêu cầu khách quan, cấp thiết. Bà cũng cho rằng, việc tập trung phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam đang là một hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế toàn cầu hoá các giá trị văn hoá tốt đẹp. Bà cũng hy vọng, với những nỗ lực của Việt Nam, việc chuyên nghiệp hoá nghề công tác xã hội sẽ làm thay đổi bộ mặt xã hội ở Việt Nam trong những năm tới.

Tiếp đó, các đại biểu tham dự Hội thảo tiếp tục được nghe các bài trình bày về: Vai trò và chức năng của cán bộ công tác xã hội của bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng bảo vệ trẻ em UNICEF Việt Nam; Giới thiệu Đề án Quốc gia về Phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam của Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội Nguyễn Văn Hồi; Kinh nghiệm Quốc tế và thực tiễn phát triển nghề công tác xã hội của bà Martha Bragin đến từ trường Cao đẳng Hunter, Đại học NewYork (Hoa Kỳ).

Trong khuôn khổ hội thảo, Lễ ký Bản Tuyên bố Hợp tác phát triển nghề Công tác xã hội ở Việt Nam cũng đã diễn ra trước sự chứng kiến của đại diện các Bộ, ngành hữu quan và các tổ chức. Theo đó, các Bộ, ngành, tổ chức liên quan và các đại biểu tham dự hội thảo cùng cam kết thúc đẩy phát triển nghề công tác xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 với những mục tiêu cụ thể bao gồm: 1.Xây dựng khuôn khổ pháp lý cho phát triển nghề công tác xã hội; 2. Ban hành mã nghề, chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ, tiêu chuẩn đạo đức nghề công tác xã hội; 3. Phát triển giáo dục và đào tạo công tác xã hội ở các trình độ, xây dựng chương trình, giáo trình và thực hành công tác xã hội và 4. Xây dựng và phát triển hệ thống hỗ trợ và dịch vụ xã hội.

Theo dự kiến, trong ngày làm việc thứ hai, sẽ diễn ra 4 phiên hội thảo song song với 4 chủ đề: Khung khổ pháp lý phát triển nghề công tác xã hội; Giáo dục và Đào tạo công tác xã hội; Phát triển mạng lưới và dịch vụ công tác xã hội trong lĩnh vực phúc lợi xã hội và Phát triển mạng lưới dịch vụ công tác xã hội trong lĩnh vực y tế và các lĩnh vực khác./.

Theo molisa.gov.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video