Hội thảo tổng kết dự án “Xúc tiến đa tổ chức tiếp cận dựa vào cộng đồng nhằm giải quyết hai vấn nạn song hành: buôn bán phụ nữ, trẻ em và HIV/AIDS”

03/03/2012
Ngày 15/ 02/2012, tại Hà Nội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã chủ trì tổ chức Hội thảo tổng kết dự án “Xúc tiến đa tổ chức tiếp cận dựa vào cộng đồng nhằm giải quyết hai vấn nạn song hành: buôn bán phụ nữ, trẻ em và HIV/AIDS”.

Tham dự Hội thảo có các đại biểu đại diện đến từ các bộ, ngành liên quan; các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ; các đại biểu đến từ chính quyền địa phương, Hội LHPN của 7 tỉnh/thành: Hà Nội, Lào Cai, Lạng Sơn, Nam Định, Hà Nam, Thái Nguyên, Bắc Giang; 4 huyện, thành phố, 16 xã thực hiện dự án.

“Xúc tiến đa tổ chức tiếp cận dựa vào cộng đồng nhằm giải quyết hai vấn nạn song hành: buôn bán phụ nữ, trẻ em và HIV/AIDS” là dự án được thực hiện trong 3 năm (từ tháng 11/2008 đến tháng 10/2011) với sự tài trợ của Quỹ Phát triển Phụ nữ của Liên Hợp Quốc (viết tắt là UN WOMEN); 4 đối tác tham gia thực hiện dự án là: Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Viện Sức khỏe Sinh sản và Gia đình (RaFH), Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn và Hội LHPN tỉnh Lào Cai. Trong đó, Trung ương Hội LHPN Việt Nam chịu trách nhiệm thực hiện hợp phần về truyền thông phòng, chống mua bán người; phòng chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới. Hợp phần được triển khai trên địa bàn 16 xã thuộc hai huyện: Bát Xát của tỉnh Lào Cai và Bình Gia của tỉnh Lạng Sơn.

Báo cáo Kết quả thực hiện hợp phần truyền thông của Trung ương Hội LHPN Việt Nam tại Hội thảo cho biết, trong 3 năm qua, tại 16 xã thực hiện dự án, Hội đã thành lập 16 đội can thiệp gồm 112 thành viên đóng vai trò tuyên truyền viên tại cộng đồng và 16 câu lạc bộ Nâng cao quyền năng cho phụ nữ với 102 cuộc sinh hoạt, thu hút 2.406 lượt người tham gia. Bằng nhiều hình thức sinh hoạt hấp dẫn như: phát tài liệu truyền thông, thuyết trình, thảo luận nhóm, trò chơi, tiểu phẩm, văn nghệ... các thành viên của CLB cũng như người dân trong cộng đồng đã được cung cấp những kiến thức, hiểu biết liên quan đến mua bán người, di cư an toàn, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới... Dự án cũng đã tiến hành được 83 buổi thảo luận nhóm cho thanh niên, đối tượng dễ bị tổn thương, nhóm nguy cơ là nữ thanh niên trong độ tuổi lấy chồng, gia đình không hạnh phúc, nghèo đói, không có việc làm, là nạn nhân của bạo lực gia đình và các nam thanh niên, thu hút 1.399 lượt người tham gia. Tổ chức 452 cuộc truyền thông cộng đồng với 19.076 lượt người tham gia. Đặc biệt, các thành viên đội can thiệp cộng đồng ở 1 số xã đã sáng tạo đưa nội dung tuyên truyềntrên hệ thống loa truyền thanh của địa phương, mang lại hiệu quả truyền thông rất cao.

Bà Từ Thị Thử, Chủ tịch Hội LHPN xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai (xã triển khai dự án) chia sẻ: Những hoạt động, mô hình của dự án đã mang lại những hiệu quả tích cực rõ rệt. Ví dụ, tại thôn 18 của xã, khi CLB Nâng cao quyền năng cho phụ nữ được thành lập (cuối năm 2009) chỉ thu hút được một số thành viên tham gia thì nay, với những nội dung sinh hoạt phong phú, bổ ích, hình thức sinh động, hấp dẫn, số thành viên tham gia đã tăng lên 45 người, góp phần làm giảm tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn (từ 8 vụ khi bắt đấu triển khai dự án nay chỉ còn 1 vụ).

Phát biểu tại Hội thảo, Ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch khẳng định, bạo lực gia đình đã và đang là mối quan tâm của toàn xã hội; Đảng, Nhà nước đã và luôn có những chính sách, hỗ trợ để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, các địa phương triển khai các hoạt động; xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng chống bạo lực gia đình cũng như những hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình. Phó Vụ trưởng cũng cho biết, từ năm 2012, Bộ VHTT&DL giao các tỉnh, thành phố trực thuộc TW bắt đầu thực hiện chỉ tiêu nhân rộng địa bàn thực hiện mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó vai trò của các hội, ngành, đoàn thể, đặc biệt là của các cấp Hội LHPN là rất quan trọng.

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả đạt được, xác định những thuận lợi, khó khăn cũng như bài học kinh nghiệm trong 3 năm thực hiện Dự án. Đưa ra các giải pháp, đề xuất nhằm duy trì và nhân rộng mô hình dự án thông qua nguồn ngân sách của chương trình hành động, chương trình mục tiêu quốc gia và vận động nguồn tài trợ; đồng thời tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan để đẩy mạnh truyền thông và tác động chính sách liên quan đến phòng, chống mua bán người; phòng, chống bạo lực gia đình và thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam.

Vũ Hoa- TTTT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video