Kết quả 5 năm thực hiện Đề án 343 của tỉnh Quảng Ngãi

13/11/2015
Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh Quảng Ngãi luôn xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” (gọi tắt là Đề án 343PN), Ban Chỉ đạo Đề án 343 của tỉnh đã chỉ đạo các Tiểu Đề án tổ chức triển khai các hoạt động và được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự hỗ trợ kinh phí của UBND các cấp và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể liên quan; việc triển khai, thực hiện nội dung 4 Tiểu Đề án do Hội LHPN tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch chủ trì đạt được những kết quả có chuyển biến tích cực, được các cấp, các ngành, địa phương và các tầng lớp phụ nữ, cộng đồng hưởng ứng.

Ngay từ những năm đầu triển khai thực hiện Đề án, Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đã chỉ đạo các Sở, ngành chủ trì các Tiểu Đề án, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai Đề án tại địa phương, đơn vị.

Công tác tuyên truyền được các Sở, ngành chủ trì Tiểu Đề án coi trọng; đến nay Sở Giáo dục & Đào tạo đã chỉ đạo và triển khai tuyên truyền cho 100% đơn vị phòng giáo dục các huyện, các trường học hệ THPT trong toàn tỉnh xây dựng kế hoạch và thực hiện tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong đơn vị, trường học. Các cơ quan báo chí, Đài phát thanh- Truyền hình, Đài Truyền thanh các huyện, thành phố đều chú trọng tuyên truyền về giáo dục phẩm chất đạo đức của phụ nữ thời kỳ CNH, HĐH đất nước; phản ảnh nhiều tấm gương người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến về phụ nữ trên các chuyên mục, chuyên trang của Đài, Báo. Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch đã lồng ghép tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của người phụ nữ Việt nam, tích cực quảng bá, giới thiệu hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới. 100% các cấp Hội Phụ nữ tổ chức tập huấn, truyền thông rộng rãi về các phẩm chất đạo đức phụ nữ “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, nêu gương điển hình phụ nữ trong các lĩnh vực hoạt động trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bằng các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú của các tiểu Đề án, đến nay có trên 80% cán bộ, hội viên phụ nữ, nữ đoàn viên thanh niên, nữ cán bộ công chức được tuyên truyền thông qua các kênh thông tin, truyền thông, qua đó đã tác động sâu sắc đến nhận thức, tư tưởng trong chị em phụ nữ, tạo cho cán bộ, hội viên, phụ nữ nói riêng và người dân, cộng đồng, xã hội nói chung  có ý thức trong việc học tập, rèn luyện các phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” của người phụ nữ Việt Nam, góp phần thực hiện tốt các tiêu chí về xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Về công tác xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cũng được các Sở, ngành chủ trì các Tiểu Đề án chú trọng. Sở Giáo dục & Đào tạo đã chủ trì tổ chức 26 lớp tập huấn cho 1.250 đại biểu là đại diện lãnh đạo Phòng Giáo dục, Ban Giám hiệu trường Trung học phổ thông, Trung tâm giáo dục thường xuyên, cán bộ phụ trách Công đoàn, cán bộ phụ trách Đoàn Đội và một số cán bộ quản lý cấp trường Tiểu học, Trung học cơ sở, giáo viên Tổng phụ trách Đội, cán bộ Đòan trường học. Các đơn vị trong ngành giáo dục đã tổ chức 673 lớp tập huấn và triển khai cho các trường (thuộc Phòng GD) và các tổ khối, tuyên truyền cho học sinh (thuộc các trường THPT, DTNT và GDTX) cho 49.320 giáo viên và 47.170 học sinh.

Hội LHPN tỉnh tổ chức 73 lớp tập huấn về các chuyên đề tuyên truyền, giáo dục các phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các kỹ năng trong công tác tuyên truyền cho 4.581 lượt  là báo cáo viên các cấp; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN cơ sở, cán bộ Đoàn Thanh niên, cán bộ phụ trách nữ công Công đoàn cấp cơ sở; Bí thư, Phó Bí thư Chi đoàn thôn, Chi hội trưởng phụ nữ của 14 huyện trong tỉnh. Hội LHPN cấp huyện, xã tổ chức 167 lớp tập huấn tại huyện và cơ sở cho 10.116 lượt chị là báo viên cấp huyện, tuyên truyền viên cấp cơ sở .

Qua công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của các cấp Hội, của ngành giáo dục được kiện toàn, chất lượng nâng lên, có khả năng tuyên truyền, truyền thông thay đổi hành vi, nắm bắt và phản ánh dư luận xã hội, tổ chức được các hoạt động truyền thông tại cộng đồng, trong hệ thống trường học.

 Về công tác kiểm tra giám sát Đề án được Ban chỉ đạo 343 của tỉnh đã tiến hành kiểm tra việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Đề án tại 9 đơn vị, địa phương trên tổng số 14 huyện, 4 ngành. Qua kiểm tra, các ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch lồng ghép tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Riêng Hội LHPN tỉnh hàng năm tổ chức 02 đợt kiểm tra (28 cuộc tại 14/14 huyện/thành phố và 56 cuộc kiểm tra tại 28 xã, phường, thị trấn của 14 huyện, thành phố; đến thăm và kiểm tra tại 56 chi hội phụ nữ) để nắm tình hình, đánh giá kết quả triển khai Tiểu Đề án.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại nhất định, đó là: Việc triển khai kế hoạch thực hiện các Tiểu Đề án đối với các ngành và các huyện còn chậm về tiến độ và hoạt động của các Tiểu Đề án chưa triển khai đồng đều. Các Tiểu Đề án tuy đã được các Bộ, ngành TW ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai nhưng sự chỉ đạo, hướng dẫn thiếu đồng bộ nên cấp tỉnh rất khó khăn trong phối hợp triển khai thực thực hiện, một số ngành, địa phương chưa thật sự vào cuộc. Ở cấp huyện, kinh phí cấp cho đoạt động Đề án, Tiểu Đề án còn hạn hẹp, thậm chí còn một số huyện trong nhiều năm chưa được cấp kinh phí hoạt động và cấp xã không được cấp kinh phí hoạt động đã gây khó khăn cho việc triển khai các hoạt động. Vì vậy, phần lớn hoạt động của các Tiểu Đề án lồng ghép với các chương trình, hoạt động của ngành, của Hội ở địa phương nên hiệu quả chưa cao, một số chỉ tiêu của Đề án chưa đạt so với yêu cầu đề ra. Công tác tuyên truyền ở một số địa phương chưa thường xuyên, các hình thức tuyên truyền chưa phong phú nên hiệu quả chưa cao; trong quá trình triển khai Đề án, chưa xây dựng được các mô hình cụ thể để nhân ra diện rộng; vai trò tham mưu của cơ quan thường trực (Hội LHPN) thực hiện Đề án ở một số địa phương chưa tích cực, chủ động; công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án ở một số ngành, địa phương từng lúc, từng nơi chưa thường xuyên.

Trong thời gian tới, những hạn chế, khó khăn này cần được khắc phục và để đẩy mạnh thực hiện các họat động của Đề án có hiệu quả hơn; trong đó cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH đất nước hướng tới chuyển đổi hành vi của phụ nữ, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Các ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động và kinh phí để tiếp tục tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và kế hoạch tổng thể của Ban chỉ đạo cấp tỉnh và kế hoạch chi tiết của Ban chỉ đạo cấp huyện, ngành đề ra. Các cơ quan chủ trì các Tiểu Đề án tăng cường phối hợp triển khai đồng bộ để đạt mục tiêu chung của Đề án. Tiếp tục tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ báo cáo viên cấp huyện và tương đương; tuyên truyền viên cấp cơ sở. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền đến các nhóm đối tượng. Tiếp tục xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình, chuyên mục, chương trình. Tổ chức kiểm tra, giám sát, tổ chức hội nghị sơ, tổng kết Đề án, Tiểu Đề án do ngành chủ trì, đánh giá rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện.

hoiphunu.quangngai.gov.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video