Khảo sát đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước tại tỉnh Gia Lai

11/07/2012
Vừa qua, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Thanh Hoà - Thứ trưởng thường trực Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam, đại diện Ban Dân vận TW, TW Hội LHPN Việt Nam dẫn đầu đã có chuyến khảo sát Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước tại tỉnh Gia Lai.

Đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh uỷ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể liên quan của tỉnh. Đoàn cũng đã đi nắm tình tình thực tế triển khai thực hiện Nghị quyết của huyện Phú Thiện và xã IASOL. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 11, tuy là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Nguyên có nhiều khó khăn với trên 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng nhìn chung, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tỉnh Gia lai đã thực hiện nghiêm túc việc tổ chức quán triệt và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Bằng nhiều hình thức triển khai tuyên truyền, tập huấn, cung cấp tài liệu, tinh thần cơ bản của Nghị quyết đã được chuyển tải đến tận cán bộ, đảng viên, hội viên, phụ nữ. 17/17 huyện, thị, thành ủy Gia Lai đã xây dựng chương trình hành động và hướng dẫn cấp cơ sở tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của tỉnh đến cán bộ, đảng viên, hội viên phụ nữ các cấp, góp phần làm thay đổi, nâng cao nhận thức đối với công tác phụ nữ trong hệ thống chính trị. Từ năm 2007 đến nay, tỉnh đã tổ chức được 594 lớp tập huấn kiến thức về Giới, Luật Bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình... với gần 74 nghìn lượt người tham gia; đào tạo nghề cho hơn 12 nghìn lượt chị em, phụ nữ.Năm 2011, Gia Lai đã giải quyết việc làm mới cho 23 nghìn lao động, đạt 104,5%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó lao động nữ là 12.396 chiếm 53,9%;hỗ trợ vốn vay cho phụ nữ nghèo từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, việc làm đạt 100%, tăng 30% so với năm 2008; giải quyết cho 71% phụ nữ vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội để chị em có điều kiện vươn lên xoá đói, giảm nghèo. Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức các lớp học xoá mù chữ cho phụ nữ dân tộc, kết quả 95,7% chị em trong độ tuổi 15 - 35 được xoá mù chữ; tham gia xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” và xây dựng người phụ nữ Gia Lai “Có lòng tự trọng, có bản lĩnh, có tri thức, có sức khoẻ và giàu lòng nhân ái”, giáo dục chị em không chỉ phát huy chế độ mẫu hệ trong gia đình, mà còn cần mạnh dạn, tự tin tham gia công tác xã hội. Ngoài ra, tỉnh đã thúc đẩy các giải pháp tạo việc làm ở nhiều lĩnh vực phù hợp với lao động nữ như: phát triển ngành nghề ở khu vực đô thị và đẩy mạnh hoạt động thương mại - dịch vụ ở các địa phương, mở rộng làng nghề truyền thống…

Đặc biệt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ cho cán bộ nữ đi học, chính sách đối với phụ nữ là người dân tộc thiểu số; chính sách cho phụ nữ đi học Thạc sĩ, Tiến sĩ, đảm bảo việc bình đẳng giới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ nữ. Hiện nay, cán bộ nữ của tỉnh, huyện giữ chức danh chủ chốt của các sở, ban, ngành, đoàn thể đều bố trí ít nhất 01 đồng chí lãnh đạo. Nhiệm kỳ 2010 - 2015, tỷ lệ nữ tham gia BCH Đảng bộ cấp xã đạt 15,6%, cấp huyện đạt 14,36% và cấp tỉnh đạt 10,9%.Nhiệm kỳ 2011 - 2016, tỷ lệ nữ được bầu vào Quốc Hội đạt 14,3%; đại biểu HĐND cấp tỉnh 31,16%, cấp huyện/thị/thành 23,8% và cấp xã/phường/thị trấn 21,6%.

Thay mặt đoàn khảo sát Trung ương, đồng chí Nguyễn Thanh Hoà đã đánh giá cao việc triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11 của tỉnh Gia Lai. Đồng chí cũng đề nghị Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết; tuyên truyền và tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ chủ chốt về bình đẳng giới, tiến bộ của phụ nữ; rà soát lại việc phân công nội bộ tỉnh trong thực hiện Nghị quyết và cụ thể hoá chỉ tiêu thực hiện trong tỉnh đến năm 2015 và 2020. Mặt khác, đồng chí cũng nhấn mạnh tỉnh cần quan tâm đào tạo cán bộ nữ, phải gắn với quy hoạch và phải làm từ bây giờ thì mới có nguồn cho nhiệm kỳ tới; kiện toàn bộ máy Ban vì sự tiến bộ của Phụ nữ tỉnh, xem xét để có cán bộ chuyên trách làm công tác này và cần phân bổ ngân sách cho hoạt động này hàng năm; đặc biệt cần thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện Nghị quyết qua đó kịp thời đề ra biện pháp khắc phục, mang lại hiệu quả thiết thực, đẩy mạnh phong trào phụ nữ của tỉnh Gia Lai ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Thanh Hương - Ban Gia đình - Xã hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video