Lá thư “bạn của tòa”

05/04/2006
Ngày 10-4 tới dự kiến diễn ra phiên tranh tụng miệng về vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam - dioxin VN đối với các công ty hóa chất đã sản xuất dioxin ở Mỹ. Trong thời gian này, tòa án phúc thẩm của Mỹ đang tiếp nhận những lá thư của “những người bạn của tòa” nhằm thu thập thêm thông tin, dư luận. Một trong những lá thư đó có nội dung như sau:

Thưa quí tòa,

...Tôi không phải là nạn nhân chất độc da cam - dioxin, cũng không phải là bác sĩ chăm sóc họ, càng không phải là luật sư bảo vệ quyền lợi của họ. Tôi chỉ là một phụ nữ Việt Nam bình thường, làm việc tại một bảo tàng nhỏ ở TP.HCM, nơi có trưng bày về hậu quả chiến tranh ở Việt Nam. Công việc hằng ngày đã khiến tôi gặp gỡ rất nhiều nạn nhân chiến tranh, từ những người bị thương tật bởi bom đạn, tù đày đến những người không còn gia đình để nương tựa.

Những người chết đã được tưởng nhớ, khóc thương và cúng viếng; những vết thương trên thịt da người còn sống đã lành và người ta ít nhiều đã thích nghi với cuộc sống thiếu đi một phần thân thể. Nhưng từ mấy mươi năm trước một mối hiểm họa lạ lùng đã xuất hiện và rồi đeo bám chúng tôi dai dẳng cho đến tận ngày hôm nay. Đó là chất độc dioxin.

...Quí tòa có biết bao nhiêu phụ nữ Việt Nam nghèo nàn, ít học, sinh ra hoặc sinh sống trong vùng bị phun rải chất độc hóa học không thể nào hiểu nổi cấu tạo hóa học cùng những tác dụng của dioxin dù có giải thích cặn kẽ đến đâu. Họ chỉ có thể cạn nước mắt khóc than cho số phận của mình khi sinh ra hết đứa con này đến đứa con khác bị dị dạng, tật nguyền, sống không được mà chết cũng không xong.

Một số người quá sợ hãi, cho rằng gia đình hoặc bản thân mình làm điều gì đó sai trái nên phải gánh chịu  hậu quả thảm khốc, thế là họ không dám ăn thịt cá, không dám giết thịt dù một con gà, con vịt. Vậy mà họ vẫn sinh ra những đứa trẻ khó gọi là con người! Một số phụ nữ đã phát điên vì quá đau khổ; một số khác tự tử để chạy trốn khỏi số phận nghiệt ngã của mình... Còn rất nhiều người khác phải cắn răng quần quật làm lụng để kiếm sống và nuôi nấng, chăm sóc những đứa trẻ tật nguyền, ngây dại cho đến hơi thở cuối cùng...

Thưa quí tòa,

Số phận của những đứa trẻ sinh ra trong ảnh hưởng của chất dioxin cũng nghiệt ngã không kém. Các cháu không thể đi đứng, nói năng, sinh hoạt bình thường đã đành, cả những niềm vui nhỏ bé dành cho tuổi thơ chúng cũng không được hưởng.

Chúng tôi đã một vài lần đưa đoàn xiếc, đoàn múa rối vào làng Hòa Bình - nơi nuôi dưỡng một số trẻ em bị nhiễm chất độc dioxin. Các cháu quá xấu xí, dị dạng, tật nguyền nên khó mà ra ngoài rạp xem phim, xem xiếc hay múa rối được. Các cháu đã háo hức chờ đón chúng tôi, đã vui sướng ngồi xem múa rối, xem xiếc.

Nhưng ngay sau tiết mục đầu tiên chúng tôi lại không nghe một tiếng vỗ tay nào, không hề có! Thì ra các cháu không có tay, hoặc không có đủ hai tay để vỗ! Một phút sau các cháu như sực tỉnh, cháu không có tay thì gào lên cổ vũ hoặc đập hai chân xuống sàn, cháu có một tay thì vỗ vào vai mình để tạo ra tiếng động... để thể hiện sự thích thú của mình.

Khi tôi bế một cháu bé cụt hai tay ngồi xem xiếc, cháu khẽ nói: “Cô ơi, cô gãi đầu giùm con đi, con ngứa quá!”. Tôi đưa tay gãi đầu cho cháu mà nước mắt tuôn như suối và trái tim tôi đau đớn tưởng như vỡ nát.

Cuộc chiến tranh nào đó xa lắc xa lơ đã đem lại cho ai đó bao nhiêu lợi nhuận thì tôi không biết, mà giờ đây các cháu bé bỏng, ngây thơ, hồn nhiên của chúng tôi lại phải gánh chịu hậu quả đến nỗi không có tay để gãi đầu khi ngứa, để bóc kẹo mà ăn, để vỗ tay khi xem xiếc! Điều đó quá bất công đối với các cháu! Ai có thể bù đắp cho những nỗi đau đó?

...Các nhà khoa học, các bác sĩ và các luật sư sẽ cung cấp cho quí tòa những chứng cứ khoa học về hậu quả của chất độc dioxin đối với con người ở Việt Nam. Còn tôi xin quí tòa hãy nghĩ đến những số phận nghiệt ngã, những mảnh đời bất hạnh mà tôi vừa kể trên trước khi phán quyết.

 

Theo Tuổi trẻ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video