Làng thiếu... đàn ông

21/08/2007
Mấy mươi năm qua, với 5 người đàn ông trở về sau cuộc chiến, làng Gia Hội đã "lớn lên" trong bàn tay của những người phụ nữ. Ở đây, đàn bà làm hết mọi việc, từ cày, bừa, ... đến xây nhà, chống bão lụt... Khiêng đám ma cũng toàn là vai phụ nữ.

Gia Hội (xã Bình Thanh Tây) là làng có truyền thống cách mạng nổi tiếng không chỉ của huyện Bình Sơn mà còn cả tỉnh Quảng Ngãi. Làng có 51 ngôi nhà nhưng có đến 52 liệt sỹ, 9 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đáng nói hơn trong 51 ngôi nhà đó có đến 66 phụ nữ đơn thân - chồng chết, chồng phụ, không chồng...

Lẻ bóng

Từ mấy chục năm qua, trong ngôi nhà này chỉ có 3 người phụ nữ sống với nhau. Mẹ góa chồng từ năm 33 tuổi, 2 con gái đều không có chồng.

Khi chồng bị giặc bắn chết, bà Phê đã 5 con, 33 tuổi - cái tuổi không còn trẻ nhưng chưa thể gọi là già. Bà thường xuyên bị địch o ép, dọa dẫm, muốn bà đi bước nữa với người "quốc gia" để thể hiện cách ly cộng sản. Nhưng dọa dẫm thế nào bà cũng không sờn.

Vừa khoai sắn nuôi 5 đứa con, vừa hoạt động cách mạng. Kể từ năm 1962, khi chồng chết, đến năm 1975, không năm nào bà không ở tù, lần mau thì 3 tháng, chậm thì 3 năm.

Lần ở tù đầu tiên của bà kéo dài 2 năm. Khi vào tù, đứa con út mới 4 tháng tuổi, đang bữa bú thì bị giật ra, khi bà ra tù con đã 2 tuổi, chạy lại ôm con nhưng con không nhận mẹ.

4 đứa con bà lần lượt thoát ly (một người chết vì mìn lúc 10 tuổi). Chị Thảo bị thương nát cả mình, tay chân co quắp, sứt mẻ, tự biết phận mình không dám ưng ai. Chị Công bị bom hất bất tỉnh mấy lần, bên ngoài lành lặn mà tàn phế bên trong. Bệnh viện nào cũng đến nhưng bác sỹ nào cũng chạy. "Sức khỏe mình như thế, ưng ai chỉ khổ cho người ta", chị nghĩ vậy và chấp nhận sống một mình.

Sau năm 1975, khi một em trai và một em gái lập gia đình đi ở xa, ngôi nhà còn 3 phụ nữ trơ trọi, những cái tết đến chỉ làm họ già đi chứ không thay đổi được cảnh ngộ họ, chị Công bây giờ đã 54 tuổi, chị Thảo 58 tuổi và mẹ Phê 80 tuổi.

Họ cũng ít khi chạnh lòng vì cả xóm Gia Hội này hầu hết đều như thế. Bên trái nhà chị Công là nhà bà Phan Thị Cúc. Chồng tập kết ra Bắc rồi có vợ ngoài đó để lại bà với 3 đứa con. Một đứa hy sinh, một đứa chết bệnh, một đứa đi lấy chồng xa. Hơn chục năm nay, bà sống một mình.

Bên phải nhà chị Công là nhà bà Trương Thị Phụng. Chồng hy sinh, hai đứa con gái đi lấy chồng xa, và bà mẹ trên 70 tuổi này từ lâu cũng thui thủi một mình.

Chị Công bây giờ là Chủ tịch Hội cựu chiến binh của làng Gia Hội. Trong hội của chị có 5 phụ nữ, cũng không mấy ai trọn vẹn. Chị Bùi Thị Bút, chồng hy sinh trước năm 1975, để lại 1 đứa con. Gái một con lại là vợ cộng sản, khỏi phải nói chị bị hành hạ, ép uổng, dụ dỗ mức nào. Nhưng chị vẫn một lòng ở vậy. Bây giờ con lớn đi làm, để chị làm bạn với cái bóng của mình.

Chị Đỗ Thị Thân, có con mà không có chồng. Năm 1978, chị đi bộ đội, quen và có bầu với một người trong đơn vị, lúc đó chuyện quan hệ nam nữ bị xử lý nghiêm khắc. Anh chàng kia sợ, không nhìn. Chị lặng lẽ nuôi con, cam chịu làm một thành viên của cái làng goá bụa quê mình...

Khi nghe hỏi, tại sao không kiếm đứa con nuôi để nương tựa tuổi già, chị Thảo, chị Công trả lời: Chẳng thà có chồng thì có con, còn không thì thôi luôn. Hồi nhỏ, cha chết, tình cảnh con không cha nếm trải rồi nên không muốn con mình gặp lại. Và nhất là làm như thế thì phụ cái đức của mẹ, bao năm vò võ một mình nuôi con.

Đàn ông trong một bàn tay

Chị Công kể, trước năm 1975 đàn ông, thanh niên ở làng đi thoát ly hết. Không hiểu sao, người đi thì có mà về thì không. Cả làng bây giờ, đàn ông từ 50 đến 60 tuổi có 2 người, đàn ông 60-80 tuổi có 3 người.

Thế hệ đàn ông trước năm 1975 còn đếm trên đầu ngón tay. 30 năm sau chiến tranh, những đứa con trai sinh ra và lớn lên, tuổi 20- 35 và hiện còn ở lại làng chừng 20 người.

Mấy mươi năm qua, với 5 người đàn ông trở về sau cuộc chiến, làng Gia Hội đã "lớn lên" trong bàn tay của những người phụ nữ. Ở  đây, đàn bà làm hết mọi việc, từ cày, bừa, phun thuốc trừ sâu, gặt lúa, đập lúa... đến xây nhà, đóng bàn ghế, giường tủ, chống bão lụt... Đến khiêng đám ma cũng toàn là vai phụ nữ.

Có lẽ chỉ riêng ở làng này, phụ nữ làm cả cái việc bao đời chỉ dành cho đàn ông là dảy mả (tảo mộ), cúng bái đình làng... Ngày 15/3 âm lịch hàng năm, phụ nữ Gia Hội cùng vác cuốc đi tảo mộ, sau đó về chung tiền lại làm cỗ cúng bái tộc họ, xóm làng.

Mấy mươi năm qua, những phụ nữ Gia Hội nuôi mình, nuôi con nhờ vào mấy đồng lúa bạc màu. Ở đây không còn cách sống nào khác ngoài làm nông. Làm ra hạt lúa, củ khoai cũng để ăn là chính chứ buôn bán không được vì đường sá nhếch nhác.

Về Gia Hội chỉ có một con đường độc đạo là đường Cây Trâm, đến tận đầu năm 2006, con đường này chỉ là một bờ ruộng nhỏ bé lầy lội, và tội nghiệp hơn đến Gia Hội là cụt. Ở cái nơi chỉ có người ra đi chứ không có người trở về đó, sự đơn chiếc chỉ có thêm lên chứ không hề bớt đi. Nhiều bà mẹ một con chấp nhận hẩm hiu một mình giục con ra đi, đi khỏi làng, để làm ăn, lập nghiệp, đừng ở lại mà giẫm cái "dớp" góa bụa, nghèo khó của làng.

Chị Công nói, trước năm 1975, làng có 45 nóc nhà, hơn 30 năm rồi mà số nóc nhà cũng chỉ tăng được 6 cái - 51 cái. Cũng chưa có dự án nào về để phết lên lớp sơn mới cho ngôi làng cũ kỹ này. Chị Nhị, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Thanh Tây (nơi có làng Gia Hội) nói rằng, có đem tiền đến cho vay, phụ nữ của làng cũng không dám vay, vì sợ không có chi để trả...

Dù vậy, hỏi làng có chi vui, chị Công lại cười: Làng này không như làng khác, không có chuyện đàn ông ăn nhậu, say xỉn, gây gổ, đánh lộn. Cả làng không có một hàng rượu, vì mở ra biết bán cho ai, vài ba ông già thì mua được mấy, thanh niên đều đi làm xa, có muốn nhậu thì nhậu luôn ở chỗ làm. "Nói vậy, nhưng đôi khi lại thấy thèm một cuộc cãi vã có tiếng đàn ông cho làng đỡ quạnh" - chị Công thầm thì.

Đến giữa năm 2006, từ dự án CBRIP (dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn dựa vào cộng đồng), xã Bình Thanh Tây nâng cấp được con đường Cây Trâm. Đường về làng Gia Hội bây giờ dù vẫn là con đường đất nhưng rộng rãi hơn, và quan trọng là không còn cụt mà nối thông với xã kế bên Bình Hòa. Có lẽ cuộc sống của người Gia Hội, nhất là phụ nữ sẽ bớt đi sự tù đọng, cô quạnh

Lê Vũ
CAND

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video