Lao động Việt Nam: Nguy cơ mất thị trường tại Đài Loan

28/10/2004
Những năm gần đây, Đài Loan là một trong các nước thu hút số lượng lớn lao động Việt Nam, trong đó đa phần là lao động nữ, sang làm việc. Tuy nhiên, mới đây, Ủy ban Lao động Đài Loan đã gửi tới Bộ LĐ-TB & XH Việt Nam thông báo tình hình số lượng lao động Việt Nam sang Đài Loan làm việc nhưng đã tự ý bỏ trốn ra ngoài đang ở mức cao nhất trong số những lao động ngoại quốc tại đất nước này. Vì thế, Ủy ban Lao động Đài loan đang cân nhắc có nên tiếp tục tiếp nhận lao động Việt Nam nữa hay không.

Trước vấn đề cấp bách này, Cục Quản lí lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã có cuộc họp khẩn cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) để bàn bạc và tìm hướng giải quyết.

 

Theo số liệu của Cục Quản lí lao động ngoài nước, hiện đang có hơn 80.000 lao động Việt Nam (trong đó nữ chiếm 80%) làm việc tại Đài Loan trong các lĩnh vực như: giúp việc gia đình, chăm sóc bệnh nhân, người cao tuổi, công nhân dệt may, lắp ráp điện tử... Tuy nhiên, số lao động bỏ trốn thống kê được tới thời điểm này đã lên tới 11.000 người. Hình thức bỏ trốn rất đa dạng: tự ý cắt hợp đồng, mới đặt chân đến sân bay đã bỏ trốn, hết thời hạn nhưng không chịu về nước... Trong số hơn 100 doanh nghiệp nước ta tham gia thị trường XKLĐ Đài Loan thì đã có hơn 50 doanh nghiệp có lao động bỏ trốn. 11 địa phương cũng được nêu trong danh sách có số lao động bỏ trốn nhiều nhất, điển hình là: Hà Tĩnh, Nghệ An, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định...

 

Về nguyên nhân của tình trạng này, ông Nguyễn Thanh Hoà, Cục trưởng Cục Quản lí lao động nước ngoài, đã nêu ra sự thiếu trách nhiệm của cả 3 phía: Cơ quan quản lí nhà nước, Doanh nghiệp phái cử và chính bản thân người lao động. Tuy vậy, có một nguyên nhân được đông đảo doanh nghiệp tán thành hơn, đó là chính sách đưa lao động đi Đài Loan của ta hiện rất lỏng lẻo. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp phái cử không được phép thu phí môi giới với người lao động, thậm chí một số doanh nghiệp còn phải ứng trước cả tiền vé máy bay, tiền đặt cọc... từ đó khiến người lao động không có sự ràng buộc. Còn phía doanh nghiệp XKLĐ, để bù lại những khoản chi phí bỏ ra, họ đã bán đứt lao động và trách nhiệm quản lí cho các công ty môi giới của Đài Loan với những mức giá rất khác nhau, từ 200-500USD.

 

Chính vì thế, tại cuộc họp với các doanh nghiệp XKLĐ chiều 21/10 vừa qua, ông Nguyễn Lương Trào, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, một lần nữa khẳng định: nếu không có biện pháp mạnh để ngăn chặn việc lao động bỏ trốn thì Việt Nam sẽ vĩnh viễn mất thị trường XKLĐ tại Đài Loan.

Theo báo Phụ nữ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video